Đa cấp biến tướng - vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia

ANTĐ - Hiện tượng bán hàng đa cấp trái pháp luật khiến nhiều người trắng tay không chỉ bùng phát tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Á mà cũng là một vấn đề nhức nhối tại những quốc gia phát triển ở châu Âu. Chính phủ các nước đã ban hành luật ngăn chặn đa cấp biến tướng và nhiều lần mở chiến dịch triệt phá loại kinh doanh phi pháp này.

Đa cấp biến tướng - vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia ảnh 1Những đối tượng trong một vụ bán hàng đa cấp biến tướng bị bắt giữ ở thị trấn Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hồi tháng 3-2016

Kinh nghiệm từ quốc gia láng giềng

Bán hàng đa cấp là thuật ngữ chỉ phương thức bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, trong đó, khách hàng trực tiếp mua  tại công ty hoặc qua một nhà phân phối duy nhất mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Loại hình kinh doanh này gây tranh cãi ở nhiều quốc gia bởi đã có vô số vụ lừa đảo liên quan đến đa cấp biến tướng.

Tại Trung Quốc - nước láng giềng của Việt Nam, tình trạng bán hàng đa cấp trái pháp luật từng có thời gian xuất hiện tràn lan, len lỏi tiếp cận người dân từ thành thị tới nông thôn.

Đa cấp biến tướng - vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia ảnh 2

Theo Baidu, ngày 21-4-1998, Chính phủ nước này công bố văn bản “cấm hoạt động kinh doanh đa cấp”. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, do cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc phải mở cửa cho loại hình bán hàng trực tiếp nên năm 2005, nước này ban hành “Quy định quản lý bán hàng trực tiếp”. 

Đa cấp biến tướng - vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia ảnh 3

Theo đó, một công ty muốn trở thành doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tại Trung Quốc phải đáp ứng 4 quy định: Trước khi đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư phải có 5 năm không vi phạm pháp luật, nếu là công ty ngoại quốc phải có trên 3 năm kinh nghiệm tham gia hoạt động bán hàng trực tiếp tại nước ngoài; vốn đăng ký của công ty không thấp hơn 80 triệu NDT; phải giao nộp một khoản tiền bảo đảm vào một ngân hàng được chỉ định; thiết lập hệ thống thông tin công khai. Theo thống kê, Trung Quốc hiện có 71 công ty được cấp phép kinh doanh bán hàng trực tiếp. 

Trung Quốc đã có nhiều quy định nhằm hạn chế bán hàng đa cấp bất chính, nhưng thực tế, tại nước này, các “ổ” kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều. Mới đây nhất, đầu tháng 3-2016, một tòa án ở nước này tuyên phạt 24 đối tượng trong vụ lừa đảo theo mô hình đa cấp của Công ty cho thuê Bang Gia Quảng Đông. Vụ việc kéo dài suốt 10 năm với hơn 230.000 nạn nhân và số tiền trục lợi là 1,5 tỷ USD.

Hồi tháng 8-2015, cảnh sát thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã tạm giữ hình sự 146 người do nghi ngờ tổ chức, lãnh đạo đường dây đa cấp trái phép. Số người này nằm trong 700 nhân viên bán hàng đa cấp bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét đa cấp biến tướng ở thành phố có 7,7 triệu  cư dân này, theo trang Chinafcx.com.

Những vụ lừa đảo đa cấp chấn động ở châu Âu

Nhắc đến những vụ lừa đảo theo mô hình bán hàng đa cấp, không thể không nhắc tới vụ bắt giữ ông Bernard Madoff, cựu Chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq vào năm 2008 với các cáo buộc gian lận chứng khoán, gây chấn động nước Mỹ. Công ty Bernard L. Madoff Investment Securities LLC do ông này sáng lập từng là một hãng thương mại hàng đầu ở phố Wall. 

Trước hôm bị bắt, Madoff đã thú nhận với một số nhân viên cấp cao trong công ty của ông ta rằng phân nhánh tư vấn và quản lý kinh doanh thực ra “về cơ bản, là một mô hình Ponzi khổng lồ”.

Đây là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác với cam kết trả lợi tức rất cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để đánh vào lòng tham của người cho vay. Người cho vay này thậm chí lại giới thiệu những người cho vay khác tham gia để được hưởng lợi tức cao. Kết cục của trò này là kẻ chủ mưu sẽ bỏ trốn và nhiều người cho vay bị mất tiền oan. 

Được biết, 5 ngày sau khi bị bắt, toàn bộ tài sản của Madoff cũng như của công ty ông ta đã bị đóng băng. Vụ gian lận liên quan đến Madoff ước tính gây ra thiệt hại lên tới 50 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán.

Đây là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử do một nhân vật duy nhất gây ra. Madoff, 77 tuổi, hiện đang chịu án 150 năm tù giam tại nhà tù liên bang ở Bắc Carolina, còn Bernard L. Madoff Investment Securities LLC đang trong quá trình phát mại để trả lại tiền cho nhà đầu tư. 

Cũng liên quan đến lừa đảo tài chính, Allen Stanford đã bị tòa án Mỹ kết án 110 năm tù sau khi bị buộc tội là kẻ chủ mưu chương trình lừa đảo đa cấp lớn thứ hai trong lịch sử nước này. Vào thập niên 1980, ông ta đã được biết tới khi bắt đầu giàu lên nhờ kinh doanh bất động sản.

Standford cũng thường xuyên tài trợ cho các môn thể thao được giới doanh nhân ưa chuộng như golf, quần vợt… Stanford gây dựng danh tiếng của mình bằng việc quyên tiền cho các quỹ từ thiện khắp thế giới.

Với vỏ bọc như vậy, Stanford đã khiến 30.000 nhà đầu tư “sập bẫy” và mất sạch số tiền 8 tỷ USD. Stanford bị cáo buộc là chủ mưu vụ lừa đảo bán chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng thông qua 3 ngân hàng, tổ chức tài chính do ông ta làm chủ. Chiêu lừa là rao bán chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng với mức lãi suất trên 8%/năm, cao hơn 2 lần so với mức lãi suất của các ngân hàng thương mại.

BurnLounge, Inc. là một cửa hàng âm nhạc trực tuyến đa cấp được thành lập vào năm 2004 và đặt trụ sở tại thành phố New York (Mỹ). Năm 2006, công ty thông báo có 30.000 thành viên sử dụng trang web này để bán nhạc thông qua mạng lưới của mình.

Năm 2007, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã kiện công ty trên vì hoạt động kinh doanh đa cấp bất hợp pháp. Tháng 6-2015, FTC bắt đầu trả lại 1,9 triệu USD cho những người bị mất tiền vào chương trình đa cấp này.