Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đối mặt với án phạt 10 năm tù

ANTĐ - Chính quyền quân sự Thái Lan ngày 1-8 cho biết, chương trình trợ giá gạo của Chính phủ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã làm thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ USD và nữ chính trị gia này phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại đó. 

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đối mặt với án phạt 10 năm tù ảnh 1

Bà Yingluck có mặt tại Tòa án Tối cao Thái Lan năm 2015

Cáo buộc sau chương trình trợ giá ồ ạt

Phát biểu trước các phóng viên, ông Panada Disakul, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Thái Lan, nói rằng: “Một ủy ban điều tra đã xác định mức độ thiệt hại của chương trình trợ giá gạo là 286,6 tỷ baht (8,2 tỷ USD)”.

Đây là lần đầu tiên một con số cụ thể được đưa ra khi đánh giá về mức độ thiệt hại mà chương trình này gây ra. Hiện bà Yingluck cũng đang bị xét xử với cáo buộc lơ là trách nhiệm gây ra các thiệt hại trong chương trình trên.

Theo cáo trạng, bà Yingluck đã lơ là trách nhiệm khi không cho dừng chương trình trợ giá gạo dù đã được cảnh báo về các nguy cơ thiệt hại. Nếu bị tuyên là có tội, nữ cựu Thủ tướng Thái Lan có thể phải chịu mức án 10 năm tù giam. Trước đó, Tòa án Tối cao Thái Lan đã cho bà Yingluck nộp tiền tại ngoại 30 triệu baht (khảng 840.000 USD) nhưng từ chối yêu cầu của bà được đi châu Âu và Nhật Bản.

Trong thời gian cầm quyền từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2014, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tiến hành chương trình trợ giá gạo cho nông dân, một trong những cương lĩnh của đảng Pheu Thai khi vận động tranh cử. Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan sẽ mua toàn bộ số gạo của nông dân nước này với mức giá cao hơn gần gấp đôi giá thị trường. Tuy nhiên, chương trình này đã bị các nhà phân tích chỉ trích gay gắt là làm thiệt hại ngân sách và cho rằng đây là một nỗ lực nhằm mua phiếu bầu của gia tộc Shinawatra.

Tuy nhiên, bà Yingluck khẳng định không làm gì sai trái, đồng thời nói rằng chương trình này là một nỗ lực thực sự để giúp nông dân, chủ yếu là những người nghèo và bị bỏ quên trong thời gian dài ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc nước này.

Nhưng chính sách mang tính dân túy này đã khiến lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm 40% sau khi Chính phủ tích trữ gạo trong một nỗ lực nhằm đẩy giá gạo thế giới tăng lên. Điều đó đã dẫn đến số lượng gạo trong kho dự trữ lớn trong khi thị trường quay lưng với gạo Thái Lan, khiến nước này bị mất vị thế là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Kẽ hở cho tham nhũng

Bà Yingluck bị lật đổ vào tháng 5-2014. Và chỉ 1 tháng sau khi lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính, chính quyền quân sự ở Thái Lan đã quyết định chấm dứt chương trình trợ giá gạo. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố tất cả các chương trình trợ giá gạo sẽ bị hủy bỏ chừng nào chúng không mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân.

Trong khi đó, nữ cựu Thủ tướng Thái Lan đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý mà những người ủng hộ bà cho rằng chúng mang động cơ chính trị, trong đó có cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm và cấm bà hoạt động chính trị 5 năm vào cuối tháng 1-2015.

Đến tháng 4 năm đó, chính quyền quân sự Thái Lan đã thành lập một ủy ban điều tra do ông Jirachai Moonthongroy, Phó Bí thư thường trực Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, đứng đầu để xác định mức độ thiệt hại trong chương trình trợ giá gạo trên.

Ông Panada cho biết, ủy ban điều tra xác định, khoảng 13,3 triệu tấn gạo đã được Chính phủ của bà Yingluck mua dự trữ, nhưng chỉ chưa đầy 1 triệu tấn gạo được xuất khẩu. Giới chức Thái Lan cũng phát hiện ra nhiều kẽ hở cho tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo. Những kẽ hở đó khiến nông dân không phải là đối tượng hưởng lợi chính, như mục tiêu ban đầu của chương trình gây tranh cãi này.