Cưới, em có vui không?

ANTĐ - “Một tháng nữa thôi là em lên xe hoa, bước vào đám cưới trong mơ của đời mình, sao em chẳng vui gì cả?!”

1. “Một tháng nữa thôi là em lên xe hoa, bước vào đám cưới trong mơ của đời mình, sao em chẳng vui gì cả?!” Lam - cô bạn nhỏ thân thiết của em gái tôi - ngồi bó gối trên chiếc sofa màu nâu cũ kĩ, lơ đãng nhìn mấy dây leo xanh mướt trên cửa sổ, nói với giọng buồn hẫng pha lẫn một chút bất cần. “Đã bao đêm em mơ về nó. Và mơ mộng. Và mỉm cười. Em đã nghĩ sẽ ngọt ngào lắm, sẽ lãng mạn lắm, phải độc đáo nữa, đám cưới í, một đám cưới của riêng mình. Vậy mà, bây giờ, chưa cưới đã thất vọng...”. Tôi biết đằng sau giọng nghe nhẹ như bông ấy, cô nàng hẳn phải stress lắm, chẳng biết tỏ cùng ai, mới rủ rê tôi ra quán cà phê gần nơi tôi làm việc.

Em mô tả cho chị nghe về đám cưới trong mơ của em đi? Tôi hỏi Lam. Và tự bảo mình, ừ, đúng rồi, hầu như các cô gái đều có một đám cưới trong mơ của đời mình, đặc biệt là một cô nàng bay bổng như Lam. Đi học nước ngoài về, lại mê phim Mỹ, cô thường mơ mộng về một đám cưới kiểu Tây, sang trọng và lãng mạn với nắng vàng biển xanh, khách đến dự ít thôi, và mỗi người đều cài hoa hồng trắng. Nhưng mơ mộng là một chuyện, đám cưới thực lại là chuyện khác, Lam nói.

Dù tự nhủ rằng không thể lãng mạn với một đám cưới ở biển, thì Lam vẫn muốn đám cưới của mình thật đặc biệt. Và chỉ mời những người thật thân, những người thực sự yêu quý cô, quan tâm đến hạnh phúc của cô, chứ không phải mời một đống khách thân có sơ có như những đám cưới khác. Lam muốn tổ chức ở một quán cà phê của một người bạn, khá rộng, rất đẹp và có gu nữa. Sẽ là tiệc ngọt giản dị, có rượu, có những bình gốm to cắm đầy hoa hồng đỏ. Bật nhạc lên và nhảy, cũng đơn giản thôi nhưng sẽ rất vui.

Thế nhưng vừa mới hó hé ra ý định của mình thì Lam vấp ngay sự phản kháng mạnh mẽ của cả nhà. Mẹ thì cười bảo, mày đùa hả con, chẳng ai lại làm đám cưới như vậy cả. Bố Lam thì tức giận, bảo sẽ là một đám cưới như mọi đám cưới khác, đặt ở khách sạn, bố sẽ mời rất nhiều bạn bè đồng nghiệp của bố, đây không phải là lúc để con học đòi kiểu Tây hay vớ vẩn với đám bạn bè của con. Lam ức không nói được lời nào, đóng cửa phòng khóc cả đêm. Đây là đám cưới của mình cơ mà, cả đời mới có một lần, sao không được làm đám cưới theo cách mình mơ ước?

Rồi chuyện váy cưới nữa chứ. Lam vốn không thích những kiểu váy cầu kỳ với chân váy xòe rộng và nhiều bèo nhún, đặc biệt là váy có đuôi dài phía sau. Cô chỉ thích một chiếc váy đơn giản, nhẹ nhàng và tinh tế. Lần đầu tiên nhìn thấy kiểu váy đó trên catalogue, Lam ưng ý ngay lập tức, đặt may. Khi Lam mặc thử, chỉ chú rể khen đẹp. Mẹ và các dì Lam nhăn mặt, lắc đầu, bảo đơn giản quá, sao chẳng giống váy cưới gì cả. Các bạn của Lam thì bảo, ừ, tao cũng thấy kì làm sao, hay là thuê váy khác đi. Lam thích chiếc váy này, Lam thấy mình mặc đẹp, nhưng sự chê bai của mọi người vẫn khiến Lam mất hứng trầm trọng.

Lam cũng ghét kiểu chụp ảnh mà cô dâu chú rể đứng cứng đờ bên nhau, quanh đi quẩn lại những phong cảnh giống hệt nhau theo kiểu các studio. Cô kì công rủ một nhóm bạn chụp ảnh giỏi, đi lang thang khắp Hà Nội, thấy chỗ nào đẹp thì chụp, lúc thì ở một ngôi nhà đổ, một gánh hàng hoa, một góc phố cổ... Cho lên facebook, ai cũng trầm trồ ảnh đẹp và ấn tượng, độc đáo. Ngày Lam lâng lâng đưa bộ ảnh ưng ý của mình về nhà, ông bà bố mẹ Lam chẳng khen một tiếng nào, chỉ bảo, sao không chụp ảnh như con nhà người ta, có phải đơn giản mà đẹp hơn không?!

“Thật là mất hứng chị ơi!” - Lam than thở - “Bây giờ em cũng thuyết phục được bố mẹ và mọi người để tổ chức đám cưới theo cách em thích, tất nhiên cũng có thay đổi một vài thứ, nhưng mọi người không được hài lòng, em cũng chẳng thấy vui. Em cũng không biết mình đang nghĩ gì nữa!”

Tôi ngồi lắng nghe cô dâu bé nhỏ, sau một hồi kể lể những ức chế bực dọc khi chuẩn bị cho đám cưới của em, bây giờ trông đã nhẹ lòng hơn. Em gái ơi, nếu em không muốn tổ chức đám cưới theo ý của người khác, em không muốn thỏa hiệp chút nào để cưới theo cách riêng của em, muốn ngày vui đẹp đẽ theo cách em muốn, thì em cứ hạnh phúc với chúng đi, sao phải nặng nề về phản ứng của người khác? Ai thích, ai không thích, ai chê, ai cười, kệ, đám cưới của em, em cứ vui thôi?!

2. Chàng trai đó cũng sắp cưới, còn vài tuần nữa thôi. Thế nhưng, chàng đang giận cô dâu tương lai của mình. Chàng trai trông điềm tĩnh, chín chắn hơn cái tuổi 27 của mình, kể rằng bình thường rất chiều chuộng bạn gái. Bạn gái chàng con gái nhà giàu, tính tình tiểu thư, nên rất hay mè nheo đòi hỏi, con gái mà ăn nói ngang bướng dù nhiều khi trong bụng cũng chẳng có ý gì. Hôm đó nhà trai đến ăn hỏi ở nhà gái. Mọi chuyện về phía hai bên nhà đều diễn ra tốt đẹp, không hiểu sao cô dâu của chàng mặt bí xị, không vui vẻ gì, thi thoảng mới cười gượng lấy lệ. Lúc ra về mọi người bên nhà chàng cứ xì xào, hỏi chàng và cô dâu giận nhau à, sao ăn hỏi mà cô gái không vui. Ăn hỏi xong, bạn gái chàng cũng không gọi điện nhí nhảnh kể lể như thường lệ.

Buổi chiều chàng rủ cô gái đi cà phê, mặt cô cứ đăm đăm, hỏi mãi mới chịu nói. Cô bảo “anh không thấy gì à, nhà gái rõ sang trọng, các cô các bác nhà em ai cũng com lê, cà vạt, các cô mặc áo dài lụa đẹp đẽ, trang điểm lộng lẫy. Vậy mà anh để mẹ anh mặc cái áo dài quê mùa, tưởng tượng hôm đám cưới ở khách sạn lớn mà thế này thì bạn bè em cười cho thối mũi, nghĩ mà chán chẳng buồn cưới nữa”. Chàng trai lặng người đi trong giây lát, rồi quát lên vào mặt cô gái: “Cưới thì cưới mà không cưới thì thôi. Nhà tôi nhà quê thế thôi, cô không chấp nhận được thì thôi. Tôi về nói bố mẹ tôi hủy cưới”, rồi chàng trai bỏ đi.

“Mấy ngày rồi mà đầu em vẫn ong ong lời cô ấy nói. Không thể tưởng tượng được cô ấy có thể nói những lời hỗn láo, xúc phạm như vậy về bố mẹ chồng. Chị bảo như vậy có chấp nhận được không? Chưa cưới mà đã thế này thì cưới về còn xem bố mẹ chồng ra gì nữa?! Không lẽ lại hoãn đám cưới”. Tôi hiểu sự bức xúc của chàng trai, trong tình huống đó có lẽ người đàn ông nào cũng khó kiềm chế được tức giận. Chàng trai nói, từ hồi cưới đến giờ, cô ấy có đòi hỏi này nọ về đám cưới, em đều chiều hết. Từ chuyện may áo cưới, áo dài, đến chuyện chụp ảnh cưới ở ngoại thành, rồi dự định đi trăng mật ở Nha Trang, Đà Lạt, rồi đặt cỗ cưới ở khách sạn sang trọng, tất tật đều theo ý muốn của cô ấy. Bố mẹ em làm nông nghèo, không giúp được gì, một mình em phải xoay xở để lo đám cưới, biết là rất tốn kém, nhưng em cũng cam lòng. Em biết cô ấy từ bé đã được sống sung sướng, cô ấy muốn một đám cưới hoàn hảo sang trọng. Thôi thì cả đời chỉ cưới một lần, miễn là cô ấy hạnh phúc. Nhìn cô ấy háo hức chuẩn bị cho ngày cưới, em cũng vui lắm. Ai ngờ...”

Nhìn mắt chàng trai tôi vẫn thấy tình yêu đối với cô dâu của mình. Tôi hỏi cậu về tính cách cô gái, về thái độ của cô đối với bố mẹ chàng trai. Chàng trai bảo rằng thực ra cô ấy cũng không phải là người trọng giàu khinh nghèo, coi thường bố mẹ cậu. Cô ấy cũng nhắn tin xin lỗi chàng trai rằng, chỉ vì cô quá cầu kỳ mong đợi đám cưới hoàn hảo đến từng chi tiết nên quá căng thẳng, cô không hiểu sao mình có thể cư xử ngu ngốc như vậy.

Tôi tin là cô gái may mắn vẫn còn cơ hội, với một chàng rể bao dung và chín chắn, người sẽ giúp cô hiểu rằng, đám cưới cũng chỉ là một ngày để bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Đừng quan trọng hóa, đừng nặng nề quá, đừng vì sự hoàn hảo lung linh của nó mà làm tổn thương những người yêu thương sẽ đi cùng ta đến hết cuộc đời.