Tiếp diễn phiên xử ổ nhóm kinh doanh đa cấp “bậy”:

Cựu Tổng giám đốc Công ty DHV bị đề nghị xử phạt đến 20 năm tù

ANTĐ - Bước sang ngày thứ 4 xét xử các bị cáo trong vụ án kinh doanh đa cấp “bậy” vào 21-7, HĐXX tiếp tục thẩm vấn để làm rõ từng giai đoạn phạm tội của Hùng cũng như đồng bọn. Hàng trăm bị hại tham gia phiên xử ở ngày khai mạc thì hôm nay chỉ còn rất ít. Do đó, phiên xử đã nhanh chóng chuyển sang phần tranh luận.

Từ những phân tích và đánh giá của mình, vị đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Lâm Phúc Hùng – cựu Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Diamond Holyday Việt Nam (Công ty DHV) từ 19 năm tù đến 20 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số nhằm chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 226b-BLHS.

Cũng với tội danh trên, Nguyễn Thị Bắc – cựu Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Thượng Hải bị đề nghị xử phạt từ 18 năm tù đến 19 năm tù. Tiếp đến là Nguyễn Thị Ái Dân – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty DHV bị đề nghị xử phạt từ 14 năm tù đến 15 năm tù và Phạm Hồng Thanh – cựu Trưởng phòng đào tạo Công ty DHT Đông Nam Á bị đề nghị từ 10 năm tù đến 11 năm tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị xử phạt 3 năm 1 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) và từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù.

Lâm Phúc Hùng (thứ 2, từ phải sang, hàng đầu) cùng đồng phạm đứng nghe luận tội

Trước khi đề nghị tòa án áp dụng các mức hình phạt nêu trên đối từng bị cáo, vị KSV giữ quyền công tố tại phiên xét xử khẳng định, từ tháng 2-2010 đến thời điểm vụ án bị khởi tố, điều tra (tháng 12-2011), mặc dù các tổ chức, pháp nhân của Lâm Phúc Hùng cùng đồng phạm  không có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế và cũng không được cấp phép kinh doanh đa cấp thương mại điện tử nhưng các bị cáo vẫn cố tình thực hiện.

Cụ thể, từ tháng 2 đến tháng 7-2010, Câu lạc bộ (CLB) Du khách của Hùng cùng 2 bị cáo liên quan đã bán gói “sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc các khu Resorts trên toàn thế giới cho hơn 2.400 người, tương ứng với 2403 mã số ID. Thông qua đó, CLB Du khách của Hùng đã thu được số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Tiếp đến cũng với thủ đoạn bán gói “sản phẩm du lịch” nêu trên, từ tháng 7-2010 đến tháng 7-2011, Công ty DHV do bị cáo Hùng làm Tổng giám đốc và bị cáo Dân giữ chức Chủ tịch HĐQT đã quảng cáo và bán được tổng cộng 3.948 mã số ID, tương đương hơn 3.800 người để thu về số tiền gần 28 tỷ đồng.

Ở giai đoạn thành lập ra Công ty Diamond Holyday Đông Nam Á (DHT Đông Nam Á), bị cáo Hùng cùng đồng phạm đã thu được tổng số tiền hơn 11,8 tỷ đồng, thông qua hoạt động bán gói “sản phẩm du lịch” trong hệ thống DHT tại Việt Nam với tổng số người tham gia là gần 1.500 người.

Tương tự, tính đến tháng 12-2011 bằng việc liên kết giữa Công ty TNHH Xuân Bắc và Công ty DHV, bị cáo Hùng, bị cáo Bắc cùng các bị cáo liên quan đã bán được tổng số 3.577 mã khách hàng ở hệ thống DHT Phương Bắc và thu về số tiền hơn 25,2 tỷ đồng của hơn 3.500 người bị hại.

Theo đại diện VKSND TP Hà Nội, mặc dù cả 9 bị cáo đều không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, song căn cứ vào hồ sơ, tài liệu vụ án cùng các lời khai tại phiên tòa, có đủ cơ sở để xác định Lâm Phúc Hùng cùng đồng bọn đã phạm vào tội danh như truy tố.

Bởi lẽ các bị cáo biết rõ và hoàn toàn nhận thức được việc bán gói “sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm của hệ thống DHT không mang tính thực tiễn mà chỉ là hình thức kinh doanh đa cấp thương mại điện tử. Nghĩa là lấy tiền của người tham gia sau để chi trả thưởng, “hỏa hồng” cho người tham gia trước. Các bị cáo đã lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của hàng vạn người để hưởng lợi bất chính.

Theo đó, tính đến thời điểm vụ án bị triệt phá, bị cáo Hùng đã hưởng lợi bất chính hơn 8,5 tỷ đồng. Tiếp đến là bị cáo Bắc hưởng lợi hơn 6,3 tỷ đồng; bị cáo Thanh hưởng lợi cá nhân hơn 1,6 tỷ đồng; bị cáo Dân chiếm hưởng và sử dụng cá nhân hơn 1,1 tỷ đồng. Bị cáo trong vụ án hưởng lợi bất chính ít nhất là Lê Văn Trọng cũng thu được hơn 50 triệu đồng.

Cũng theo đánh giá của đại diện VKSND TP Hà Nội, hành vi của Lâm Phúc Hùng cùng đồng bọn không chỉ xâm phạm chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước mà còn gây mất trật tự trị an, thậm chí còn khiến không ít cá nhân, gia đình tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp DHT lâm vào tình trạng khốn đốn.

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, đồng thời gây hệ lụy rất lớn về mặt xã hội. Do đó, việc đưa các bị cáo ra xét xử tại phiên tòa và áp dụng các mức phạt tù nghiêm minh, tương ứng là hết sức cần thiết để vừa giáo dục, cải tạo các bị cáo lại vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm chung.