Nhìn lại những quan điểm sâu sắc của “cha đẻ” Singapore (1)

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu: Tôi chưa bao giờ sợ nói ra suy nghĩ của mình

ANTĐ - Lúc đương thời, nhà lập quốc vĩ đại Lý Quang Diệu của Singapore đã chia sẻ quan điểm của ông về rất nhiều điều trong cuộc sống, từ dân chủ, lãnh đạo cho tới chủ nghĩa khủng bố và cả người vợ quá cố của ông.

Điều đặc biệt là ông Lý Quang Diệu luôn có ý kiến rất mạnh mẽ về mọi điều mà ông đề cập. Chẳng hạn như một lần ông từng nói: “Tôi từng bị cáo buộc nhiều thứ trong cuộc đời mình, nhưng không có kẻ thù tồi tệ nhất nào của tôi có thể cáo buộc rằng Lý Quang Diệu sợ nói ra suy nghĩ của mình”. Đây là một trong những quan điểm ghi nhiều dấu ấn của nhà lập quốc Singapore trong suốt thời gian ông tham gia chính trường.

Ông Lý Quang Diệu được coi là bậc "minh quân" giúp đưa Singapore thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á

Dưới đây là một trong những quan điểm sâu sắc đó:

* Về Singapore:
"Chúng tôi đã tạo ra quốc gia này từ số 0 tròn trĩnh, từ 150 linh hồn trong một ngôi làng đánh cá nhỏ trở thành miền đất phát triển.

Tôi đã từng phải hát 4 bài quốc ca: “God Save the Queen” của Anh, “Kimigayo” của Nhật Bản, “Negara Ku” của Malaysia và cuối cùng là “Majulah Singapura” của Singapore. Điều đó thể hiện những biến động chính trị trong suốt 60 năm qua.

Một trong những điểm quan trọng trong chiến lược của tôi là biến Singapore trở thành nơi nghỉ dưỡng hàng đầu tại Đông Nam Á, để nếu như chúng ta có những tiêu chuẩn ở đẳng cấp thế giới, thì các doanh nhân và du khách sẽ chọn Singapore làm cơ sở cho việc kinh doanh và du lịch của họ.

Để thành công, Singapore phải trở thành một trung tâm quốc tế, có khả năng thu hút, giữ chân và lôi kéo được nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.

Và giờ thì Singapore đã là một cái tên thương hiệu rồi!

Điều hài lòng lớn nhất của tôi chính là tập trung được ý chí để biến Singapore thành mảnh đất của nhân tài, loại bỏ tham nhũng và công bằng với mọi chủng tộc".

* Về dân chủ:

"Mỗi người một phiếu bầu quả là vấn đề khó khăn nhất của chính phủ. Theo thời gian, các kết quả có thể trở nên thất thường. Đôi khi mọi người bị dao động. Họ phát chán với những cải thiện vững chắc, ổn định trong cuộc sống, và rồi vào một khoảnh khắc thiếu thận trọng, họ bỏ phiếu cho một sự thay đổi mạo hiểm.

Ở những nước mới, dân chủ đã được thực thi và kết quả chỉ tích cực khi chọn ra được một chính phủ trung thực và làm việc hiệu quả. Điều đó có nghĩa là người dân ở quốc gia đó đủ thông minh để chọn ra một chính phủ như vậy. Những chính phủ được chọn chỉ tốt với những người bầu cho họ.

Ngược lại với những gì các nhà bình luận chính trị Mỹ nói, tôi không tin rằng dân chủ nhất thiết dẫn đến sự phát triển. Tôi tin điều cần thiết cho một quốc gia muốn phát triển là kỷ luật, nó quan trọng hơn là dân chủ. Tâm trạng phấn khởi mà dân chủ đem lại sẽ dẫn tới sự vô kỷ luật và mất trật tự, đó lại chính là những kẻ thù của sự phát triển.

Phép thử cuối cùng về giá trị của một hệ thống chính trị chính là nó có giúp cho xã hội thiết lập những điều kiện để cải thiện tiêu chuẩn sống của đa số người dân hay không, cùng với đó là cho phép tối đa hóa tự do cá nhân phù hợp với các quyền tự do của những người khác trong xã hội.

Mặt trái của dân chủ chính là giả định kiểu tất cả đàn ông đều giống nhau và có khả năng cống hiến như nhau đối với lợi ích chung".

(còn nữa....)