Cựu tổng thống Morsi có thể nhận án tử hình, Ai Cập sẽ đi về đâu?

ANTĐ - Tại thủ đô Ai Cập, một phiên tòa sẽ được mở để xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi và 35 nhà lãnh đạo Hồi giáo, trong đó có cả thủ lĩnh tinh thần của Tổ chức “Anh em Hồi giáo” Mohammed Badia, về tội làm gián điệp. 

Ông Morsi và 35 nhà lãnh đạo của Tổ chức “Anh em Hồi giáo” bị cáo buộc âm mưu thông đồng với "các tổ chức nước ngoài" thực hiện khủng bố và "tiết lộ bí mật quân sự quốc phòng cho quốc gia khác".

Ngoài ra, ban lãnh đạo Tổ chức “Anh em Hồi giáo” bị khép tội tài trợ khủng bố, đào tạo quân sự cho các đối tượng thực hiện nhiệm vụ từ mạng lưới tổ chức quốc tế “Anh em Hồi giáo”, gây ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ai Cập.

Nếu tội của ông Morsi và những người thân cận được chứng minh, họ có thể đối mặt với án tử hình vì các cáo buộc sát hại người biểu tình và làm gián điệp.

Vừa qua, Ai Cập đã kỷ niệm lần thứ ba cuộc biểu tình dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak. Trong ba năm qua, không chỉ Mubarak đã ra đi, mà ngay cả người lên thay ông là Mohamed Morsi cũng đã bị lật đổ.

Cựu tổng thống Morsi có thể nhận án tử hình, Ai Cập sẽ đi về đâu? ảnh 1

Quân đội Ai Cập điều xe thiết giáp trấn áp những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi - tháng 8/2013

Tư lệnh quân đội kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi lãnh đạo, đã lật đổ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi vào đầu tháng 7-2013 sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại chính quyền mới được bầu 1 năm và tổ chức Anh em Hồi giáo của ông.

Sau khi lật đổ ông Morsi, tướng Sisi nhiều lần tuyên bố rằng quân đội sẽ không can thiệp vào tình hình chính trị tại nước này. Tuy nhiên, một số cuộc vận động của nhân dân gần đây đã thành lập một liên minh ủng hộ ông Sisi ra tranh cử tổng thống như một yêu cầu của nhân dân.

Ngày 11-1, ông Sisi tuyên bố, ông sẽ ra tranh cử tổng thống nếu "người dân muốn như vậy và quân đội ủy quyền". Tuy ông chưa đưa ra quyết định dứt khoát, song cảm thấy sẽ “không thể đứng ngoài cuộc nếu có một sự ủng hộ mạnh mẽ việc ông ra tranh cử”.

Cựu tổng thống Morsi có thể nhận án tử hình, Ai Cập sẽ đi về đâu? ảnh 2

Tư lệnh quân đội Ai Cập kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi

Chính phủ Ai Cập chuyển tiếp hiện đang có trong tay một đất nước còn tồi tệ hơn nhiều so với thời Mubarak, cả về chính trị lẫn kinh tế. Về mặt xã hội, những gì đạt được cũng không đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói - những vấn đề chính mà những người biểu tình ở Tunisia và Cairo ba năm trước đây nêu ra, đến nay vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Đối với việc thúc đẩy tự do dân chủ, kết quả hiện tại cũng chẳng khả quan, ông Mubarak bị lật đổ, ông Morsi lên thay nhưng cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Ba năm trước, ông Morsi và những người “Anh em Hồi giáo” còn được tung hô như những người hùng, nhưng 3 năm sau họ đã trở thành tội đồ, “cuộc diễu hành khải hoàn của nền dân chủ theo kiểu phương Tây đã không diễn ra”.

Cựu tổng thống Morsi có thể nhận án tử hình, Ai Cập sẽ đi về đâu? ảnh 3

Cựu Tổng thống Morsi bị đe dọa án tử hình

"Mùa xuân Ả Rập" không giúp được gì cho nhân dân Ai Cập, mà chỉ Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ là đạt được mục tiêu. Đối thủ quyền lực và ảnh hưởng trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo của họ đã bị triệt tiêu. Nền kinh tế, bao gồm lĩnh vực dầu khí, tại các nước “mùa xuân Ả Rập”, đặc biệt là ở Libya đã trở nên rất yếu kém. 

Xã hội Ai Cập đang bước vào một chu trình hỗn loạn mới không lối thoát. Rồi đất nước Ai Cập sẽ đi về đâu?