Cứu lấy thế giới hoang dã

ANTĐ - Nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã đã trở thành vấn nạn trên phạm vi toàn cầu, lãnh đạo cấp cao của 46 quốc gia trên thế giới vừa thông qua Tuyên bố London với những biện pháp khẩn cấp và quyết liệt. 

Hãy để động vật hoang dã được sống bình yên với con người

Sự gia tăng các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã đang làm cộng đồng quốc tế nhức nhối. Hàng năm, hàng triệu động thực vật hoang dã bị săn bắn, khai thác từ thiên nhiên để buôn bán, làm thực phẩm, vật nuôi, da, đồ lưu niệm, và dược phẩm. 

Thống kê của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) khiến chúng ta phải giật mình: hơn 20.000 con voi đã bị giết để lấy ngà ở châu Phi trong 2 năm 2012 và 2013. Do bị săn bắn quá mức, số voi rừng châu Phi đã giảm 62% trong vòng 10 năm qua và có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới. Nhiều loại động vật khác cũng phải chịu số phận như vậy. Chỉ tính riêng ở Nam Phi, mỗi năm đã có hơn 1.000 con tê giác trắng bị giết để lấy sừng. Số hổ hoang dã ở châu Á thì giảm từ 100.000 con xuống còn 3.200 con trong 100 năm qua.

Đáng quan ngại hơn, nhiều mạng lưới tội phạm có tổ chức lại đứng sau và “bảo kê” cho vấn nạn này, làm nảy sinh tham nhũng và đe dọa sự nghiêm minh của pháp luật. Theo ước tính, nạn buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, hổ... đã mang lại lợi nhuận “đen” khoảng 19 tỷ USD/năm cho các tổ chức tội phạm. Chính vì thế mà mức độ săn bắn trái phép tê giác trong năm ngoái đã tăng 75 lần so với năm 2007. 

Lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán bất hợp pháp đang tạo mối đe dọa nghiêm trọng đến các loài động vật hoang dã. Những loài quý hiếm nhất và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất lại chính là những loài có nhu cầu tiêu thụ cao nhất, và do đó được bán với giá vô cùng cao. Lợi nhuận khổng lồ khiến những kẻ săn bắt và buôn bán trái phép sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế và trong nước.

Ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã đã trở nên cấp thiết. Bản tuyên bố vừa được thông qua tại hội nghị London mới đây là một thông điệp mạnh mẽ, rằng buôn bán trái phép động vật hoang dã cũng là một tội ác nghiêm trọng cần được ngăn chặn. Không chỉ triệt phá môi trường thiên nhiên và đẩy các loài vào nguy cơ tuyệt chủng, nạn buôn bán trái phép còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. 

Thể hiện quyết tâm trong hành động, Tuyên bố London đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như xóa bỏ thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, tăng cường hiệu quả của hệ thống pháp luật ở các quốc gia, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển bền vững... Ủng hộ việc tiếp tục áp dụng một số lệnh cấm hiện nay, Tuyên bố còn yêu cầu cần phải có biện pháp ngăn chặn các sản phẩm được chế biến từ những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu lên sự cần thiết phải sửa đổi luật pháp để xác định hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã là “một loại tội phạm nghiêm trọng” xét theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia.