Cựu du học sinh là phụ tá đắc lực của ‘trùm cuối’ đường dây vay nặng lãi giao dịch gần 2.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từng du học nên nói giỏi tiếng Trung Quốc, đối tượng Huyền đã tiếp xúc và được một đường dây chuyên cho vay nặng lãi thuê tuyển giữ vai trò điều tiết gần như mọi hoạt động giao dịch tại Việt Nam .

Đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia này có sự liên kết của gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính, qua đó cho khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng điện thoại di động, với tổng số tiền vay hơn 1.800 tỷ đồng.

Thủ tục vay…dễ như bỡn

Một trong những manh mối về đường dây phạm tội gây nhức nhối xã hội này là căn nhà nằm ở tại tổ dân phố 22, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai. Gần như suốt ngày kín cửa, nhóm người cư trú đi sớm, về khuya, thi thoảng từ bên trong các phòng vang lên những… tiếng chửi bới như đòi nợ.

Đối tượng Huyền

Đối tượng Huyền

Những dấu hiệu bất thường này đã được lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Lào Cai bí mật xác minh. Căn cứ các tài liệu thu thập, ngày 21-6-2022, chuyên án đấu tranh đã được CQĐT CATP Lào Cai xác lập, với mục tiêu làm rĩ nhóm đối tượng có dấu hiệu cho vay lãi nặng qua ứng dụng trên điện thoại di động. Ban chuyên án đã dựng được đối tượng cầm đầu ổ nhóm là Phạm Thị Huyền (SN 1990, trú tại xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Huyền từng có thời gian du học tại Trung Quốc; và có mối quan hệ xã hội rộng với rất nhiều đối tượng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Các trinh sát cũng đã tiếp cận được một số trường hợp vay tiền của Huyền qua app, trong đó có chị Đ.T.K (trú tại phường Lào Cai, TP Lào Cai). Do cần vốn làm ăn, chị K. lên mạng Internet tìm kiếm thông tin. Chỉ sau vài giây, với từ khóa “vay tiền”, chị đã tìm được đường link.

Và theo hướng dẫn của các đối tượng, chị K. cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động; điền các thông tin cá nhân, gửi ảnh chân dung, cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ, các ứng dụng trên điện thoại… và đăng ký khoản vay.

Ban chuyên án khám xét địa diderm liên quan đường dây "tín dụng đen" xuyên quốc gia

Ban chuyên án khám xét địa diderm liên quan đường dây "tín dụng đen" xuyên quốc gia

Hoàn tất các bước trên sau không quá nhiều thời gian, chị K. đã vay 136 triệu đồng nhưng thực chất chỉ nhận được hơn 81 triệu đồng với lãi suất là 5,01% ngày. Do việc làm ăn không thuận lợi, chị K. chậm thanh toán tiền. Và kể từ đó liên tục bị các đối tượng thường xuyên chửi bới, lăng mạ, gây khủng hoảng về tinh thần.

Quá trình thu thập tài liệu, ban chuyên án nắm được quy mô, tính chất hoạt động của nhóm đối tượng liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; với phương thức hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, có sự chỉ đạo, điều hành của đối tượng người nước ngoài.

CATP Lào Cai đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai, đề xuất phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá.

Nâng cấp chuyên án, triệt nguồn tội phạm

Với sự phối hợp của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), các đơn vị nghiệp vụ đã xác định quy mô, tính chất của nhóm tội phạm rất nghiêm trọng, phức tạp. Do vậy, lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai đã cùng các đơn vị nghiệp vụ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nâng chuyên án do CATP Lào Cai xác lập thành Chuyên án cấp Bộ, với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai.

Đa phần đối tượng liên quan trong vụ án đều còn trẻ

Đa phần đối tượng liên quan trong vụ án đều còn trẻ

Khó khăn lớn nhất của công tác trinh sát, phá án là mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng các đối tượng trong ổ nhóm lại có sự liên hệ rất chặt chẽ. Vì vậy chỉ cần một chút sơ hở, biết bị động, các đối tượng sẽ tiêu hủy chứng cứ hoặc có những biện pháp gây khó khăn. Chính vì vậy, Ban chuyên án phải tính toán, lựa chọn thời điểm phá án ở đồng loạt các địa bàn, đảm bảo bí mật, thu được dữ liệu và thiết bị là máy tính và điện thoại di động để phục vụ cho hoạt động thông tin của người vay, thu hồi nợ và các công ty trung gian phá án.

Đúng 9h ngày 12-7, 3 tổ công tác tại tỉnh Lào Cai, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân. Riêng tại TP. Lào Cai, tổ công tác phối hợp gồm 120 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng chia thành 5 mũi đồng loạt triệu tập, khám xét 3 phòng của số nhà 55, đường Hoàng Văn Thụ, tổ 22, phường Cốc Lếu.

Kết quả đã bắt giữ Phạm Thị Huyền cùng 17 đối tượng đang có hành vi đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ; thu giữ toàn bộ tài liệu, vật chứng, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ của nhóm đối tượng tại Lào Cai.

Chiêu trò tinh quái

Theo lời khai của Huyền, cô ta biết đến ứng dụng vay tiền qua app vào khoảng cuối năm 2019, trong thời gian làm phiên dịch tại Hà Khẩu. Sau đó, Huyền được người phụ nữ Trung Quốc tên là Qial Jia YI phỏng vấn và tuyển dụng. Làm việc được khoảng hơn 1 tháng, nhận được 7 triệu đồng tiền lương thì Huyền nghỉ do dịch bệnh Covid-19.

Một thời gian sau, Huyền đã tìm và thuê phòng để đặt làm văn phòng thu hồi nợ. Huyền trực tiếp tuyển nhân viên nhắc nợ, thu hồi nợ và nhân viên thẩm định. Đến khoảng cuối tháng 5-2022, bộ phận thẩm định nghỉ, còn các bộ phận nhắc nợ và thu hồi nợ tại các phòng 601 và 602 vẫn tiếp tục hoạt động, cho đến thời điểm cơ quan Công an phát hiện.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đây là đường dây phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước.

Cơ quan công an đã triệu tập, làm việc với 41 đối tượng, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính, nhiều chứng từ, con dấu của 2 công ty và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội.

Các đối tượng lập các bộ phận chuyên trách đặt tại địa bàn 3 tỉnh, thành phố, gồm: Bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TP. Hồ Chí Minh; Bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/ thu hộ tại TP. Hà Nội; Bộ phận nhắc nợ/ thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai; do Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1993, trú tại quận 9, TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Huyền và Chống Ngọc Phụng (SN 1999, trú tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), điều hành.

Các đối tượng đã lập ra Công ty TNHH công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (Vndong, Hitien, Zdong, Hvay...), liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, Công ty tài chính Fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất khoảng 2.090,93%/năm.

Để vay tiền, khách hàng được bộ phận hỗ trợ, chăm sóc khách hàng hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ, các ứng dụng trên điện thoại… và đăng ký khoản vay. Sau đó, hồ sơ vay của khách hàng sẽ được bộ phận thẩm định kiểm tra, đánh giá, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được duyệt khoản vay. Bộ phận trung gian thanh toán sẽ tiến hành giải ngân (chuyển số tiền vay) vào tài khoản ngân hàng của khách hàng là 59,9 % so với số tiền khách vay.

Các đối tượng cho vay được hưởng lợi 40,1%, gọi là các khoản phí và lãi suất cho gói vay 7 ngày. Trong thời gian 7 ngày, khách hàng phải thanh toán khoản vay vào tài khoản do các đối tượng chỉ định. Khi khoản vay tới hạn thanh toán, nhân viên sẽ liên lạc với khách hàng để nhắc nợ. Nếu khoản vay quá hạn, bộ phận thu hồi nợ sẽ liên lạc và sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè… để thu hồi được khoản vay, phí phạt quá hạn là 6%.

Tính đến nay, ban chuyên án xác định có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền khách hàng vay là 1.802,1 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, lượng tiền chiếm hưởng là 322,6 tỷ đồng.