Cựu Bộ trưởng Công Thương bị đề nghị bác kháng cáo vụ thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối giờ chiều nay (21-1), phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 3 bị cáo liên quan, trong vụ gây thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng chuyển sang phần tranh luận.

Thực hành quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm về các kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 3 bị cáo liên quan.

Theo VKS, trong phiên tòa hôm nay, các bị cáo giữ nguyên quan điểm kháng cáo. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cùng quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, VKS thấy, Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM).

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê”.

Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.

Xét kháng cáo của bị cáo Vũ Huy Hoàng, VKS xét thấy với vai trò là Bộ trưởng Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, bị cáo Vũ Huy Hoàng biết rõ Sabeco không đủ khả năng tài chính, nhưng bị cáo vẫn chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện dự án không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.

Cụ thể, bị cáo Vũ Huy Hoàng là người quyết định cho đầu tư dự án nhưng không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ. Tiếp đó, bị cáo Hoàng đã không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt mà đồng ý cho Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh với giá cổ phần thấp để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng.

Bị cáo Hoàng cho rằng bản thân không trực tiếp quản lý tài sản liên quan đến vụ án, mà chỉ quản lý gián tiếp thông qua các báo cáo, tham mưu của cấp dưới, bị cáo đã phân công cho bị can Hồ Thị Kim Thoa (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương) nên bị can Thoa phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng theo VKS, nội dung này không phù hợp với việc phân công nhiệm vụ của Bộ Công Thương.

Mặc dù trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Hoàng cho rằng không tham gia vào quá trình thoái vốn, bị cáo không phải là người chủ mưu… Tuy nhiên, VKS nhận thấy lời khai này không có căn cứ để chấp nhận.

Với các căn cứ nêu trên, Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; quá trình khai báo, bị cáo khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác… đó là những tình tiết giảm nhẹ đã được Tòa cấp sơ thẩm áp dụng đầy đủ. Đến nay, bị cáo Hoàng không có thêm tình tiết mới nên VKS cấp phúc thẩm cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phan Chí Dũng, theo VKS, bị cáo Dũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương để thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl…, do đó Tòa cấp sơ thẩm xử phạt là không oan, đúng người đúng tội. Đến nay, bị cáo không cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ nào khác nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.

Đối với bị cáo Lâm Nguyên Khôi, theo VKS, khi chưa lấy ý kiến của các ngành chức năng, theo sự chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, đã ký văn bản tham mưu, đề xuất với UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Văn bản này là cơ sở để các ngành tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật.

VKS cũng cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là không oan. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo xuất trình thêm một số giấy tờ liên quan đến tình tiết giảm nhẹ nhưng đây là những tình tiết giảm nhẹ không đáng kể nên VKS cho rằng không có căn cứ chấp nhận cho bị cáo hưởng án treo.

Đối với bị cáo Lê Quang Minh, theo VKS, việc Tòa cấp sơ thẩm nhận định bị cáo là người giúp sức tích cực là không oan. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo xuất trình thêm một số giấy tờ liên quan đến sức khỏe, nhưng VKS xét thấy đây là tình tiết giảm nhẹ không đáng kể.

Từ những phân tích, nhận định đưa ra, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên mức án mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 3 bị cáo liên quan.