Cưỡng ép quan hệ tình dục là một trong những hành vi bạo lực gia đình

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi nhất thời có quan hệ thân mật với đồng nghiệp. Biết chuyện, chồng tôi miệng nói tha thứ, bỏ qua nhưng cứ mỗi lúc “gần gũi” nhau anh ấy lại đem chuyện này ra đay nghiến. Thậm chí anh ấy còn thường xuyên ép tôi phải “quan hệ”, ngay cả khi tôi không hề sẵn sàng. Xin hỏi, những hành động đó của chồng tôi có phải là bạo lực gia đình không? Lương Thị Tuyết (Hải Phòng)

Theo quy định của pháp luật, hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục là một trong những hành vi bạo lực gia đình 

Luật sư trả lời: Theo khoản 1, Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực gia đình gồm có: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện... Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1, Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. 

Với quy định nêu trên có thể thấy, hành vi “Cưỡng ép quan hệ tình dục” là một trong những hành vi bạo lực gia đình. Để thoát khỏi tình trạng này, trước hết bạn cần thẳng thắn trao đổi với chồng về sự khổ sở, bế tắc của bản thân khi buộc phải quan hệ tình dục với chồng trong lúc bạn không mong muốn và cả chuyện anh ấy đã nói bỏ qua cho bạn về sai lầm nhất thời nhưng vẫn liên tục chì chiết, đay nghiến. Bạn cần nhẹ nhàng nói chuyện để anh ta hiểu và có sự đồng cảm với bạn.

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Có lẽ đó là phương án hợp lý nhất ở thời điểm này để chồng bạn hiểu ra. Trong trường hợp chồng bạn vẫn không thay đổi, tôi nghĩ bạn nên tạm lánh khỏi gia đình một thời gian. Nơi bạn đến có thể là nhà bố mẹ đẻ, anh chị em ruột, bạn bè thân thiết… Việc bạn rời khỏi nhà trong một khoảng thời gian nhất định chắc chắn sẽ khiến anh ta thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề, để qua đó điều chỉnh lại nhu cầu, hành vi của bản thân.

Ngoài ra, pháp luật cũng có nhiều quy định để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình, thậm chí đến mức xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi đó. Tuy nhiên theo chúng tôi, đó chỉ là biện pháp cuối cùng bạn phải nghĩ tới khi không còn cách nào khác và không thể chịu đựng thêm được nữa. Tất nhiên là khi bạn đã nhờ đến sự can thiệp của pháp luật thì tình cảm vợ chồng bạn sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Do đó, bạn cần hết sức cân nhắc nếu tính tới việc áp dụng biện pháp nhờ pháp luật can thiệp.