Tiếp diễn phiên xử ổ nhóm kinh doanh đa cấp “bậy”:

Cựu Tổng giám đốc DHV nói lời xin lỗi và cam kết sống gương mẫu

ANTĐ - Ngày thứ 6 diễn ra phiên tòa xét xử Lâm Phúc Hùng cùng đồng phạm vào hôm nay (25-7) cũng là ngày vụ án đang dần đi vào hồi kết. Và trước khi HĐXX quyết định nghị án kéo dài, cả 9 bị cáo đều lần lượt được nói lời sau cùng với những tâm trạng khác nhau.     

Người nhận tội, kẻ bảo thua

Giữ vai trò lớn nhất trong vụ án nên Lâm Phúc Hùng – cựu Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Diamond Holyday Việt Nam (Công ty DHV) là bị cáo được nói lời sau cùng đầu tiên. Chất chứa nhiều cảm xúc, bị cáo Hùng mở lời: “Trước hết, tôi xin gửi lời xin lỗi tới tất cả các bị hại trong vụ án. Cho dù tôi chỉ là một khách hàng của DHT và cũng chỉ gián tiếp gây ra hậu quả nhưng tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm”.

Tiếp lời, cựu Tổng giám đốc Công ty DHV bày tỏ trước tòa rằng bị cáo không bao giờ trốn tránh trách nhiệm và cũng không hề chối tội. Nhưng tội của bị cáo đến đâu thì mong pháp luật và mong quý tòa xử lý, trừng trị bị cáo tới đó.

Chứng minh cho hành vi chiếm đoạt tài sản của bản thân là không đúng như cáo trạng quy kết, Hùng cho rằng trong quá trình kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và được hưởng tiền “hỏa hồng” đã dùng khá nhiều tiền vào những việc có ích cho xã hội. Vì thế các cơ quan tố tụng cần phải đối trừ số tiền đó cho bị cáo.

Bị cáo Lâm Phúc Hùng nói lời sau cùng và các bị cáo liên quan

Sau cùng, cựu Tổng giám đốc DHV khẩn khoản: “Bị cáo không chối tội. Bị cáo thật sự ăn năn, hối cải và chỉ mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Bị cáo xin hứa với HĐXX rằng bị cáo chấp nhận tất cả mọi thiệt hại để sớm được làm lại cuộc đời. Và sau này, bị cáo sẽ cố gắng sống thật gương mẫu vì hạnh phúc của các con bị cáo”.

Trái với nhận thức của bị cáo Hùng, bị cáo Nguyễn Thị Phương Bắc – cựu Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Thượng Hải (Công ty Du lịch Thượng Hải), “nhân vật” xếp thứ 2 trong vụ án tiếp tục cho rằng bản thân không phạm tội như truy tố. Vì theo bị cáo Bắc, việc cựu Giám đốc Công ty Du lịch Thượng Hải cùng các bị cáo liên quan bị đưa ra phiên tòa không khác gì việc người tham gia giao thông đi ở chế độ “đèn vàng”.

Cũng theo bị cáo Bắc, hậu quả pháp lý của bị cáo hiện nay chỉ là một sự không may khi đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Tiếp đến, cùng với những lời xin lỗi các bị hại ngồi ở hội trường, cựu Giám đốc Công ty Du lịch Thượng Hải còn khuyên nhủ: “Những người đam mê kinh doanh trên mạng đừng nên nản chí”.

Tôi nghĩ tôi vô tội…

Là người thứ 5 nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Phạm Thị Thủy – nguyên Phó giám đốc Công ty Vitex (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và vé máy bay) và thời điểm can án giữ chức Trưởng phòng vé của Công ty Newtatco chỉ ngắn gọn đúng một câu: “Tôi nghĩ tôi vô tội”.

Ở phần đối đáp với vị KSV ngay trước đó, bị cáo Thủy nói: “Trước đây tôi định buông xuôi. Nhưng trong mấy ngày nghỉ vừa qua, tôi được củng cố về tinh thần nên tôi quyết định phải tự bảo vệ mình”. “Tôi tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ mọi người và bảo vệ công lý, công bằng” – nữ Phó giám đốc Công ty Vitex khẳng định.

Trước đó, quá trình truy tố Phạm Thị Thủy, cáo trạng xác định bị cáo này là một trong 3 người đầu tiên phát triển hệ thống DHT (bán gói “sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm) tại Việt Nam với việc thành lập và giữ chức Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Du khách.

Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 7-2010, CLB Du khách của Thủy cùng đồng phạm đã bán được 2.403 mã khách hàng và thu về số tiền lên tới hơn 8,3 tỷ đồng cùng hơn 253.000 USD. Tuy nhiên, bị cáo chỉ kinh doanh đa cấp thương mại điện tử trong một thời gian ngắn do sớm phát hiện ra sự “bất ổn”.

Trong những ngày bị thẩm vấn và tranh luận tại tòa, nữ bị cáo được tại ngoại này trước sau đều khẳng định không có động cơ, mục đích và cũng không chiếm đoạt tiền của bất kỳ ai. Mục đích duy nhất của Thủy chỉ là mong muốn bán được nhiều vé máy bay, song không kết quả.

Nói về “gói sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm tại khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc các khu Resorts trên thế giới của hệ thống DHT, bị cáo từng nhiều năm kinh doanh lĩnh vực lữ hành, du lịch quả quyết: “hoàn toàn có thật”. Ngoài ra, Thủy còn cho rằng việc các cơ quan tố tụng đã không công bằng với bị cáo. Bởi lẽ rất nhiều người cũng xếp ở vị trí tương đồng hoặc gần bằng bị cáo trong hệ thống đa cấp nhưng lại chỉ là bị hại ở vụ án.

Trở lại diễn biến trong ngày thứ 6 xét xử Lâm Phúc Hùng cùng đồng phạm và ở nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo còn lại đều trực tiếp hoặc gián tiếp thừa nhận hành vi tội phạm bị đưa ra truy tố. Cụ thể, các bị cáo cho rằng bản thân thiếu hiểu biết pháp luật, bồng bột, lựa chọn sai đối tác hoặc chỉ là người làm công ăn lương. Trên cơ sở đó, các bị cáo này đề nghị Tòa án Hà Nội xem xét kỹ vai trò, mức độ phạm tội của từng người và cho hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Trước khi 9 bị cáo lần lượt được nói lời cùng, đại diện VKSND TP Hà Nội cũng đã đưa ra quan điểm đối đáp đối với các luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cùng đồng phạm. Về cơ bản, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên xử vẫn giữ nguyên các nội dung tại bản cáo trạng cáo buộc các bị cáo.

Tạm khép lại 6 ngày xét xử liên tiếp (từ ngày 18 đến 25-7) đối với Lâm Phúc Hùng cùng 8 bị cáo liên quan, thẩm phán Lê Thị Hợp tuyên bố HĐXX sơ thẩm nghị án kéo dài và sẽ đưa ra các phán quyết vào ngày 2-8 tới đây.