Cựu Tổng thống Argentina bị truy tố vì tham nhũng

ANTD.VN - Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner hôm 27-12 đã bị một tòa án liên bang truy tố với cáo buộc tham nhũng và bị đóng băng khối tài sản trị giá 633 triệu USD. 

Cùng bị truy tố với bà Cristina Fernandez de Kirchner còn có ông Jose Lopez, cựu cố vấn về công trình công cộng của bà, và cựu Bộ trưởng Hoạch định Julio de Vido. Hồi tháng 6 năm nay, ông Lopez bị bắt quả tang chuyển gần 9  triệu USD vào một tu viện Công giáo ở ngoại ô Buenos Aires. Một người dân đã chứng kiến vụ việc và gọi cho cảnh sát. Ông Lopez hiện đang bị giam giữ với các cáo buộc rửa tiền. Cáo buộc tham nhũng trong giới lãnh đạo chính quyền tiền nhiệm được phát ra trong bối cảnh Argentina lâm vào suy thoái kinh tế.

Cựu Tổng thống Argentina bị truy tố vì tham nhũng ảnh 1Bà Cristina Fernandez de Kirchner

Liên quan tới động cơ chính trị?

Theo hãng tin Reuters, hôm 27-12, Thẩm phán liên bang Julian Ercolini cáo buộc bà Fernandez cùng với 2 quan chức trên và một số quan chức khác trong chính quyền của bà nhiều tội danh, trong đó có tội “cố ý chiếm giữ nhiều quỹ dành cho xây dựng đường sá công cộng”. Vụ ăn chặn tiền cấp cho các dự án đường bộ diễn ra ở tỉnh Santa Cruz thuộc vùng    Patagonia, nơi bà Kirchner sinh sống. Chính phủ của bà Kirchner cũng dính tới cáo buộc “thiên vị” các dự án công cho doanh nhân Lazaro Baez, người quen biết với gia đình bà. Hãng BBC đưa tin, công ty xây dựng của ông Lazaro Baez được giao hơn 50 dự án công trong suốt 2 nhiệm kỳ của bà Kirchner từ năm 2007 tới tháng 12-2015. 

Bà Kirchner phủ nhận tất cả cáo buộc trên và tuyên bố sự việc có động cơ chính trị, trong đó có “bàn tay” của đương kim Tổng thống Mauricio Macri. Khi ra tòa vào tháng 10 vừa qua, bà Kirchner đã đệ trình tài liệu về ngân sách nhà nước cho thấy các khoản chi tiêu đều được sự đồng ý của các cơ quan Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước.

Được biết, bà Kirchner được hàng triệu người Argentina yêu mến vì những chương trình phúc lợi hào phóng, nhưng lại bị một bộ phận khác căm ghét vì cho rằng bà phá hoại nền kinh tế Argentina - quốc gia lớn thứ ba ở Mỹ Latin với những khoản chi tiêu công hoang phí và kiểm soát chặt thương mại và tiền tệ. Chồng bà, Nestor Kirchner, đã qua đời, cũng là Tổng thống Argentina từ năm 2003 đến 2007. Hiện bà đang là một trong những lãnh đạo đối lập tại Argentina.

Suy thoái kinh tế tiếp diễn

Những cáo buộc tham nhũng đối với người đứng đầu chính quyền tiền nhiệm tại Argentina diễn ra khi quốc gia này vẫn đối mặt với suy thoái kinh tế. Ngày  26-12, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Alfonso Prat-Gay và cải tổ đội ngũ nhân sự của Bộ này. Ông Prat-Gay là người chịu trách nhiệm chính trong một loạt cải cách theo định hướng thị trường, trong đó có cả việc chấm dứt các kiểm soát giao dịch ngoại hối. Những chính sách này đã khiến đồng peso bị mất tới 1/3 giá trị và đưa tỉ lệ lạm phát thường niên tăng lên mức hơn 40%. Các chính sách cải cách khác do ông Prat-Gay điều hành, như việc loại bỏ trợ giá cho lĩnh vực giao thông vận tải công cộng, điện và khí đốt cũng đã làm người dân bức xúc.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Macri thay đổi nội các kể từ khi ông lên nắm quyền hơn một năm trước. Ông Macri đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ Tổng thống với lời cam kết sẽ làm cho nền kinh tế phát triển, tuy nhiên kinh tế nước này được dự báo giảm đi 2% trong năm nay. 

Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Macri đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo thế giới bị cuốn vào bê bối Hồ sơ Panama. Theo trang Straits times, trong hồ sơ này, ông Macri được liệt kê là giám đốc của 2 công ty - một đăng ký ở Bahamas và một ở Panama. Ông Macri không nêu 2 công ty này vào tờ khai tài chính khi trở thành Thị trưởng Buenos Aires hay trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, ông Macri khẳng định không làm gì sai trái và các công ty đó được thành lập bởi cha ông, một nhà kinh doanh giàu có. Thời điểm ra tranh cử tổng thống, ông Macri đã cam kết loại bỏ triệt để tham nhũng tại Argentina.