Đa cấp “tấn công” cả chăn nuôi

ANTĐ - Trong khi còn chưa biết giá trị thương phẩm của chồn nhung đen thì hàng nghìn nông dân đã cắn răng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua nuôi với giấc mộng làm giàu. Thậm chí, không ít nông dân còn tham gia vào nuôi cho công ty, tương tự  đa cấp. Giàu chưa thấy đâu, một số nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng chăn nuôi theo đồn thổi này.

Chồn nhung đen chăn nuôi dễ, sinh sản nhiều như chuột, vậy giá trị tới đâu?

Nuôi mộng làm giàu

Chỉ trong một thời gian ngắn mà phong trào nuôi chồn nhung đen đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành từ miền Bắc, tới miền Trung, Tây Nguyên. Không ít người dân đã nuôi giấc mộng làm giàu, đổi đời nhờ con vật có phần lạ lẫm này. Thậm chí, không ít nông dân đã bỏ ra vài triệu đồng chỉ để mua một cặp chồn nhung đen về nhân giống. Phong trào này không chỉ rầm rộ trên thực tế, mà còn “nóng” trên khắp các diễn đàn mạng. Chỉ cần vào trang tìm kiếm gõ dòng chữ “chồn nhung đen” ngay lập tức kết quả cho ra hàng trăm địa chỉ bán giống. Thời điểm đầu mới xuất hiện, giá 1 đôi chồn nhung đen (1 đực, 1 cái) lên tới 4 triệu đồng. 

Thêm vào đó, xuất hiện hình thức một số công ty bán giống cho nông dân dưới dạng đa cấp. Để khuếch trương và phát tán thông tin, nhiều Hội nghị về nuôi chồn nhung đen đã được tổ chức ở khắp các vùng quê. Nhiều cá nhân đã tự đứng ra thành lập mô hình cung cấp giống cho nông dân với những ràng buộc về tiền. Đơn cử như mô hình nuôi chồn nhung đen của một cá nhân ở huyện Giao Thủy, Nam Định. Để tham gia mô hình này, người dân phải bỏ ra 4 triệu đồng mua một cặp chồn bố mẹ và sau đó được mua lại giá 2 triệu đồng/cặp chồn con trong khi giá ngoài thị trường chỉ 200.000-300.000 đồng/đôi. Mô hình có thời hạn kéo dài trong 28 tháng, sau khi hết hợp đồng người dân phải tiêu hủy đàn chồn làm thức ăn mới được phép vào đợt tiếp theo và phải mua với giá cũ là 4 triệu đồng/cặp. Tương tự, không ít mô hình nuôi chồn nhung đen khác cũng đã “mọc” ra để dụ dỗ nông dân lao vào cuộc làm giàu kiểu “giời ơi”. 

Đáng ngạc nhiên, mô hình nuôi chồn nhung đen đã lan về tận các địa phương ngoại thành Hà Nội. Tại các xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, không ít hộ dân đã tham gia nuôi chồn cho Công ty Giấc mơ Việt với cái tên dự án rất mỹ miều: Nhà nông làm giàu. Người dân muốn tham gia mô hình này cũng phải mua chồn giống của công ty với giá 3,9 triệu đồng/cặp… Với một số mô hình cung cấp giống đa cấp của các cá nhân, trung bình, mỗi hộ nông dân muốn tham gia vào chăn nuôi chồn nhung đen phải bỏ ra từ 30-50 triệu đồng.

Giá trị có cao?

Một địa chỉ được quảng bá rộng rãi trên một số trang mạng - trang trại nuôi chồn nhung đen của anh Lê Quang Trung, đội 6, thôn Tam Đạc, xã Thọ An, huyện Đan Phượng khá khang trang. Anh Lê Văn Được, người cùng làm trang trại Quang Trung không khỏi tự hào khi nói về thành tích nuôi chồn nhung đen của mình: “Mô hình này được TS. Võ Văn Sự ở Viện Chăn nuôi chuyển giao cho chúng tôi. Chúng tôi nuôi đến nay đã được gần 5 năm. Đến hiện tại, đã có 3 cơ sở, một cơ sở tại đây, một cơ sở ở Bắc Ninh và một cơ sở ở xã An Khánh, Hoài Đức với số lượng 1.500 con. Chúng tôi phân phối giống khắp các tỉnh miền Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên. Từ Điện Biên vào đến Kon Tum, Đắk Lắk”. 

Cũng theo anh Được, chồn nhung đen rất dễ nuôi, dễ chăm, lại mắn đẻ. Thức ăn chính là cỏ voi, cám, rau muống. Trung bình, 1 con chồn nhung đen có thể đẻ 4 lứa một năm mỗi lứa từ 3-6 con. Một con chồn nhung đen nuôi từ lúc tách bố mẹ đến khi sinh sản lứa đầu khoảng 3 tháng, thời gian chửa đẻ chỉ 65 ngày. Chi phí đầu tư, cũng như chăn nuôi chồn nhung đen không cao, nuôi không vất vả như các vật nuôi khác, mà như anh Được khẳng định, lợi nhuận lại cao. Hiện, giá mỗi cặp chồn nhung đen được trang trại Quang Trung bán từ 400-800.000 đồng, tùy theo ngày tuổi. Có lẽ vậy, mà chủ trang trại Quang Trung đã nuôi giấc mộng làm giàu, đổi đời nhờ con chồn này. Ước mơ xa hơn, thịt chồn nhung đen sẽ thay thế thịt gà, thịt bò…

“Ban đầu, khi tiếp nhận giống từ Viện Chăn nuôi, chúng tôi cũng phải mua 10 đôi với giá 15 triệu đồng. Sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhân ra được mô hình trang trại lớn”, anh Được kể. Ước mơ là vậy, nhưng bản thân anh Được cũng thừa nhận, đến nay, trang trại nuôi của anh cũng chỉ mới dừng lại ở việc bán giống, chưa bán thịt thương phẩm ra thị trường. Lý giải về điều này, anh Được cho rằng: “Có thể, do giá thịt còn cao, khoảng 350.000 đồng/kg, mà người dân cũng chưa quen, chưa được biết về thịt con này?”. Thông thường, một con chồn nhung đen nặng khoảng 500gam có thể đã thịt được, tối đa, một con chồn nhung đen chỉ nặng 1,5kg. 

TS. Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm, Hội Chăn nuôi Việt Nam, người “tâm huyết” với mô hình nuôi chồn nhung đen hiện nay cho biết, mô hình này rất hiệu quả với người nông dân. TS. Võ Văn Sự đưa ra dẫn chứng nuôi và sử dụng thịt của loại chồn này ở một số nước như Peru, Congo… Song, ông Sự cũng cho rằng, con này rất dễ nuôi, chi phí ít, nhưng giá trị chỉ vào khoảng 30.000 - 50.000 đồng/con, chứ không thể cao như giá bị thổi hiện tại. 

Tuy nhiên, những quốc gia sử dụng thịt chồn nhung đen làm thực phẩm mà TS. Võ Văn Sự đưa ra chỉ thuộc nhóm những quốc gia nghèo, thiếu đói. Với những quốc gia này, thì việc nuôi chồn nhung đen để lấy thực phẩm, bổ sung nguồn protein hàng ngày là tốt, còn tại Việt Nam thì sao? Liệu, chồn nhung đen có thay thế được các loại thực phẩm mà chúng ta đang sử dụng như thịt gà, thịt bò… Giấc mơ ấy thật xa vời, nhưng không ít nông dân đã và đang đưa mình vào “lưới” mà chưa hề hay biết.