Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch sắp hầu tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12-5, cơ quan công tố hàng đầu của Đan Mạch cho biết, họ sẽ tìm cách bãi bỏ quyền miễn trừ quốc hội của ông Claus Hjort Frederiksen - cựu Bộ trưởng Quốc phòng để có thể truy tố về tội “tiết lộ thông tin tuyệt mật”.
Ông Claus Hjort Frederiksen tham dự một sự kiện của NATO trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch hồi tháng 4-2017

Ông Claus Hjort Frederiksen tham dự một sự kiện của NATO trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch

hồi tháng 4-2017

Văn phòng Giám đốc Cơ quan công tố Đan Mạch cho biết, họ sẽ làm việc với Quốc hội liên quan đến quyền miễn trừ của ông Claus Hjort Frederiksen - người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng nước này từ tháng 11-2016 đến tháng 6-2019. Giờ đây, Quốc hội sẽ phải thảo luận về việc có nên xóa bỏ quyền miễn trừ đối với ông Frederiksen (bởi ông vẫn là thành viên nghị viện) hay không. Bộ Tư pháp Đan Mạch tuyên bố không thể tiết lộ chi tiết về những cáo buộc chống lại ông Hjort Frederiksen vì “tính chất đặc biệt của vụ án” là liên quan đến thông tin nhạy cảm.

Ông Hjort Frederiksen (74 tuổi) trúng cử đại biểu Quốc hội từ năm 2005 và là thành viên cấp cao của Đảng Tự do đối lập. Ông làm Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch từ tháng 11-2016 đến tháng 6-2019. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Quốc hội Đan Mạch (2019 - 2020), là Bộ trưởng Tài chính (2009 - 2016) và là Bộ trưởng Bộ Lao động việc làm (2001 - 2009). Ông Hjort Frederiksen hiện phải đối mặt với bản án cao nhất là 12 năm tù nếu bị kết tội tiết lộ thông tin tuyệt mật trái phép. Hồi tháng 1-2022, ông Frederiksen cho biết, ông đã bị buộc tội sơ bộ vì nghi ngờ vi phạm Bộ luật Hình sự, bao gồm tội phản quốc vì làm rò rỉ bí mật nhà nước. Ông cũng nói thêm rằng, ông “không bao giờ có thể mơ làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến Đan Mạch hoặc lợi ích của Đan Mạch”.

Truyền thông Đan Mạch suy đoán, vụ việc có thể liên quan đến cáo buộc Cơ quan Tình báo hải ngoại của Đan Mạch đã giúp Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 12-2021, ông Hjort Frederiksen đã nói về một thỏa thuận nghe lén bí mật giữa Mỹ và Đan Mạch vốn đã thực hiện vào cuối những năm 1990. “Tôi phải mạo hiểm với một bản án tù... Tôi đã thông báo cho các quan chức Đan Mạch rằng thỏa thuận này tồn tại. Thỏa thuận đã mang lại cho cộng đồng tình báo Đan Mạch “nhiều thông tin hữu ích” và vị thế “một đối tác đáng tin cậy” của Mỹ” - ông Hjort Frederiksen nói thêm.

Đài truyền hình Đan Mạch DR đã đưa tin rằng Cơ quan Tình báo quốc phòng Đan Mạch đã mở một cuộc điều tra nội bộ vào năm 2014 về việc liệu Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có lợi dụng hợp tác với người Đan Mạch để do thám Đan Mạch và các nước láng giềng hay không. Cuộc điều tra (có mật danh là Chiến dịch Dunhammer) kết luận rằng NSA đã nghe trộm các nhà lãnh đạo và quan chức chính trị ở Đức, Pháp, Thụy Điển và Na Uy. Bên cạnh đó, vụ việc có thể liên quan đến vụ bắt giữ cựu Giám đốc Tình báo hải ngoại Lars Findsen của Đan Mạch vào tháng 12-2021. Ông Lars Findsen đã bị giam giữ trước khi xét xử với cáo buộc sơ bộ “tiết lộ thông tin tuyệt mật”, nhưng tòa phúc thẩm ra lệnh thả ông vào tháng 2-2022. Hai vụ án đã làm dấy lên một vụ bê bối tình báo gây chấn động đất nước Bắc Âu, bao gồm việc tiết lộ cách NSA sử dụng dữ liệu của Đan Mạch để do thám các quan chức cấp cao của các nước láng giềng.

Hôm 4-5, ông Hjort Frederiksen đã đáp trả động thái của các công tố viên bằng việc phê phán chính phủ. “Tôi chân thành hy vọng rằng, công chúng và tất cả các thành viên của Quốc hội giờ đây có thể hiểu sâu hơn về việc chính phủ tin rằng tôi đã làm điều bị coi là phản quốc” - ông nói với tờ báo Đan Mạch Ekstra Bladet.