Cuộc thi thiết kế lễ phục Nhà nước: Rập rình bên bờ phá sản

ANTĐ - Hơn 10 năm trước, đã từng có một cuộc thi thiết kế Quốc phục được tổ chức. Nhưng rồi dự án đó không thành. Mãi cho đến năm 2011, “yêu cầu cấp thiết” một lần nữa được đặt ra. Năm 2013 dự án tìm kiếm chính thức tái khởi động, lần này, trưng cầu ý kiến nhiều giới, nhiều ngành, nhiều người, bàn cho đến “nát nước” thì mới đưa ra được đề bài cho công cuộc “Tuyển chọn thiết kế lễ phục Nhà nước”. Đến tháng 4-2014, việc tìm kiếm xem ra tiếp tục rơi vào trạng thái mịt mờ.

Bộ lễ phục phải thể hiện được ý thức tự hào dân tộc và bản sắc văn hóa

“Tìm kim đáy bể”?

 Theo thống kê, trên thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có quốc phục, ví như Hàn Quốc thì có Hanbok, CHDCND Triều Tiên có Choson-ot, Ấn Độ có Saree, Nhật Bản có Kimono. Các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Malaysia,  Indonesia cũng đều có trang phục dành riêng cho những ngày lễ trọng.  Trong khi đó, từ nhiều năm qua,  khi các nghi lễ lớn được tổ chức ở nước ta, áo dài khăn đóng (nam) và áo dài (nữ) vẫn được thường xuyên sử dụng. Thế nhưng, bộ trang phục được cho là mang hồn dân tộc này lại bị chê là “thiếu thuyết phục” bởi không thể sử dụng đại trà, hơn nữa nó cũng không hội đủ các tiêu chí vừa “đậm đà bản sắc”, vừa “thống nhất trong đa dạng”.

Tranh luận mãi, đến tháng 8-2013, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) mới chính thức phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục. 2 tháng sau, Ban tổ chức thu về số lượng bài dự thi kỷ lục: 300 mẫu. Nhưng rồi 300 mẫu đó cũng là 300 nỗi thất vọng. Các mẫu thiết kế chỉ đơn giản là để mặc đi chơi, không tính lễ nghi, thiếu sang trọng, cá biệt có mẫu chỉ có thể mặc để lên sàn diễn thời trang. 

Bỏ “thô”, chọn “tinh”

Sau lễ phát động rộng rãi mà không thu được kết quả gì, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã liên hệ với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng và đặt hàng. Bỏ chọn “thô” để chọn “tinh”, những tưởng hoa thơm sẽ nở, quả ngọt sẽ đơm. Ai ngờ, vấn đề cũ chưa giải quyết được, vấn đề mới phát sinh. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và  Triển lãm cho biết, trong quá trình hợp tác, 13 nhà thiết kế được mời, đề nghị hợp tác theo nhóm. Nhóm 6 người có Lan Hương, Sĩ Hoàng, Minh Hạnh, Đức Hùng… Nhóm còn lại 7 người, sáng tác độc lập. Ban đầu các NTK gửi mẫu phác thảo trên giấy. Hội đồng giám khảo xem xét kỹ lưỡng vẫn không chọn được mẫu nào, vì các mẫu không thỏa mãn được tiêu chí đề ra. Nhóm 6 NTK khi đó đề nghị thể hiện mẫu thiết kế bằng các sản phẩm thật.

Yêu cầu này đương nhiên được chấp thuận. Nhưng rồi, các NTK đưa ra điều kiện, Bộ VHTT&DL mà cụ thể là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phải có văn bản công nhận họ là NTK mẫu lễ phục Nhà nước và chỉ họ mới có đủ tư cách thiết kế mà thôi, những NTK khác không được tham gia nữa. Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm: “Điều đó khiến chúng tôi thấy vô lý. Chúng tôi chỉ chọn mẫu, đáp ứng đủ tiêu chí để trở thành mẫu lễ phục nhà nước, chúng tôi không chọn NTK này hay NTK kia. Muốn được chọn thì họ phải cho chúng tôi thấy mặt mũi, hình dáng của mẫu lễ phục đó như thế nào, chưa gì đã ra điều kiện!”. Hiện, việc thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước vẫn đang được triển khai bằng việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp tục mời thêm một số NTK khác, theo lời ông Vi Kiến Thành là “có trách nhiệm công dân, có trách nhiệm nghệ sĩ” tiếp tục xây dựng ý tưởng.

Dừng hay đi tiếp?

Sau hơn 10 năm ý tưởng tìm quốc phục được đưa ra, cho đến giờ, mẫu lễ phục Nhà nước chuẩn vẫn ở thì… tương lai xa. Xa là bởi việc này quá khó. Chưa có ai đủ tài nắm bắt được những điều “phi vật thể” như: “mang tính biểu tượng văn hóa”, “có tính thời đại và bản sắc văn hóa dân tộc”… để rồi hợp lý hóa, “nhồi” đủ vào trong một bộ trang phục. Đó là một bài toán đố, mà lời giải thì chưa biết tìm ở đâu. Có nhà nghiên cứu đề xuất: “Hay đi thuê hoặc nhờ chuyên gia nước ngoài!”. Ý kiến đó, ngay lập tức nhận được sự phản ứng dữ dội từ phía dư luận, sao cái gì cũng phải thuê chuyên gia? Không lẽ các NTK trong nước không đủ tài hay sao?  Khi được hỏi, nếu việc tìm kiếm mẫu lễ phục Nhà nước gian nan và khó đi, liệu Ban tổ chức có nghĩ đến việc dừng. Khi nào đủ điều kiện thì lại tính tiếp? Ông Vi Kiến Thành thẳng thắn, cũng có khi phải dừng, tuy nhiên ở thời điểm này vẫn còn hy vọng. Vẫn còn nhiều các NTK tha thiết được thử sức. Còn theo Thứ trưởng 

Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn, có lẽ đã phải đến lúc, Bộ ra “tối hậu thư” với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, phải hoàn thành nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định, vì cuộc thi đã kéo dài quá lâu.

Ban đầu, tên của cuộc thi là tuyển chọn mẫu quốc phục, qua nhiều ý kiến góp ý, Bộ VH-TT&DL đã thay tên gọi là Cuộc tuyển chọn thiết kế lễ phục Nhà nước. Bộ lễ phục này sử dụng trong các hoạt động mang tính quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào dân tộc và giữ  gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế độc lập của một quốc gia có văn hiến lâu đời.