Cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất tiếp tục “tấn công” thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 1 năm sau khi Covid-19 “tấn công”, thế giới vẫn loay hoay chưa tìm ra cách đối phó, thậm chí còn rơi vào thảm cảnh tồi tệ hơn trước. Sự biến đổi khôn lường của virus, sự ích kỷ trong việc tích trữ vaccine, sự thiếu hụt các hành động phối hợp ở quy mô toàn cầu… đang đẩy thế giới vào giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất như hiện nay.
COVAX - sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu cung cấp các liều giảm giá hoặc miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp là cơ hội và giải pháp tốt nhất để đối phó với dịch Covid-19

COVAX - sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu cung cấp các liều giảm giá hoặc miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp là cơ hội và giải pháp tốt nhất để đối phó với dịch Covid-19

Bức tranh toàn cầu u ám

1 năm trước, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng cách tiếp cận toàn cầu sẽ là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng. “Con đường phía trước là đoàn kết, đoàn kết ở cấp quốc gia và đoàn kết ở cấp toàn cầu” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 4-2020.

12 tháng trôi qua và những cảnh tượng dịch bệnh tàn phá ở Ấn Độ với các bệnh viện quá tải và hàng nghìn người đang chết vì thiếu oxy... Thế nhưng, đây không phải là “điểm nóng” Covid-19 toàn cầu duy nhất. Tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phải phong tỏa toàn bộ đất nước vì tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở châu Âu. Iran chứng kiến những kỷ lục mới về số ca tử vong do Covid-19 và đối mặt với “làn sóng” dịch bệnh thứ 4. Brazil vẫn tiếp tục là nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 mỗi ngày thuộc diện cao nhất toàn cầu.

“Về tổng thể, số ca mắc Covid-19 toàn cầu trong tuần qua cao bằng tổng số ca mắc trong 5 tháng đầu tiên của dịch bệnh” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhận định. Bức tranh dịch bệnh toàn thế giới, trên thực tế, quả thực quá u ám.

Sự ích kỷ của thế giới

COVAX - sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu cung cấp các liều giảm giá hoặc miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn, vẫn là cơ hội tốt nhất mà hầu hết mọi người đều có để mua các liều vaccine có thể kiểm soát đại dịch. Nhưng sáng kiến này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của Ấn Độ, thông qua Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), để sản xuất các liều vaccine AstraZeneca vốn là nền tảng của sáng kiến COVAX. Tuy nhiên, tình hình xấu đi nhanh chóng của Ấn Độ đã khiến New Delhi ưu tiên vaccine cho công dân của họ.

“Các tập đoàn dược phẩm lớn không chỉ từ bỏ bảo hộ đối với các bằng sáng chế liên quan đến vaccine, cho phép vaccine được sản xuất rộng rãi mà còn tiến tới chuyển giao công nghệ”.

Ông Thomas Bollyky (Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu)

Tính tới đầu tháng 4-2021, trong số hơn 700 triệu liều vaccine được phân phối toàn cầu, chỉ 0,2% đến được các nước thu nhập thấp. Trong khi đó, các nước thu nhập cao và trung bình cao nắm giữ 87% số vaccine của thế giới. Nhiều nước giàu sẵn sàng tài trợ tiền bạc cho COVAX nhưng không sẵn lòng viện trợ bằng vaccine. Hiện chỉ mới có Pháp là quốc gia đầu tiên quyên góp vaccine AstraZeneca từ nguồn cung nội địa của mình cho COVAX.

“Rõ ràng các Chính phủ sẽ hành động vì lợi ích của người dân nước họ. Khi đối mặt với đại dịch, cả thế giới sẽ đều ích kỷ, mọi quốc gia đều khá ích kỷ. Ở một mức độ nào đó, việc quan tâm tới người dân nước mình trước tiên là điều có thể hiểu được” - chuyên gia về y tế toàn cầu từ Michael Head thuộc trường Đại học Southampton (Anh) nhận định.

Giải pháp toàn cầu thực sự duy nhất

Sáng kiến của WHO - Liên minh vaccine toàn cầu được gọi là GAVI và Liên minh Sáng kiến sẵn sàng đối phó dịch bệnh, COVAX - được nhận định là “giải pháp toàn cầu thực sự duy nhất” cho đại dịch bằng cách đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine Covid-19. Chương trình COVAX ban đầu đặt mục tiêu phân phát 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021, đủ để bảo vệ các nhóm cư dân có nguy cơ và dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Song tới nay, chương trình này mới chỉ phân phối 49,5 triệu liều vaccine tới 121 quốc gia, kém xa mục tiêu 100 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3 như kế hoạch ban đầu. Những khó khăn mà COVAX vấp phải là ví dụ cho thấy rào cản đối với một nỗ lực phối hợp ở quy mô toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia đều ưu tiên nhu cầu vaccine trong nước.

Ông Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu kêu gọi các tập đoàn dược phẩm lớn không chỉ từ bỏ bảo hộ đối với các bằng sáng chế liên quan đến vaccine, cho phép vaccine được sản xuất rộng rãi mà còn tiến tới chuyển giao công nghệ. “Vaccine rất khác, việc sản xuất nó thực sự là cả một quy trình sinh học. Rất khó để mở rộng sản xuất ngay cả với công ty gốc, đừng nói đến các nhà sản xuất khác tìm cách học theo nếu không có sự trợ giúp. Việc sản xuất đòi hỏi nhiều thông tin hơn là chỉ vấn đề bằng sáng chế” - Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu - ông Thomas Bollyky khẳng định.