Cựu sinh viên SV96 trải lòng về những lầm lỗi một thời tuổi trẻ

ANTĐ - Ngay cả khi đã khoác lên mình bộ quần áo tù nhân, Tuấn vẫn không mất đi dáng dấp của một người được ăn học đầy đủ. Đến giờ, cái cảm giác ân hận về những lỗi lầm mình đã gây ra cho gia đình, người thân vẫn khiến Tuấn vô cùng đau đớn, tủi hổ.

Năm 1996, Hoàng Văn Tuấn là một trong những gương mặt rất được chú ý của Cuộc thi SV96, được khán giả yêu mến đặt cho biệt danh "Anh hùng biện" bởi tài hùng biện suất xắc, thực sự chinh phục lòng người. Những nẻo đường quanh co của số phận, sai lầm và sự nông nổi của tuổi trẻ đã khiến người thanh niên thông minh, tài giỏi, có tương lai sáng lạn này bị cuốn đi theo những tham vọng của mình để rồi phải trả một cái giá rất đắt bằng cuộc sống tù đày, tương lai bị hủy hoại và một trái tim tan nát của người mẹ. Vấp ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó. Sau những sai lầm và cay đắng đã qua, anh nói rằng anh vẫn đang miệt mài làm lại từ đầu, xây dựng mọi thứ từ con số 0, với một niềm tin chắc chắn rằng số phận sẽ không phụ những người biết cố gắng và biết sửa chữa lỗi lầm.

Bất cứ ai gặp Hoàng Văn Tuấn một lần đều không thể không ấn tượng bởi gương mặt thông minh, cách nói chuyện linh hoạt và khả năng "diễn thuyết" trời phú của anh. Ngay cả khi đã khoác lên mình bộ quần áo tù nhân, Tuấn vẫn không mất đi dáng dấp của một người được ăn học đầy đủ. Đến giờ, cái cảm giác ân hận về những lỗi lầm mình đã gây ra cho gia đình, người thân vẫn khiến Tuấn vô cùng đau đớn, tủi hổ.

Tuổi thơ bên gánh đậu hũ của ngoại

Từ khi chập chững biết đi, biết gọi tiếng cha, mẹ là tôi đã không được hưởng trọn hơi ấm của đấng sinh thành như những đứa trẻ thơ bình thường khác. Lúc đó do còn quá nhỏ nên tôi không hiểu được lý do vì sao cha mẹ lại xa nhau, chỉ biết rằng ngoại đón mẹ con tôi về sống trong xóm lao động nghèo toàn những người dân miền Trung sống bằng nghề dệt vải. Cái xóm lao động nghèo ấy gắn bó với tôi suốt những năm tháng ấu thơ, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của tôi trong vòng tay yêu thương, chăm sóc vô bờ bến của ngoại và mẹ.

 

Mẹ tôi làm công nhân xí nghiệp, thường xuyên phải đi sớm về khuya, còn ngoại thì tảo tần mưa nắng sớm hôm với gánh đậu hũ, chai nước tương, vài con heo. Thế mà mẹ và ngoại đã nuôi sống tôi, lo lắng cho tôi suốt nhiều năm trời, nhờ những đồng tiền mồ hôi công sức kiếm được đầy khó nhọc đó.

Tôi nhớ lúc nhỏ, nhà tôi nghèo lắm, lương công nhân của mẹ chẳng là bao. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào thu nhập ít ỏi của ngoại. Nhà nghèo, tôi không được học mẫu giáo, mà ngày ngày chập chững theo ngoại đi bán đậu hũ quanh xóm.

Khi gánh đậu hũ hết cũng là lúc ngoại nhọc nhằn với xe nước tương đi bán dạo. Trong ký ức thơ ấu của mình, tôi chưa bao giờ thấy ngoại được nghỉ ngơi. Ngoại chắt chiu từng đồng để lo cho tôi, hiếm hoi lắm bữa cơm nhà mới có miếng ngon, ngoại nhường cho tôi. Bộ quần áo ngoại mặc sờn vai, rách chỉ, ngoại cũng không dám sắm bộ mới, vì muốn dùng tiền đó mua cho tôi bộ quần áo cho bằng bạn bằng bè.

Có lẽ tôi là một kẻ vô tâm. Chứng kiến mẹ và ngoại vất vả thế, vậy mà tôi chẳng cảm nhận được gì, chỉ biểt vui cười, tung tăng vui chơi cùng đám bạn. Tôi còn nhớ vào những năm 1980, kinh tế đất nước khó khăn, nhiều gia đình không có cái để ăn, dù vẫn lao động quần quật. Hồi đó chỉ cần một tô hủ tíu hay một ổ bánh mỳ đã là một thứ quà xa xỉ. Nhưng tôi thì lại khác. Tôi thích thì ngoại nhất định sẽ mua cho, dù có thể ngoại sẽ phải nhịn ăn vì nó. Chiều nào cũng vậy, trên gánh đậu hũ mà ngoại tôi gánh hối hả về nhà, lúc thì chén chè, khi thì gói kẹo mà ngoại mua làm quà cho đứa cháu cưng. Những lúc ấy, tôi sung sướng vô cùng, còn ngoại thì lấy tay quẹt vội mồ hôi trên trán và ôm tôi vào lòng cưng nựng: "Cháu ngoại mau ăn chóng lớn hen!".

Thế mà có lúc, tôi lại không thèm chơi với ngoại. Đó là những lúc mấy đứa trẻ trong xóm xa lánh tôi, gọi tôi là "cháu bà cơm heo, hôi lắm". Vì nghèo nên ngoại tôi phải nuôi thêm mấy con heo. Ngày ngày, đi bán hàng về, ngoại lại đi lấy thức ăn thừa bỏ đi của người ta đem về nấu cho heo ăn. Thỉnh thoảng ngoại mệt, nhờ tôi đi giúp, nhưng mỗi lần vào nhà mấy đứa bạn để lấy cơm heo, tôi xấu hổ vô cùng. Sau này khi đã lớn, đã trưởng thành rồi vấp ngã, tôi mới biết trân trọng những ngày tháng đó, mới biết quý những gánh cơm heo đó. Khi ấy tôi mới nhận ra chính những cái gọi là "hôi hám" ấy đã nuôi tôi khôn lớn, cho tôi tất cả tri thức, thành công trên con đường học vấn mà có lúc tôi đã không biết trân trọng.

Trong cuộc sống chúng ta, ai cũng có một ước mơ cho một ngày mai thật đẹp, dù là bình dị hay phi thường. Đó có thể là ước mơ của một chú bé tật nguyền được bước đi bình thường như bao người khác, đó có thể là ước mơ của một người mù mơ được nhìn thấy ánh sáng như bao người khác. Còn tôi, dẫu được sống trong tình thương của ngoại và mẹ, tôi vẫn ao ước một điều nhỏ nhoi. Tôi ước gì tôi có một người ba. Khi tôi vừa lớn lên đủ để nhận ra rằng tôi thiếu một người ba, tôi thường tự hỏi: "Ba tôi đâu? Tôi có tội tình gì mà ba tôi bỏ đi, không đoái hoài đến tôi?".

Trong ký ức mù mờ những ngày thơ ấu của tôi, chỉ còn vài hình ảnh rơi rớt về ba khi tôi lên 3, thỉnh thoảng cứ mập mờ, ẩn hiện thổn thức trong tôi. Không bao giờ tôi dám nói điều đó với mẹ, vì tôi sợ nếu nói đến ba sẽ khiến mẹ và ngoại buồn lòng. Thế nhưng tôi vẫn cứ quay đi, cố ngăn những giọt nước mắt trào ra trên khóe mắt môi khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa hớn hở trong vòng tay yêu thương của cha, chăm sóc của mẹ và được ba mẹ đưa đi chơi những ngày cuối tuần. Tôi cũng ước mơ được ở bên cạnh ba mẹ, được ba mẹ đưa đi chơi, nhưng tôi biết ước mơ đó quá xa xôi với tôi.

Có những buổi chiều sau giờ tan học, tôi đứng nép bên cánh cổng trường nhìn mọi người qua lại, nhìn những đứa bạn được cha mẹ đến đón về. Những lúc đó, tôi lại thấy lòng mình tủi thân vô hạn. Giữa cơn mưa nặng hạt buổi chiều tà, tôi có cảm giác mình bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Có những lần như thế, dáng ngoại liêu xiêu xuất hiện đón tôi về, tôi vỡ òa trong nước mắt. Tôi không nói lý do tại sao tôi khóc, nhưng dường như ngoại hiểu được tâm trạng của tôi. Ngoại nhẹ nhàng ôm lấy tôi, cưng nựng, hôn hít và dắt tôi về nhà trong cơn mưa chiều. Ngoại nói một câu vu vơ an ủi tôi:

"Mồ côi cha, ăn cơm với cá

Mồ côi mẹ thì lót lá nằm đường"

Tôi vẫn luôn phải thừa nhận một điều rằng, dù thiếu thốn tình thương của ba, nhưng tôi được mẹ và ngoại lo cho rất đầy đủ. Tôi lớn lên đàng hoàng, ăn học đến nơi đến chốn. Ngày tôi tốt nghiệp phổ thông, đậu vào đại học hay khoảnh khắc tôi nhận tấm bằng đại học là lúc ngoại và mẹ tôi vui nhất. Tôi đã nhìn thấy nụ cười và những giọt nước mắt hãnh diện đang hiện rõ trên khuôn mặt của ngoại và mẹ. Khi đó tôi cảm giác như, bao khó khăn, vất vả phút chốc tan biến, thay vào đó là niềm tin, sự hy vọng vào một ngày mai tươi sáng trong tâm trí ngoại.

Tôi biết ngoại đã hãnh diện về tôi như thế nào khi nghe bà con trong xóm lao động nghèo nức nở khen: "Cái thằng không cha mà giỏi ghê". Lúc đó, tôi thương mẹ và ngoại lắm. Tôi tự nhủ sẽ sống xứng đáng với tình thương của ngoại và mẹ. Tôi nguyện sẽ làm nên thành công để dâng lên ngoại và mẹ như một món quà báo hiếu.

Tôi đã thành công, nhưng sự tự mãn đã giết chết tôi

Trên bước đường đi đến tương lai của tôi, ngoại và mẹ luôn ân cần nhắc nhở, dạy bảo: "Ngoại và mẹ phải trải qua bao sự hy sinh vất vả, chỉ mong con được nên người. Gia đình mình không giàu có như nhà người ta, con phải tự lực cánh sinh con nhé". Mỗi lúc như thế, tôi lại vâng dạ thật to, háo hức bước vào cuộc đời mới như con chim non vừa mọc lông mọc cánh muốn bay ra khỏi cái tổ ấm quen thuộc. Lúc đó trước mắt tôi là một màu hồng tươi sáng. Tôi giống như bao thanh niên mới vào đời, luôn nghĩ mình đã lớn, phải biết chứng tỏ bản thân, và luôn nghĩ mình đã đủ khôn ngoan, trưởng thành.

 

Tôi học rất giỏi, nên đã đỗ một lúc 2 trường đại học và từng là một trong những sinh viên của trường vinh dự được chọn tham gia chương trình "SV 96" của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngày đó, "SV 96" đã thực sự gây một tiếng vang lớn về một sân chơi thế hiện trí tuệ và sự thông minh, sáng tạo của các sinh viên tài năng. Tôi có tài hùng biện, những đêm đội tôi tham gia, tôi đều dành điểm 9, điểm 10 cho những bài hùng biện rất thông minh và ấn tượng của mình. Thời gian đó, tôi thực sự đã trở thành "người nổi tiếng" của trường đại học. Thư từ của các bạn trẻ hâm mộ trong cả nước gửi về, gọi tôi là "anh hùng biện" với rất nhiều tình cảm mến mộ, đến nỗi khi ấy, thầy Hiệu trưởng của trường đã phải trêu tôi và đặt cho tôi biệt danh Tuấn "nhọn".

Mỗi khi nhìn thấy tôi trên ti vi, dù chẳng bao giờ nói ra, nhưng mẹ tôi tự hào vô cùng. Sau này khi tôi đã đi tù, có một lần viết thư cho tôi, bà bảo: "Ngày xưa, khi nhìn thấy con trong chương trình "SV 96", mẹ đã nghĩ con nhất định sẽ thành đạt. Mẹ chẳng bao giờ nhìn ra được cái tương lai đen tối này của chúng ta". Tham vọng của tuổi trẻ và khát khao kiếm được thật nhiều tiền đã hủy hoại cuộc đời tôi, khiến tôi bước sai đường lúc nào không hay và cuối cùng là phải trả một cái giá rất đắt.

Từ khi là cậu sinh viên năm thứ nhất, tôi đã mơ ước kiếm được thật nhiều tiền. Ban đầu thì là đi dạy thêm, sau dần, nhờ có khiếu ăn nói, tôi tham gia làm MC cho các chương trình, các sự kiện và làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách đi thăm quan. Nhờ kinh nghiệm đó nên khi ra trường, tôi nhanh chóng trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi, được chọn đưa các đoàn khách đi nhiều tour trong và ngoài nước

Khi đã tích lũy đủ tiền mở công ty, tôi quyết định một bước lên làm "ông chủ". Nhưng sự non nớt về kinh nghiệm, cộng với tính tiêu xài hoang phí đã khiến công ty tôi nhanh chóng rơi vào cảnh nợ nần, còn tôi thì bị bắt với tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày tôi bị bắt, không bao giờ quên cái ánh mắt đau đớn, bàng hoàng của người mẹ đã suốt đời yêu thương, hi sinh cho tôi và đặt mọi kì vọng vào tôi. Mẹ tôi không hề biết tôi mở công ty, không hề biết tôi làm ăn trái pháp luật. Thế nên cái lúc tôi bị tra tay vào còng số 8 và bị công an đưa đi, mẹ tôi chỉ biết đứng đó nhìn theo, lặng lẽ khóc. Tôi có cảm giác khi ấy bà đã chết nửa con người.

Khi đã vấp ngã, tôi mới cay đắng nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại những sai lầm của mình khiến tôi - một đứa con từng là niềm tự hào của mẹ và ngoại - ra nông nỗi này. Vì muốn tôi có một người cha và được chăm sóc trong một điều kiện tốt hơn, mẹ tôi đi bước nữa. Cha dượng tôi là một quân nhân, ông rất tốt và rất yêu thương mẹ con tôi. Nhưng ngày đó tôi còn bé, tôi chẳng hiểu chuyện. Từ khi mẹ lấy chồng, tôi sống cô đơn, khép mình và ít tâm sự với mẹ. Cứ đi học về là tôi chui lên gác xép, đuổi theo những ước mơ, những hoài bão lớn dần trong mình. Mẹ con tôi xa nhau vì thế.

Sau này, khi có được những thành công đầu tiên trong cuộc sống, tôi càng xa lánh mẹ hơn. Thời gian đó, tôi kiếm tiền như một con thiêu thân. Có những khi cả mấy tháng trời, tôi chẳng về ăn cơm với gia đình bữa nào. Gia đình với tôi như một quán trọ qua đường, giúp tôi nghỉ chân trong một lúc nào đó. Có đêm tôi đang chợp mắt, giật mình mở mắt ra thấy ngoại ngồi bên cạnh, nắm tay tôi, ánh mắt bao la, trìu mến. Vậy mà lúc đó tôi lại khó chịu, bức bội. Tôi đã được yêu thương, chiều chuộng. Tôi đã sống và chỉ biết đến bản thân. Tôi đã có quá nhiều tham vọng sai lầm.

Tôi nhớ có những lúc tôi không còn là tôi nữa. Tôi lớn tiếng, hỗn láo với mẹ vì tự cho rằng mình đúng, còn ngoại thì già rồi, lẩm cẩm. Tôi cứ làm theo ý mình mà bất cần sự lo lắng của gia đình. Tôi không biết rằng, tôi càng thành công thì trong đôi mắt của mẹ và ngoại càng ánh lên những nỗi buồn sâu thẳm. Tôi không hề biết rằng ngoại chẳng cần những điều đó. Ngoại chỉ cần tôi là thằng bé hiếu thảo xưa kia, ngoan ngoãn ngồi ăn cơm với gia đình. Nhưng khi đó, tôi chẳng nghĩ được vậy. Tôi sống trong sự ảo tưởng, trong sự tung hô của bạn bè, với những bữa tiệc đình đám, để mặc ngoại chờ đợi bên mâm cơm nguội lạnh. Tôi đã không hiếu thảo với ngoại và mẹ, đã không trân trọng những gì mình có. Giờ đây khi ngồi trong tù, với bản án 14 năm, tôi lại ao ước được có ngoại bên cạnh, ước mơ được cùng gia đình ăn bữa cơm giản dị. Có những người chỉ biết quý trọng những gì đã mất đi. Tôi chính là một kẻ như thế.

Đau đáu vì một chữ Hiếu không tròn

Thương trường là chiến trường. Tuổi đời non nớt và cái tính cách hung hăng, tự phụ, ngựa non háu đá đã khiến tôi thất bại. Tôi chưa đủ trình độ để giải bài toán kinh doanh. Càng thất bại, tôi lại càng cố gắng vùng vẫy. Cuối cùng công ty phá sản, tôi không còn khả năng trả nợ, tôi bị kết án 14 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản". Cái án tù 14 năm gần như là dấu chấm hết cho những hoài bão của tôi. Hay ít ra nó cũng làm gián đoạn cuộc đời tôi trong một khoảng thời gian dài. Đến giờ, khoảnh khắc tra tay vào còng số 8 vẫn ám ảnh tôi. Tôi nhớ lúc đó ngoại nhìn tôi, nước mắt rơi trên gò má nhăn nheo, già nua và khắc khổ. Ngoại không thể nào tin được những điều tồi tệ như thế lại xảy ra với đứa cháu thân yêu của ngoại. Ngoại gào to: "Tại sao lại bắt cháu tôi? Nó có làm gì nên tội? Trời ơi, nó bị oan! Ai cứu cháu tôi với!". Tôi như lặng đi khi nghe tiếng kêu xé lòng của ngoại. Tôi bước đi lên xe thùng về trại giam mà thấy lòng mình tan nát. Tôi muốn nói với ngoại một câu xin lỗi, mà cứ nghẹn ngào trong nước mắt.

Khi còn ở ngoài xã hội, trên đỉnh cao của cái gọi là đồng tiền, là thành đạt, tôi sống giữa những kẻ giả dối, xu nịnh, lợi dụng. Đến lúc mất đi tất cả, tôi mới biết rõ trắng đen ở đời. Cả người vợ tôi chưa kịp cưới cũng bỏ tôi đi. Lúc tôi vào tù, cô ấy đang mang trong mình giọt máu của tôi. Sinh con ra, cô ấy để lại đứa con máu mũ ruột thịt cho ngoại và mẹ tôi nuôi nấng. Có những lúc, tôi cảm thấy tôi đã hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng.

Lúc vào trại giam rồi, tôi mới thấm thìa câu nói ngoại dạy:

"Cá không ăn muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư"

Tôi không dám ước mơ ngoại và gia đình sẽ cưu mang, tha thứ cho tôi. Vậy mà giờ đây, ngoại và mẹ cưu mang cả tôi và cưu mang cả đứa con nhỏ bé của tôi. Có ngoại và mẹ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, như cánh đồng khô hạn đón nhận cơn mưa rào bất chợt. Cứ lâu lâu, dành dụm được tiền, ngoại và mẹ lại gom góp từng đồng vào thăm tôi, mua cho tôi đủ những thứ lặt vặt dùng cho cuộc sống ngày thường. Ngoại thường nói với tôi trong nghẹn ngào: "Nếu có được một điều ước, ngoại sẵn sàng gánh chịu mọi tội lỗi cho con. Mỗi lần bưng chén cơm lên, nghĩ đến con, ngoại nước mắt lưng tròng. Ngoại chẳng sống được bao lâu nữa, rồi ngoại cũng sẽ đi theo ông. Còn sống ngày nào, ngoại còn trông chờ con về ngày đó, mong con sống tốt, yên bề gia thất, ngoại sẽ yên lòng nhắm mắt. Con trai con đã mất mẹ, đừng để nó phải mất cha nghe con".

 

Ngoại đã không chờ được đến ngày tôi về. Tôi đi tù được mấy năm, đã nhận được tin ngoại qua đời. Ở trong trại giam, tôi chỉ biết khóc trong nghẹn ngào nước mắt, khi thấy mình đúng là đứa cháu bất hiếu của ngoại.

Mỗi con người chúng ta từ khi sinh ra ai cũng có chữ thiện là tài sản vô giá của bản thân. Nhưng có lẽ trên bước đường mưu sinh hay vì lý do nào khác, ta lại vô tình đánh mất tính thiện của ta ở một nơi nào đó. Trước đây, tôi luôn cho rằng mình đúng, tôi thích sống theo bản năng, không cần suy xét đúng sai. Nhưng giờ đây tôi đã khác. Tôi đã học được bài học thấm thía cho cuộc đời mình. Bài học đó do gia đình tôi, do cuộc đời đã dạy tôi. Tôi nhận ra rằng trước khi làm giàu, tôi phải học được bài học về cách làm người. Cái gốc có vững thì cái cây mới sống lâu, mới đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái.

Tôi vẫn ngày ngày cố gắng thích nghi với cuộc sống của mình, để không làm cho gia đình tôi phải lo lắng nữa. Giờ phút này đây, những người đồng cảnh ngộ với tôi đang ngủ say sau một ngày lao động cải tao. Còn tôi thì ngồi miên man suy nghĩ, đối diện với chính mình. Chúng tôi tuy gần nhau, cùng sống, lao động, học tập, cải tạo, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, một lý do phạm tội khác nhau. Tôi hiểu tôi chẳng còn cách nào khác, ngoài cách phải làm lại từ đầu trên chính mảnh đất này, mảnh đất mà tôi như một gốc cây mục nát đang nhờ sự chăm sóc của người thầy cán bộ trại giam để một ngày nào đó cái cây lại tốt tươi, đâm chồi, nảy lộc.

Khi sa ngã và đối diện với khó khăn, có người chọn cách trốn tránh, có người buông xuôi theo số phận, có người đối diện với nó. Tôi là một kẻ đang từ trên mây cao rơi xuống vực sâu nhưng tôi có trong lòng khát khao muốn được sửa sai, muốn được làm người thực sự. Tôi mong tôi sẽ được như câu nói mà một cán bộ giáo dục trại giam đã từng nói ra để động viên tôi: "Bông sen trắng được mọc lên từ bùn đen mà vẫn tỏa hương thơm ngát. Là những con người một thời lầm lỡ, nhưng tôi tin là anh sẽ trở thành người tốt từ chính môi trường cải tạo này".