Cướp lộc, rải tiền lẻ tái diễn mùa lễ hội

ANTD.VN - Mùng 6 tháng Giêng là thời điểm các lễ hội lớn tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc đồng loạt khai hội. Theo ghi nhận tại nhiều điểm di tích, cơ bản, các lễ hội được tổ chức quy củ hơn những năm trước, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập bởi khách hành hương.

Cướp lộc, rải tiền lẻ tái diễn mùa lễ hội ảnh 1Cướp lộc hoa tre tại lễ hội Gióng. Ảnh: Hồng Phú

Thi nhau tranh, cướp lộc

Sáng  mùng 6 Tết, Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cùng một loạt các lễ hội khác trên địa bàn Hà Nội như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa… bước vào ngày khai hội. Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đổ về khu vực lễ hội để tham gia  nghi lễ “cướp hoa tre” cầu may mắn. Đây là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội đền Gióng, bởi vậy chuyện tranh cướp lộc là không thể tránh khỏi.

Ngay sau các phần nghi thức cung tiến lễ vật, rất đông thanh niên đã vượt qua hàng rào bảo vệ để giành giật hoa tre, bất chấp lực lượng an ninh, trật tự được bố trí khá dày ở khu vực rước lễ. Tuy không có tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhưng có thể thấy rất đông người thuộc đoàn rước lễ cũng hăm hở lao vào đám đông để cầu may.

Tại khu vực chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) trong ngày khai hội hôm qua cũng diễn ra cảnh tranh cướp lộc khi nhiều Phật tử chen lấn, giành giật nhau để lấy được vòng ngọc có in tượng Phật do các nhà sư ở đây phát. Cảnh chen lấn không kéo dài lâu, nhưng tạo ra hình ảnh không mấy đẹp mắt tại chốn linh thiêng. 

Cướp lộc, rải tiền lẻ tái diễn mùa lễ hội ảnh 2Người dân xoa tiền lẻ lên những pho tượng tại chùa Bái Đính

Tiền lẻ rải đầy di tích

Trong ngày 2-2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Trong công điện nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Chưa đến ngày khai hội chính thức nhưng từ sáng  2-2 (mùng 6 tháng Giêng) đã có rất đông người dân đi lễ tại Yên Tử (Quảng Ninh). Mặc dù những năm gần đây, chính quyền địa phương đã vận động người dân không đổi, rải tiền lẻ tại khu vực lễ hội, nhưng năm nay tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Rất đông người dùng tiền lẻ xoa lên chuông đồng, lên chân Phật hoàng Trần Nhân Tông… với niềm tin là sẽ gặp nhiều may mắn. Không  những thế, bất cứ chỗ nào có thể rải, gài, nhét… tiền lẻ, đều được khách hành hương tận dụng.  Thậm chí, tiền còn được rải lên tận mái chùa, hoặc nhét vào vách, khe tường… 

Tình trạng rải tiền lẻ tràn lan chốn linh thiêng tái diễn tại lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) ngay trong ngày khai hội (2-2) khi người dân thi nhau sờ đầu rùa, ném tiền lẻ vào các pho tượng Phật… gây nên cảnh tượng rất phản cảm tại một trong những lễ hội quy mô nhất miền Bắc.

Không chỉ có nơi đất Phật, trong những ngày đầu năm nay, tại Văn Miếu - Quốc  Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam cũng  tái diễn tình trạng rải tiền lẻ và xoa đầu rùa. Nhiều bậc cha mẹ còn khuyến khích con trèo qua rào sắt vào xoa đầu rùa. Con rùa đội hạc ở nhà Đại Bái nhiều điểm bỗng bóng loáng lên sau một vài mùa hội vì ước vọng đỗ đại học của nhiều sĩ tử.

Mặc dù đã có không ít các cuộc họp bàn chấn chỉnh, khuyến cáo, thậm chí có văn bản cấm, các nhà nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo, lịch sử đều đã lên tiếng, rằng mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đất nước ta chưa từng tồn tại thứ tín ngưỡng tiền lẻ quái dị và “vô thiên vô pháp” như này. Và thế là cứ đến mùa hội, chuyện xoa tiền vào tượng cầu may, rải tiền lẻ khắp nơi lại tái diễn.

Hội làng Ném Thượng tổ chức “chém kín”

Lễ hội làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Bắc Ninh) diễn ra trong 2 ngày (mùng 5 và 6 tháng Giêng). Những năm trước, làng Ném Thượng tổ chức chém lợn công khai giữa sân đình. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, tục lệ trên đã được thay thế nhằm xóa bỏ hình ảnh không đẹp. Năm nay, làng Ném Thượng tiếp tục tổ chức “chém kín”. “Ông ỉn” sau khi được rước một vòng quanh làng đã được đưa vào khu vực riêng, có quây bạt để thực hiện nghi lễ giết mổ.