Cuộc phỏng vấn đầu tiên với người tiết lộ “Hồ sơ Panama”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2015, thế giới chấn động bởi một tài liệu có tên “Hồ sơ Pamama” tiết lộ về giao dịch bí mật của các chính trị gia, người nổi tiếng thông qua các công ty nước ngoài ở “thiên đường thuế”. Và lần đầu tiên, người đã chia sẻ nguồn tư liệu khổng lồ này (có biệt danh “John Doe”) nói về cuộc sống của ông xoay quanh “vụ nổ” từ nguồn dữ liệu rò rỉ lớn nhất trong lịch sử báo chí.

Vào năm 2015, một người tố cáo ẩn danh tự xưng là John Doe đã liên hệ với tờ Süddeutsche Zeitung (Đức) và truyền hơn 2,6 terabyte dữ liệu bí mật cho 2 phóng viên, bao gồm hàng triệu email nội bộ. Dữ liệu bắt nguồn từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama, một trong những nhà cung cấp dịch vụ quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của các công ty nước ngoài.

Tờ báo này đã khởi xướng sự hợp tác của hơn 400 nhà báo, được điều phối bởi Tổ chức Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), từ đó xuất bản “Hồ sơ Panama” tạo thành cơn địa chấn toàn cầu. Vào tháng 4-2016, hơn 100 tổ chức truyền thông trên thế giới đã công bố thông tin về “thiên đường thuế” bí mật của những người giàu có và quyền lực với tên gọi “Hồ sơ Panama”. Vụ rò rỉ dữ liệu đã kích hoạt hàng nghìn cuộc điều tra trên toàn thế giới, dẫn đến việc các lãnh đạo chính phủ và bộ trưởng từ chức, đồng thời giúp nhà chức trách thu hơn 1,3 tỷ USD tiền phạt và thuế.

Cho đến nay, John Doe chỉ lên tiếng công khai vào một dịp duy nhất, dưới dạng một thông cáo được công bố 4 tuần sau khi “Hồ sơ Panama” xuất hiện. Trong đó, người này kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động để chống lại sự bất bình đẳng toàn cầu. Kể từ đó đã có sách, podcast, phim tài liệu và thậm chí cả một bộ phim Hollywood về vụ việc, nhưng “người thổi còi” (biệt danh của John Doe) vẫn im lặng. John Doe gần đây đã liên hệ với 2 nhà báo cũ (hiện 2 nhà báo này đang làm việc cho tờ Der Spiegel) và phá lệ nhận lời trả lời phỏng vấn.

Hồ sơ Panama đã tạo nên cơn địa chấn toàn cầu sau vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử báo chí thế giới

Hồ sơ Panama đã tạo nên cơn địa chấn toàn cầu sau vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử báo chí thế giới

Thành công bất ngờ

“Người thổi còi” kể rằng, ông đã mất nhiều ngày đắn đo để đưa ra quyết định chia sẻ dữ liệu tại Mossack Fonseca và cảm thấy như mình đang nhìn vào nòng của một khẩu súng đã nạp đạn, nhưng cuối cùng ông phải làm điều đó. Một điều thú vị là khi liên hệ với phóng viên của tờ Süddeutsche Zeitung, John Doe không biết sẽ thế nào vì trước đó ông đã trao đổi thư từ với nhiều nhà báo kể cả ở New York Times và Wall Street Journal. Ngay đến Wikileaks còn không thèm trả lời khi ông liên hệ với họ.

Truyền thông toàn cầu bắt đầu xuất bản “Hồ sơ Panama” vào 3-4-2016. Ngày hôm đó, giống như hầu hết các Chủ nhật khác, John Doe hẹn một số người bạn cùng ăn thì thấy Edward Snowden (cựu nhân viên kỹ thuật của CIA, khi đó đang sống lưu vong tại Nga, người này từng gây chấn động thế giới khi tiết lộ việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ theo dõi rộng khắp Internet và hệ thống điện thoại) đăng trên Twitter về “vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử báo chí”. Và rất nhanh, hàng nghìn bài đăng lan truyền trên mạng xã hội. “Đó là điều tôi chưa từng thấy. Một sự bùng nổ thông tin theo nghĩa đen. Những người đi cùng bàn rôm rả về chuyện này. Tôi đã cố gắng hết sức để vờ như lần đầu tiên biết điều đó”.

John Doe bày tỏ rằng, ông rất ngạc nhiên với kết quả của “Hồ sơ Panama”. Những gì ICIJ đạt được là chưa từng có. Và ông vô cùng vui mừng, thậm chí tự hào vì những cải cách lớn đã diễn ra là kết quả của “Hồ sơ Panama”. Tuy nhiên, việc phát hành dữ liệu của một công ty luật sẽ khó giải quyết dứt điểm nạn tham nhũng toàn cầu chứ chưa nói đến việc thay đổi bản chất con người. Theo ông, cần đảm bảo rằng các công ty từ quần đảo Virgin (thuộc Anh), Anguilla đến Seychelles, Labuan hay Delaware có thể truy cập công khai ở mọi khu vực pháp lý… Mặc dù đã có hàng nghìn câu chuyện xung quanh “Hồ sơ Panama” đã được xuất bản từ năm 2016, song John Doe nói rằng, vẫn còn rất nhiều câu chuyện chưa kể.

Phần thưởng 5 triệu euro

Năm 2017, Cảnh sát Liên bang Đức đã nhận được hàng tấn tài liệu từ Mossack Fonseca, cũng từ một nguồn ẩn danh. John Doe nhận đó là ông. “Ngay từ đầu, tôi đã sẵn sàng làm việc với các cơ quan chính phủ vì tôi thấy khá rõ ràng là cần phải có các cuộc truy tố đối với những tội danh được mô tả trong “Hồ sơ Panama”. Hơn bất kỳ điều gì khác, Chính phủ đảm bảo với tôi rằng họ sẽ giữ an toàn cho tôi và gia đình. Nhưng thật không may, họ đã vi phạm thỏa thuận ngay sau đó khiến sự an toàn của tôi gặp rủi ro”.

Khi được hỏi: “Theo báo chí, ông đã được thưởng 5 triệu euro, tại sao ông không hài lòng với Cảnh sát Liên bang Đức?”. John Doe trả lời có 3 vấn đề lớn. “Thứ nhất, khi Cảnh sát Liên bang Đức đã có dữ liệu, về cơ bản tôi đã phải tự bảo vệ mình vì không nhận được bất kỳ hình thức bảo vệ nào. Tôi cảm thấy điều này thật không hay vì mối đe dọa đối với sự an toàn của tôi không giảm đi mà còn tăng lên. Không lâu sau, có một vụ giết người liên quan đến Tổng cục An ninh Liên bang Nga ở Berlin giữa ban ngày. Vụ án mạng có thể nhắm vào tôi. Thứ hai, chính phủ không thực sự tôn trọng thỏa thuận tài chính giữa đôi bên, điều đó có thể gây nguy hiểm cho tôi. Thứ ba, cảnh sát đã nhiều lần từ chối cơ hội phân tích thêm dữ liệu về thế giới bên ngoài “Hồ sơ Panama”. Điều này thực sự gây sốc”.

Xét một cách công tâm, “người thổi còi” cho rằng nhà chức trách đã đưa ra một số biện pháp bảo vệ nhỏ, nhưng chưa đủ bởi trường hợp của ông là loại mà chỉ cần một sai lầm là có thể dẫn đến kết quả bi thảm và không thể khắc phục được.

Không hối hận

Nhiều chuyên gia so sánh “Hồ sơ Panama” với vụ Watergate. Nguồn tin quan trọng nhất của Watergate là Phó Giám đốc FBI Mark Felt cuối cùng đã tiết lộ danh tính của mình sau 33 năm. John Doe đã nghĩ về Mark Felt cùng những rủi ro mà ông ấy phải đối mặt, nhưng tự thấy sự rủi ro của mình hơi khác. Bởi “Hồ sơ Panama” liên quan đến rất nhiều tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, một số có liên kết với các chính phủ, đến nỗi thật khó tưởng tượng nếu ông tiết lộ danh tính thì làm sao có thể đảm bảo tính mạng.

“Ông Mark Felt chủ yếu lo lắng về Tổng thống Richard Nixon, và ông Nixon đã từ chức chỉ hơn 2 năm sau vụ việc. Nhưng ngay cả trong 50 năm nữa, có khả năng một số nhóm mà tôi lo lắng vẫn sẽ tồn tại”.

Edward Snowden từng cho rằng John Doe là người tố giác thành công nhất vì đã tạo ra tác động lớn mà vẫn tự do và chưa lộ danh tính. Còn John Doe nói rằng, ông là người vô cùng may mắn khi mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp như ý muốn. Ông có thể giữ cho mình tương đối an toàn, nhưng cũng phải trả giá, đó là không thể kiểm soát vấn đề trước công chúng theo cách mà Edward Snowden đã làm. Tất nhiên, Edward Snowden phải trả giá bằng sự tự do của mình ở một mức độ nào đó vì công việc này luôn có sự đánh đổi.

Khi được hỏi: “Nếu có thể quay ngược thời gian, ông có tố giác nữa không?”. John Doe không ngần ngại trả lời: “Trong tích tắc, tôi vẫn làm. Tôi muốn nói rằng, điều quan trọng nhất là việc làm của tôi cho thấy, dù nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn và duy trì một cuộc sống tốt đẹp nhưng cần phải nỗ lực rất nhiều cùng với sự may mắn”. Nhắn nhủ với những “người thổi còi” tiềm năng, nhân vật ẩn danh này khuyên: “Nói lên sự thật về những vấn đề nhạy cảm không bao giờ là điều dễ dàng. Cho dù bạn đang nói chuyện với các nhà báo hay chính quyền, hãy suy nghĩ thật kỹ và chuẩn bị cho mọi thứ diễn ra thật bình tĩnh, chậm rãi”.

Những dấu mốc chính của “Hồ sơ Panama”

- Đầu năm 2015, một người tố cáo ẩn danh tự xưng là John Doe tiếp cận tờ Süddeutsche Zeitung và cung cấp dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ tài chính Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama.

- Ngày 4-4-2016, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) xuất bản nguồn thông tin với tên gọi “Hồ sơ Panama”.

- Vài ngày sau, cảnh sát Thụy Sĩ khám xét trụ sở của Liên minh các Hiệp hội bóng đá châu Âu (UEFA), Thủ tướng Iceland và Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha từ chức.

- Ngày 13-4-2016, Công ty luật Mossack Fonseca bị các nhà điều tra Panama đột kích.

- Tháng 6-2016, Nghị viện châu Âu thành lập một ủy ban điều tra về Hồ sơ Panama.

- Tháng 7-2017, Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) đã mua “Hồ sơ Panama”.

- Tháng 3-2018, Công ty luật Mossack Fonseca đóng cửa.