Cựu Phó Giám đốc RPMU cùng đồng phạm bị đề nghị phạt tù đích đáng

ANTĐ - Chiều nay 26-10, phiên xét xử Phạm Hải Bằng cùng 5 cựu cán bộ ban quản lý dự án đường sắt tiếp diễn với phần thẩm vấn của các luật sư. Sau đó, vào cuối giờ làm việc trong ngày, đại diện VKSND TP Hà Nội đã luận tội, đồng thời đề nghị xử tù đích đáng đối với các bị cáo. 

Chia nhau quản lý tiền “bôi trơn”

Trả lời các câu hỏi mà luật sư nêu ra, Phạm Hải Bằng trước sau đều cho rằng việc JTC đại diện các nhà thầu tư vấn "hỗ trợ" 11 tỷ đồng trong quá trình triển khai dự án đều do phía đối tác chủ động và tự nguyện. Đối với kinh phí trong việc tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp và các chi phí khác khi phối hợp với đại diện chủ đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án thì trong hợp đồng ngày 9-9-2009 (hợp đồng giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và liên danh các nhà thầu) cũng đã nêu rõ phía nhà thầu phải chịu.

Bị cáo Nguyễn Nam Thái - nguyên Phó trưởng phòng Dự án 3 (RPMU) tại phiên tòa

Tiếp đến, hồi đáp câu hỏi của luật sư, cựu Phó Giám đốc RPMU cho rằng, từ khi tham gia dự án đến khi bị bắt giữ ở vụ án này, ông ta không hề làm trái quy định của Nhà nước trong việc quản lý và thực hiện dự án đường sắt đô thị, tuyến số 01, giai đoạn 1. Tuy nhiên, bị cáo Bằng thừa nhận đối tượng đã “mật lệnh” cho Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy đi nhận, rồi quản lý, chi tiêu mỗi khi JTC gọi giao tiền “bôi trơn”.

Trước đó, quá trình điều tra và thẩm vấn các bị cáo tại phiên tòa cho thấy, Nguyễn Nam Thái được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Dự án 3 (RPMU) từ tháng 3-2009. Sau khi Phạm Quang Duy được điều chuyển công tác lên làm Phó Giám đốc RPMU, thì tháng 5-2011, Thái tiếp tục được giao phụ trách Phòng Dự án 3 và cũng tiếp quản luôn vị trí điều phối viên dự án.

Thế nhưng ngay từ khi chưa giữ trọng trách tại Phòng Dự án 3, Thái đã được Bằng cho biết phía JTC sẽ hỗ trợ kinh phí cho Tổ dự án Tuyến số 01 để chi tiêu trong quá trình thực hiện dự án. Cũng chính vì vậy mà sau này Thái luôn được Bằng chỉ đạo đi nhận tiền của liên danh các nhà thầu tư vấn.

Theo đó, từ tháng 9-2009 đến tháng 4-2014, Thái đã nhiều lần trực tiếp nhận tiền của JTC và từ Phạm Hải Bằng cùng Phạm Quang Duy. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán 2013, Thái đã nhận 2 triệu JYN của đại diện JTC, rồi mang ra phố Hà Trung quy đổi được 400 triệu đồng. Ngoài ra, cựu Phó trưởng phòng Dự án 3 này còn nhiều lần nhận tiền từ tay các “sếp” Bằng và Duy, mỗi lần từ 200 triệu – 300 triệu đồng.

Đại diện VKSND TP Hà Nội luận tội các bị cáo tại phiên xét xử

Mỗi lần nhận tiền “bôi trơn”, Thái đều nhận kèm theo chỉ đạo của Bằng để chi tiêu vào các khoản như: tiếp khách, đối ngoại, thưởng lễ, tết, nghỉ mát và chi cho các hoạt động của đoàn thể… Quá trình hưởng thụ tiền “bôi trơn”, Thái đều tự “cân đối” thu chi trên máy vi tính cá nhân để báo cáo các “sếp”. Nhưng mỗi khi xong việc, cựu cán bộ Phòng Dự án 3 đều xóa sạch dấu vết. Tổng cộng, Nguyễn Nam Thái đã nhận 3,4 tỷ đồng và đã chi tiêu hết.

Phạm Hải Bằng bị đề nghị xử tù đến 13 năm

Sau phần thẩm vấn, cuối giờ chiều nay, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm về vụ án. Theo đánh giá của cơ quan công tố, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bởi hành vi của các bị cáo đã làm dự án (tuyến đường sắt đô thị số 01) bị đình trệ tiến độ, dẫn đến hậu quả về vật chất là không thể nào “cân đo đong đếm được”.

Cũng theo đại diện VKSND TP Hà Nội, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án còn thể hiện ở chỗ hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng xấu tới chính sách quản lý nguồn vốn ODA của Nhà nước và gây ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Đánh giá về vai trò phạm tội của từng bị cáo, đại diện VKS nhấn mạnh, trong vụ án này Phạm Hải Bằng giữ vai trò chính. Bởi trong thời gian giữ chức Phó giám đốc BQL Dự án Đường sắt, kiêm Chủ nhiệm Dự án tuyến đường sắt đô thị số 01, bị cáo đã chủ động gặp gỡ và viện ra các khó khăn để buộc liên danh các nhà thầu tư vấn phải chi tiền “bôi trơn”.

Bị cáo Phạm Quang Duy - nguyên Trưởng phòng Dự án 3 (RPMU) khai báo trước tòa

Quá trình nhận tiền của các nhà thầu thông qua JTC, Bằng còn trực tiếp nhận 4,8 tỷ đồng và chi tiêu hết. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực khắc phục hậu quả và có nhân thân tốt, đồng thời có những đóng góp nhất định trong công tác.

Giữ vai trò thứ hai, theo đại diện VKS là bị cáo Nguyễn Nam Thái – nguyên Phó trưởng phòng Dự án 3 (RPMU). Bởi lẽ ngay từ đầu, bị cáo đã được Bằng cho biết JTC sẽ hỗ trợ tiền. Bị cáo đã rất tích hưởng ứng việc làm trái pháp luật với việc trực tiếp nhận và quản lý hơn 3,4 tỷ đồng. Tất cả số tiền nhận từ JTC đều được Thái chi tiêu ngoài sổ sách cho các hoạt động của tập thể, trong đó cá nhân bị cáo cũng được hưởng lợi một phần.

Xếp ở vị trí thứ ba trong vụ án, theo cơ quan công tố là Phạm Quang Duy – nguyên Trưởng phòng Dự án 3 và nguyên Phó Giám đốc RPMU. VKS chỉ rõ, trong thời gian làm điều phối viên dự án, Duy được Bằng bàn bạc và thống nhất việc nhận tiền không chính đáng từ phía liên danh các nhà thầu.

Bị cáo Duy hoàn toàn nhận thức được việc làm ấy là trái pháp luật và trái với công vụ được giao, song lại không hề có động thái nào ngăn cản đồng phạm. Thậm chí, bị cáo Duy còn tích cực hưởng ứng với việc nhận 2,8 tỷ đồng để chi tiêu cho tập thể và hưởng lợi cá nhân gần 40 triệu đồng.

Nhìn nhận vai trò phạm tội của các bị cáo tiếp theo gồm: Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu – đều nguyên là Giám đốc RPMU, đại diện VKSND TP Hà Nội đánh giá, mặc dù các bị cáo không bàn bạc hay chỉ đạo gì bị cáo Bằng trong việc nhận tiền “bôi trơn” từ phía các nhà thầu, nhưng các bị cáo đã để mặc cho hậu quả xảy ra. Hơn nữa, các bị cáo còn nhận từ 30 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng từ số tiền mà các nhà thầu chuyển cho RPMU.

Với hành vi của các bị cáo như nêu trên, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX sơ thẩm tòa án cùng cấp xử phạt các bị cáo mức án tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo nhằm giáo dục, cải tạo và răn đe, phòng ngừa tội phạm chung.

Cụ thể, đại diện VKS đề nghị xử phạt Phạm Hải Bằng từ 11 năm tù đến 13 năm tù; Nguyễn Nam Thái từ 10 năm tù đến 12 năm tù; Phạm Quang Duy từ 8 năm tù đến 10 năm tù; Trần Văn Lục từ 6 năm tù đến 8 năm tù và 2 cựu Giám đốc RPMU còn lại là Trần Quốc Đông cùng Nguyễn Văn Hiếu cùng mức án từ 7 năm tù đến 9 năm tù giam. Tất cả đều theo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3, Điều 281-BLHS.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, VKS còn đề nghị HĐXX tuyên buộc cả 6 bị cáo phải giao nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến 4,8 tỷ đồng. Đối với Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy do mới nộp được một phần số tiền để khắc phục hậu quả nên còn bị đề nghị phong tỏa tài sản nhằm bảo đảm thi hành án.

Ngày mai (27-10), phiên tòa tiếp diễn với những quan điểm bào chữa cho các bị cáo của 8 vị luật sư tham gia tố tụng.