Tiếp diễn phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Cựu Phó chủ tịch Ngân hàng ACB nói mình chỉ là người thông báo lệnh

ANTĐ - Sáng 1-12, phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm tiếp tục. HĐXX đã dành phần lớn thời gian vào việc thẩm vấn hành vi kinh doanh trái phép vàng.

Trả lời tòa về việc Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) thực hiện việc kinh doanh vàng như thế nào thông qua Ngân hàng ACB, Lý Xuân Hải – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB khẳng định có ký hợp đồng số 17 làm trung gian mua bán vàng cho Công ty Thiên Nam với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, bị cáo Hải giải thích thực tế việc mua bán vàng ở đây là mua bán trạng thái vàng chứ không phải vàng vật chất.

Cựu TGĐ Ngân hàng ACB thừa nhận việc làm "cầu nối" cho Công ty Thiên Nam kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ

Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cắt nghĩa, kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng tuy khác nhau về tên gọi, nhưng về bản chất là giống nhau. Theo bị cáo Hải, trạng thái vàng là sản phẩm phái sinh trên một sản phẩm vàng vật chất cụ thể. Ở đó, người mua, người bán không quan tâm đến giá trị tuyệt đối mà chỉ quan tâm đến sự lên xuống, biến động về giá cả của vàng.

Nói về tính hợp pháp trong kinh doanh vàng của ACB, bị cáo Hải khẳng định ngân hàng này có làm thủ tục xin phép kinh doanh trạng thái vàng ở nước ngoài theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Vậy nhưng cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB không dám chắc việc Công ty Thiên Nam có giấy phép kinh doanh vàng trạng thái hay không.
Cũng theo bị cáo này, thời điểm Ngân hàng ACB là “cầu nối” cho Công ty Thiên Nam kinh doanh trạng thái vàng, do đây chỉ là sản phẩm phái sinh không phải là kinh doanh vàng nên không cần giấy phép.

Làm rõ hơn hành vi kinh doanh vàng trái phép của Nguyễn Đức Kiên, HĐXX đã thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại tòa, ông Đặng Văn Thảo – Phó chánh Thanh tra NHNN cho biết việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài ở thời điểm ấy đã được điều chỉnh bởi Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN và Nghị định 174 của Chính phủ. Theo đó, NHNN chỉ cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài cho các tổ chức tín dụng và những doanh nghiệp kinh doanh vàng đủ điều kiện.

Về phần mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên sau khi trình bày vắn tắt lại các nội dung kháng cáo nói chung đã tập trung nói về hoạt động kinh doanh vàng tại Công ty Thiên Nam với nội dung bao trùm là doanh nghiệp này không phạm luật. Bị cáo Kiên cho rằng kể từ năm 2000, ông Lê Quang Trung (đã mất) chính thức làm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Nam.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Kiên lại ra sức cho rằng chỉ là người thông báo lệnh giúp TGĐ Công ty Thiên Nam

Do đó, khi ký hợp đồng với Ngân hàng ACB, ông Trung với tư cách đại diện doanh nghiệp, nhưng hợp đồng này được thực hiện trên nguyên tắc hợp tác giữa Thiên Nam, ông Trung và ông Tiến Anh. Bản thân bị cáo không có bất kỳ lợi ích gì trong hợp đồng ấy.

Bị thẩm vấn kỹ về nội cuộc họp HĐQT ngày 5-12-2009 của Công ty Thiên Nam, từ đó làm căn cứ để doanh nghiệp này kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ, bị cáo Kiên cho rằng mặc dù là người chủ trì nhưng không hề chỉ đạo ông Trung (khi ấy là Tổng giám đốc) ký hợp đồng kinh doanh vàng. Bởi việc kinh doanh thuộc thẩm quyền, chức năng của tổng giám đốc. Sau này ông Trung chỉ báo cáo lại khi đã ký kết hợp đồng với Ngân hàng ACB.  

Về quá trình mua bán trạng thái vàng ngoài lãnh thổ, bị cáo Kiên trước sau đều khẳng định ông Trung mới thực sự là người thực hiện lệnh mua bán. Còn bị cáo chỉ là người thông báo các phiếu lệnh của Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam. Giải thích vì sao lại chỉ là người thông báo lệnh, bị cáo Kiên cho rằng vì hệ thống ghi âm giọng nói của Ngân hàng ACB chỉ nhận dạng được giọng nói của bị cáo, ngoài ra không nhận dạng được giọng nói của những người khác ở Công ty Thiên Nam.

Cũng theo trình bày của bị cáo Kiên, để việc giao dịch mua bán trạng thái vàng thành công thì ngoài việc thông báo lệnh mua vàng của cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB thì ngay sau đó Công ty Thiên Nam phải gửi thông báo lệnh bằng văn bản tới ACB. Nếu không, việc đặt mua bán vàng bằng giọng nói kia sẽ đương nhiên không có giá trị và không được chấp nhận. Và trong tất cả các phiếu lệnh đặt mua bán trạng thái vàng của Công ty Thiên Nam đều do ông Lê Quang Trung ký.