Cứu lấy động vật hoang dã, quý hiếm

ANTĐ - Cá thể tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam bị chết, đánh dấu sự tuyệt chủng của loài thú quý hiếm này trên đất nước ta. Song, điều mà các nhà khoa học, bảo tồn quan tâm, với những loài động vật hoang dã, quý hiếm khác, nếu không có sự hành động kịp thời, thì sẽ có một kết thúc tương tự.

Bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm trước khi quá muộn


Nhiều loài động vật bên bờ tuyệt chủng

Cá thể tê giác Java (một sừng) cuối cùng bị tuyệt chủng và các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những loài thú quý hiếm khác như voi, hổ, sao la, bò tót... sẽ chung số phận nếu không có những chính sách bảo vệ kịp thời. Bà Trần Minh Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ quốc tế về thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho rằng, vụ việc con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam bị tuyệt diệt là chuyện đau lòng, khi những nỗ lực bảo tồn trong thời gian qua đã không bảo vệ được loài thú quý hiếm này. Tuy nhiên, câu hỏi đang được nhiều người đặt ra, tại sao một loài động vật hoang dã đã được liệt vào Sách Đỏ như tê giác Java, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng cuối cùng vẫn bị tuyệt diệt?

Nhiều người cho rằng, trách nhiệm bảo tồn chính thuộc về tập thể lãnh đạo vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, bà Hiên cho rằng, chỉ riêng nỗ lực của vườn quốc gia Cát Tiên sẽ không đủ để bảo vệ loài tê giác này, mà đây là trách nhiệm của cả xã hội.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam (Cites Việt Nam) nhận định, việc quản lý các loài động vật hoang dã nguy cấp hiện nay ở nước ta chủ yếu trông vào lực lượng kiểm lâm là chính. Hiện, Việt Nam đang sở hữu 320 loài động vật hoang dã cần được bảo vệ. “Các loài thú lớn như voi, tê giác, bò tót, sao la, hổ... cần những diện tích sinh cảnh lớn. Các nước luôn ưu tiên quỹ đất lớn cho khu bảo tồn, có nơi khu bảo tồn rộng tới 1 triệu héc-ta nhưng ở Việt Nam, các vườn quốc gia đang bị thu hẹp nghiêm trọng”, ông Tùng nói.


Hành động trước khi quá muộn

TS. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Vật học Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải xem lại việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm hiện nay, coi vụ tê giác Java tuyệt chủng là một bài học để kịp thời cứu những loài còn lại. Hiện, việc bảo vệ các loài thú có nguy cơ bị tuyệt chủng đang gặp khó khăn. Voi ở Việt Nam chỉ còn rất ít, tập trung ở miền Trung và miền Nam. Hổ cũng đang dần biến mất. Thậm chí ngay cả khu bảo tồn sao la mới được thành lập ở Thừa Thiên-Huế cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo thống kê của WWF, hiện loài hươu vàng gần như đã biến mất tại Việt Nam do mất sinh cảnh sống và mức độ săn bắn quá cao. Sao la cũng là một loài cực kỳ nguy cấp, hiện số lượng còn không đến vài trăm con, voọc mũi hếch chỉ còn lại ở một số khu vực thuộc miền Bắc với số lượng khoảng 250 con do nạn phá rừng và săn bắn. Loài cò quắm cánh xanh được coi là tuyệt chủng ở Việt Nam do không còn sinh sản, cá sấu nước ngọt cũng từng bị coi là tuyệt chủng.

Về vấn đề có thể làm “sống lại” loài tê giác Java ở Việt Nam, ông Tùng cho rằng, có thể nhập các cá thể ở nước ngoài về gây nuôi, tuy nhiên việc này là rất khó. Bởi hiện tại, chỉ một nơi duy nhất còn bảo tồn được loài tê giác Java là Indonesia. Do chỉ còn gần 50 cá thể nên Chính phủ Indonesia yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt các cá thể quý hiếm này. Ông Christy Williams, điều phối viên Chương trình voi và tê giác châu Á của WWF cho rằng: “Xét cả về mặt kinh tế hay trên phương diện thực tiễn, việc tái nhập tê giác Java vào Việt Nam là không khả thi. Vì thế, chúng ta sẽ không còn cơ hội nhìn thấy tê giác Java trên dải đất hình chữ S”.

Theo ông Huỳnh, từ những năm 1960, chúng ta đã có chính sách về bảo tồn các loài động vật hoang dã. Hiện nay, việc bảo tồn cũng đang là mục tiêu lớn của Chính phủ, song cần phải có quyết tâm cao, triển khai chính sách cụ thể mới giúp các loài thú hoang dã, quý hiếm tránh được các thảm kịch.