Đa cấp biến tướng thời 4.0 tận dụng triệt để công nghệ để lôi kéo người tham gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thay vì trực tiếp hội họp cả trăm người chật kín hội trường, hô vang khẩu hiệu, đa cấp biến tướng thời 4.0 tận dụng triệt để công nghệ để thu hút, lôi kéo người tham gia thông qua các ứng dụng như: Facebook, Zalo, TelegramX, Viber, Zoommeeting…
Thống kê về hoạt động kinh doanh đa cấp giai đoạn 2015-2020

Thống kê về hoạt động kinh doanh đa cấp giai đoạn 2015-2020

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương), hiện nay cả nước chỉ co 22 doanh nghiệp đa cấp được cấp phép. Các doanh nghiệp này bị kiểm soát chặt chẽ, mọi hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng lại có chiều hướng gia tăng, tận dụng công dụng công nghệ để tập hợp, thu hút người tham gia. Theo khảo sát, hiện có 7 dạng thức kinh doanh đa cấp biến tướng.

Một là lạm dụng sản phẩm công nghệ: Các đối tượng này lạm dụng các thuật ngữ mang xu hướng thời đại công nghệ như: blockchain 3.0, big data, trí tuệ nhân tạo, hợp đồng thông minh, hệ sinh thái số, wifi 5G… làm cho những người thiếu hiểu biết khi nghe sẽ lầm tưởng đây là những sản phẩm đi đầu thời đại và rất đáng để đầu tư.

Sau khi giới thiệu sản phẩm “siêu việt” đó, những đối tượng này sẽ đưa ra những gói đầu tư để đầu tư mua sản phẩm theo phương thức đa cấp với lãi suất không tưởng bằng việc tuyển thêm người khác đầu tư để hưởng các khoản hoa hồng tiền thưởng theo cấp bậc, theo tầng tiếp sau đó.

Dự án OWIFI 5G là một trong những dạng thức kinh doanh đa cấp biến tướng đã được Cục CT&BVNTD cảnh báo.

Hai là núp bóng dưới dạng cổ phần, phân quyền kinh doanh, vùng nguyên liệu sản phẩm. Các đối tượng huy động vốn theo phương thức này sẽ gây dựng hình ảnh về một doanh nghiệp hoặc một chủ doanh nghiệp rất tiềm năng để hợp tác đầu tư.

Người tham gia sẽ được ghi nhận dưới dạng bỏ tiền đầu tư để sở hữu cổ phần; phân quyền kinh doanh; những vùng nguyên liệu cho các sản phẩm như: macca, cà phê; hay những hình thức tương tự khác…

Người tham gia được hứa hẹn hưởng “siêu” quyền lợi như: được sử dụng hình ảnh của doanh nghiệp để kinh doanh kiếm lời, thu lợi nhuận không tưởng từ các hoạt động của doanh nghiệp và đặc biệt là khoản hoa hồng, tiền thưởng với việc dụ dỗ những nạn nhân tiếp theo tham gia hệ thống.

GoldTime là hình thức bán phân quyền với dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép.

Ba là mạng xã hội. Các đối tượng thường đưa ra những viễn cảnh về một mạng xã hội hướng tới lợi ích của toàn cộng đồng với việc toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động quảng cáo, đầu tư của mạng xã hội này sẽ được chia cho người tham gia và làm các hoạt động từ thiện.

Trong khi đó, hoạt động của loại mạng xã hội này chủ yếu lại là lôi kéo người tham gia với những khoản tiền tạo tài khoản ban đầu để rồi được hưởng tiền hoa hồng từ việc tuyển thêm người sau tham gia kết nối. Điển hình của dạng thức này là mạng xã hội Vitae.

Bên cạnh các hình thức trên, các đối tượng tổ chức hoạt động đa cấp trái phép còn núp bóng hoạt động thương mại điện tử thông qua website thương mại điện tử như: Siêu thị trực tuyến An Phát Thịnh; ứng dụng mua sắm hoàn tiền… Mức chiết khấu cho mỗi giao dịch theo hình thức này thường từ 8-100%, thậm chí cao hơn vậy dành cho cả bên bán và bên mua. App mua sắm hoàn tiền MyAladdinz tiêu biểu cho dạng thức kinh doanh trái phép này, đã được Cục CT&BVNTD cảnh báo.

Ngoài ra, hoạt động đa cấp bất chính còn núp bóng khởi nghiệp, tuyển dụng việc làm để lôi kéo các đối tượng chủ yếu là sinh viên, người cần việc làm như hoạt động “Khởi nghiệp 360”…

Sàn đầu tư tài chính như: Foreign Exchange hay Forex; Đầu tư quyền chọn nhị phân như: Binary Options hay BO cũng là hoạt động đa cấp bất chính đã bị lực lượng chức năng nhiều lần cảnh báo người tham gia. Bên cạnh đó, mô hình sàn tài chính phi tập trung – DEFI cũng rất nổi tiếng trong bối cảnh đầu tư tiền ảo đang như một “cơn sốt” trên thế giới.

Theo Cục CT&BVNTD, giai đoạn 2015-2020, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp mỗi năm ở mức trung bình khoảng 800.000 người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1,25 triệu người.

Cũng theo báo cáo từ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2018-2020, trong số người tham gia bán hàng đa cấp, thực chất trung bình khoảng 60% là những người có nhận hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế từ hoạt động bán hàng đa cấp. Số lượng người còn lại đăng ký trở thành người bán hàng đa cấp để được mua sản phẩm với giá ưu đãi dành cho nhà phân phối của doanh nghiệp.