Cuộc sống luôn cần phiêu lưu

ANTĐ - Cái tên Tùng Dương giờ đã quá quen thuộc trong làng nhạc Việt. Người ta nhớ đến anh không phải vì gu thời trang đặc biệt mà vì những giải thưởng lớn… Hình ảnh “Con cò” Tùng Dương lưu lại trong tâm trí người yêu nhạc còn bởi thứ âm nhạc mang màu sắc rất riêng và cả tình yêu anh dành cho âm nhạc, thiêng liêng và đầy ý nghĩa.

- PV: Tính từ năm 2004 khi anh đăng quang sân chơi Sao Mai đến nay, chưa khi nào cái tên Tùng Dương thiếu sức hút. Để nói về mình, anh sẽ nói gì?

- Ca sĩ Tùng Dương: Nếu để tự tôi đánh giá về bản thân thì e không khách quan cho lắm. Nhưng cũng có lúc tôi tự giễu cợt mình. Ai có khả năng giễu cợt bản thân mình cũng là điều tốt vì họ có thể đứng nhiều vai. Mỗi người nghệ sĩ có một sức hút riêng. Người có sức hút đến từ biểu diễn hình thể, biểu diễn theo kiểu hiện đại, đại chúng. Cũng có những người hướng đến yếu tố đương đại trong tác phẩm nghệ thuật… Và có lẽ sức hút của tôi đối với khán giả đến từ âm nhạc và giọng hát của mình. Nó truyền tải được không gian âm nhạc của riêng Tùng Dương, đặc trưng của Tùng Dương. 

- PV: Tùng Dương là ca sĩ hát được nhiều thể loại, chủ nhân của nhiều giải thưởng… Vậy còn thứ gì Tùng Dương thiếu và muốn gặt hái thêm nữa không?

- Đời là cái đáy vô hình, càng dấn thân vào bạn càng thấy sâu. Tôi chẳng bao giờ thấy cái đỉnh âm nhạc của mình bao giờ cả. Mỗi lần tôi trèo lên cái đỉnh này lại thấy trước mắt một cái đỉnh khác cần vượt qua. Các cụ xưa thường nói, kẻ thù đáng sợ nhất là bản thân mình, làm sao phải chiến thắng sự ngu dốt trong bản thân mình. Chiến thắng bản thân mình nghĩa là bạn phải thường xuyên cập nhật, phát triển, vận động, không bị sức ì… Hài lòng với những gì bạn có thì bạn sẽ rất khó để vượt qua chính mình. Âm nhạc của tôi có tính mở. Có thể sau này khán giả sẽ thấy tôi ở các vai trò khác nhau như tự viết lời, tự sáng tác bài hát cho mình, tự làm nhạc, DJ cho mình hoặc tự múa… Tất cả những cái đó đều phụ trợ cho thứ âm nhạc tôi theo đuổi. Cuộc sống luôn cần sự phiêu lưu, biến những cái không thể thành có thể. 

- PV: Tùng Dương đánh giá vai trò của giải thưởng như thế nào đối với một người ca sĩ?  

- Giải thưởng không phải là tất cả nhưng lại là động lực. Giữa biển giải thưởng hiện nay, tôi thấy giải thưởng Cống hiến là giải uy tín, ngày càng có sức nặng đối với giới làm nghề. 

- PV: Anh từng hợp tác thành công với nhiều nữ ca sĩ như Thanh Lam, Lê Cát Trọng Lý… Vậy có ca sĩ nam nào anh muốn cộng tác không? 

- Tôi luôn muốn cộng tác với một ca sĩ hát nhạc rock. Tôi cũng đang đi tìm một ai đó có cá tính tương tự như mình nhưng vẫn chưa tìm được. 

- PV: Anh nghĩ gì khi khán giả chú ý nhiều đến phong cách ăn mặc của anh? 

- Chúng ta sống trong một môi trường có nhiều thứ phá vỡ quy tắc cũ. Bạn thấy đấy, hình mẫu Lady Gaga xuất hiện và gây ảnh hưởng tới nhiều người. Những giá trị tư tưởng khác lạ, khác người và cấp tiến một chút thì bị người ta gọi là Lady Gaga. Lady Gaga chỉ là sự phá cách về thời trang chứ thật ra âm nhạc của cô là thứ nhạc giải trí. Còn với riêng tôi, quần áo mình thích nhất, khi mặc mình sẽ tự tin nhất. Không phải lúc nào Tùng Dương cũng phá cách, các bạn vẫn thấy hình ảnh một Tùng Dương lịch lãm trong các bộ vest. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được khán giả nhắc đến mình ở sự phá cách trong nghệ thuật lẫn trong thời trang. 

- Nghe nói, Tùng Dương là người khó tính trong việc nhận lời tham gia các chương trình ca nhạc?

- Mỗi lần ai đó mời tôi hát nghĩa là họ muốn âm nhạc của Tùng Dương được vang lên trong chương trình. Tôi rất trân trọng những lời mời nhưng khi hợp tác phải có sự tương hỗ lẫn nhau. Tôi không nhận đại trà, chỉ những chương trình chất lượng, phù hợp với phong cách của tôi, tôi mới biểu diễn. Âm nhạc của tôi không phải là âm nhạc của số đông công chúng. Nếu hát nhiều quá thì khán giả sẽ bị bội thực, vì vậy tôi chọn giải pháp hát ít nhưng chất lượng có khi khán giả lại nhớ mình lâu hơn, muốn nghe mình hát nhiều hơn. 

- PV: Anh có bình luận gì về những sản phẩm trong làng nhạc Việt gần đây được gọi là “thảm họa”? 

- Tôi chẳng phê phán vì có như vậy mới gọi là thị trường âm nhạc. Trong âm nhạc, cái nghệ thuật sẽ đi được xa, còn những gì vô giá trị sẽ qua đi rất nhanh chỉ tính bằng ngày bằng tháng thôi. Qua bao nhiêu năm theo nghề rất nhiều người vẫn hát và cống hiến đấy thôi. Họ hát vì cái gì, đó là vì lý tưởng riêng của họ. Chúng ta thấy chị Thanh Lam hay Mỹ Linh hay những ca sĩ lớn tuổi như Thanh Hoa, Thu Hiền vẫn còn hát. Họ hát vì đam mê âm nhạc của họ, luôn muốn được cống hiến cho âm nhạc. Những sản phẩm “thảm họa” chỉ là nhất thời, không có giá trị gì cả và sẽ nhanh chóng bị quên đi.  Bên cạnh cái “thảm họa” vẫn còn đó những chương trình âm nhạc có chất lượng, vẫn còn đó những người làm nhạc đích thực, muốn cống hiến và cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao… Chúng ta không nên bi quan về tình trạng hỗn loạn đó. 

- PV: Xin cảm ơn Tùng Dương!