Đã có giả thiết về cái chết của nữ bệnh nhân tại phòng khám Maria

ANTĐ - Sáng 16-7, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với phòng khám Maria (65-67 Thái Thịnh, Đống Đa), tuy nhiên đến chiều cùng ngày, phòng khám vẫn mở cửa hoạt động như thường lệ. Khác một chút là trên cửa chính ra vào phòng khám dán 2 mẩu giấy nhỏ: “Phòng khám Maria tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân mới”. 3 năm gần đây phòng khám này liên tiếp bị xử phạt nhưng rồi đâu lại vào đó…

Hai bác sĩ “chui” người Trung Quốc: Lôi Hồng (Lei Hong) và Hoàng Đình Lập (Huang DingLi) dưới vỏ bọc... người giúp việc tại phòng khám Maria


Chết người vì khám bác sĩ “chui”

Liên quan đến vụ tử vong của chị Nguyễn Thị Thu Phong tại phòng khám Maria chiều 14-7, sáng 16-7, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với phòng khám này để phục vụ cho công tác điều tra. Cũng trong sáng 16-7, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với bác sĩ Đỗ Y Na- Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria.

Tại buổi làm việc, bà Na cho biết, hoàn toàn không biết thông tin về các hoạt động của phòng khám trong suốt thời gian qua bởi trước đó, ngày 3-2-2011, bà Na đã có đơn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị xin thôi giữ chức Trưởng Phòng khám Maria. Theo bà Na, lý do bà xin thôi không phụ trách phòng khám là do sau khi đi vào hoạt động, Ban Giám đốc Công ty cổ phần và đầu tư An Thịnh (nhà đầu tư của phòng khám này) đã có ý định phát triển chuyên khoa sản phụ trong khi bà Na là bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch nên không đủ khả năng chuyên môn để phụ trách. Bà Na cho rằng, việc bà vẫn đứng tên phòng khám là bất khả kháng và đã ủy quyền cho bà Phạm Thị Trang, chuyên khoa ngoại sản - đứng tên, có trách nhiệm giải quyết mọi công việc khi bà Na vắng mặt. 

Bà Na cho biết thêm, bà hoàn toàn không có thông tin về nhân sự của phòng khám do bà đứng tên phụ trách cũng như không rõ về những trường hợp bác sĩ người Trung Quốc đang hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám này. Thậm chí việc bệnh nhân Phong tử vong tại phòng khám, theo bà Na, bà cũng chỉ biết được sự việc khi đọc thông tin trên báo chí. Còn lý do bà đến làm việc với lãnh đạo Sở Y tế là vì trên danh nghĩa pháp lý, bà vẫn đứng tên phụ trách phòng khám dù mọi hoạt động xung quanh bà hoàn toàn không rõ. “Từ lâu tôi cũng không nhận lương của phòng khám”- bà Na khẳng định.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Biên bản thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân, Sở Y tế chỉ cấp phép cho 6 bác sĩ là người Việt Nam được phép hành nghề tại Phòng khám Đa khoa Maria và hoàn toàn không cấp phép cho bất cứ bác sĩ người Trung Quốc nào khám chữa bệnh, ngoài 2 giúp việc người Trung Quốc. Việc phòng khám sử dụng người Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh khi chưa đăng ký và bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là sai phạm nghiêm trọng. Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, với 2 người giúp việc tại phòng khám này về mặt chuyên môn chỉ được phép đưa dụng cụ, thay rửa vết thương… hoàn toàn không được phép khám bệnh, kê đơn.

Sai đâu, xử đó…?

Trong khi phối hợp và chờ đợi kết luận khám nghiệm pháp y từ phía cơ quan công an, ngày 16-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với đại diện phòng khám Maria xung quanh vụ việc này. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự. Vì vậy, ngoài việc đề nghị phòng khám tường trình lại sự việc liên quan đến cái chết của chị Phong, cơ quan y tế cũng sẵn sàng phối hợp với cơ quan điều tra khi được yêu cầu. Bản thân phòng khám Đa khoa Maria mới đây cũng đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt hành chính 12 triệu đồng và yêu cầu thực hiện đúng phạm vi chuyên môn. Ông Cường nhấn mạnh, về mặt hành chính, sai đâu xử đấy. Không chỉ riêng phòng khám Maria mà 1 tháng gần đây, ngành y tế đã làm việc với các phòng khám sử dụng bác sĩ người nước ngoài trên địa bàn, có thông báo kết quả thanh kiểm tra và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, công tác quản lý nhà nước đối với các phòng khám này. 

Qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2012 tại 10 phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc làm việc trên địa bàn, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện và xử phạt 4 cơ sở sai phạm. Lỗi vi phạm ở các phòng khám này thường là sử dụng bác sĩ người nước ngoài chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam; thu dịch vụ cao hơn giá niêm yết hoặc không niêm yết giá; quảng cáo không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép và ghi chép hồ sơ bệnh án người bệnh không đúng, không đầy đủ. Phòng khám Đa khoa Maria là một trong những cơ sở bị xử phạt nhiều lần, tuy nhiên theo ông Cường, các sai phạm thường không giống nhau nên chỉ phạt tiền chứ chưa bị tước giấy phép hoạt động hay chứng chỉ hành nghề.

Còn việc phòng khám Maria thu phí điều trị “cắt cổ”, liên tiếp bị người bệnh gửi đơn khiếu nại, phản ánh, ông Cường cho biết: “Hiện đã có Luật khám chữa bệnh, người bệnh phải tự bảo vệ quyền của mình, mình bỏ tiền ra, mình được phép yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh khám cho biết bệnh gì, quá trình điều trị như thế nào, kinh phí chi trả là bao nhiêu để xem kinh tế mình có phù hợp trước khi điều trị ở đấy hay không. Nếu không thấy phù hợp người bệnh hoàn toàn có quyền lựa chọn BV khác. Về phía phòng khám, trong quá trình khám bệnh phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin về nội dung khám, hướng điều trị, chi phí cho người bệnh biết. Thông qua đó, người bệnh đưa ra quyết định khám hay phản ánh với Sở Y tế để xem xét xử lý…”.

Có thể tử vong do sốc khi truyền dịch?

Đến lúc này, giả thiết được đưa ra nhiều nhất là chị Phong tử vong do sốc phản vệ trong quá trình truyền dịch. Bởi theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, bệnh nhân Phong được chẩn đoán: Viêm cổ tử cung mãn tính, viêm lộ tuyến phì đại và được phòng khám Maria chỉ định truyền tĩnh mạch 3 chai dịch, làm điện tâm đồ, thủ thuật điều trị vùng chậu...

Trả lời câu hỏi về việc bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân Phong truyền dịch có hợp lý hay không?, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: việc chỉ định phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Nếu bình thường cổ tử cung mà không có vấn đề gì nghiêm trọng thì không nhất thiết phải truyền dịch, còn nếu bác sĩ thấy tình trạng sức khỏe bất thường thì chỉ định cho truyền dịch, hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân thời điểm ấy. “Hiện Sở Y tế cũng chỉ được báo cáo sơ bộ vì toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân đã được niêm phong nên không được tiếp cận. Vì vậy, Sở cũng chưa thể nói rõ bệnh nhân được chỉ định thuốc như thế nào, đúng hay sai” - ông Hiền nói.

Sẽ khởi tố vụ án hình sự

“Sau khi có kết quả từ Viện Pháp y quân đội, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong, SN 1977, ở quận Hà Đông (Hà Nội), xảy ra vào tối 14-7 tại phòng khám Maria, ở phố Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa”.

Đây là thông tin mới nhất về vụ nữ bệnh nhân chết tại phòng khám Maria, được Đại tá Bùi Văn Đại, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa cho biết vào tối qua (16-7). 

Thể theo yêu cầu của gia đình nạn nhân, cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa đã trưng cầu Viện Pháp y Quân đội khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ bệnh nhân này. Cơ quan điều tra đã thu giữ một số giấy tờ, lọ thuốc và lọ dịch truyền để phục vụ công tác điều tra. Hiện phòng khám Maria đã bị cơ quan công an yêu cầu tạm đình chỉ để phục vụ điều tra và xác minh, truy tìm 4 bác sỹ người Trung Quốc có liên quan để làm rõ nguyên nhân vụ việc.