Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói không được báo cáo thuốc Health 2000 có "vấn đề"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 13-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo liên quan, trong vụ án thuốc Health 2000 Canada giả tiếp tục phần thẩm vấn.

Trước tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khai nhận, bị cáo này nắm chức Cục trưởng Cục Quản lý dược từ cuối năm 2007. Còn những sai phạm về thẩm định, xét duyệt cấp phép lưu hành 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada xảy ra từ năm 2009.

Trả lời thẩm vấn, ông cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận trách nhiệm của người đứng đầu, song cho rằng sự việc xảy ra do ông không được báo cáo.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời thẩm vấn trước tòa.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời thẩm vấn trước tòa.

“Vì sao bị cáo không có biện pháp ngăn chặn (thu hồi thuốc giả-pv) khi có báo động của công an?” - chủ tọa hỏi. Bị cáo Cường khai: “Tôi đã chủ động chỉ đạo xác minh nhưng thông tin phản hồi không rõ ràng. Các phòng chức năng không có phòng nào tham mưu, không thể thu hồi được".

Chủ tọa nói tiếp: Cái đó là sai lầm lớn đúng không? Nếu thận trọng phải báo cáo Bộ trưởng, các cơ quan chuyên ngành. Bị cáo rất thờ ơ, bị cáo phải thấy rằng cái đấy là sự không nhanh nhạy của mình?

Tòa còn thấy có 2 bất cập là các bị cáo bỏ thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự và không phân công cụ thể đến các nhóm thẩm định sau khi lấy ý kiến bổ sung. Đây là lỗ hổng rất lớn? ông Cường thừa nhận có những bất cập trên.

Quá trình xét hỏi, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội cũng đã làm rõ những sai phạm trong việc thẩm định, xét duyệt 7 hồ sơ thuốc nhãn mác Health 2000.

Phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo liên quan.

Phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo liên quan.

Cụ thể, năm 2008 - 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (là người Việt Nam định cư tại Canada, có quốc tịch Canada – hiện đang bỏ trốn) đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VN Pharma) và ông Lê Văn Sơn (Giám đốc CTCP Dược phẩm Trung ương II – Codupha) lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Codupha, Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex con) đứng tên xin cấp số đăng ký.

Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả. Ngày 25-2-2008, Công ty Codupha nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký 5 loại thuốc lên bộ phận một cửa Văn phòng Cục Quản lý Dược.

5 loại thuốc trên là thuốc nước ngoài nhưng hồ sơ không được hợp pháp hóa lãnh sự. Công ty Codupha nộp bổ sung tài liệu song vẫn không đảm bảo quy định và bị cáo Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc) kết luận biên bản, đề nghị cấp số đăng ký cho 5 loại thuốc này.

Ngày 25-6-2009, bị cáo Trương Quốc Cường điều hành phiên họp Hội đồng xét duyệt thuốc nước ngoài, ký quyết định số 216 công bố danh mục cấp số đăng ký, trong đó có 5 loại thuốc trên.

Tương tự, 2 hồ sơ của Vimedimex không được hợp pháp hóa lãnh sự. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế) có hành vi xóa ý kiến đề xuất của nhóm pháp chế, thay đổi từ “không cấp số đăng ký” sang cho “bổ sung hồ sơ.

Trong khi ấy, biết hồ sơ nhiều lỗi song bị cáo Châu vẫn kết luận biên bản cho “bổ sung hồ sơ”. Đến ngày 25-11-2010, Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký cho 2 hồ sơ trên của Vimedimex.

Sau đó, Nguyễn Minh Hùng đã cấu kết với Nguyễn Lê Xuân Khang, Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty thương mại H&C) cùng các nhân viên Công ty VN Pharma, Công ty H&C dùng thủ đoạn làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu các thuốc trên với tổng số lượng là 838.100 hộp.

Các bị cáo cũng đã nâng khống giá mua thuốc từ 25,9 tỷ đồng lên 54 tỷ đồng, sau đó bán ra thị trường và thu lời bất chính hơn 31,5 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Trương Quốc Cường thiếu trách nhiệm, không quản lý kết quả thẩm định dẫn đến 7 hồ sơ không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định đạt, cấp số đăng ký. Trong đó, 6/7 loại thuốc Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ hết tại Việt Nam, có trị giá hơn 148 tỷ đồng.

Mặc dù nhận được các thông tin cảnh báo trên nhưng cựu Thứ trưởng Bộ Y té Trương Quốc Cường không quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, dẫn đến hậu quả là sau ngày 21-11-2014, 4 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược phảm và các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh, có trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.