Cuộc “hôn phối” khổng lồ

ANTĐ - Từng là đối thủ của nhau, hai Hãng hàng không American Airlines và US Airways đã sáp nhập thành hãng hàng không lớn nhất thế giới nhằm tăng cường sức mạnh vượt qua giai đoạn bĩ cực của ngành hàng không toàn cầu hiện nay.

Chủ tịch US Airways Doug Parker (trái) và Chủ tịch American Airlines Tom Horton (phải)

họp báo thông báo về vụ sáp nhập 2 hãng hàng không

Trong thông báo ngày 14-2, Hãng hàng không dân dụng American Airlines thông báo đã ký thỏa thuận sáp nhập với đối thủ cạnh tranh US Airways, hãng hàng không lớn thứ 5 của Mỹ. Ông Thomas Horton, Tổng Giám đốc điều hành American Airlines, cho biết thỏa thuận này đạt được trong cuộc thương lượng vào phút chót đêm 13-2 giữa đại diện của hai hãng với các chủ nợ của American Airlines. 

Theo thỏa thuận, hãng hàng không mới vẫn mang tên  American Airlines, nhưng ê kíp quản lý là của US Airways do Tổng Giám đốc điều hành Doug Parker đảm nhận. Với việc nắm giữ tới 72% cổ phần trong công ty mới sáp nhập, các chủ nợ của American Airlines sẽ nắm vai trò chi phối và có 5 ghế trong Hội đồng Giám đốc, 4 ghế cho US Airways và 3 ghế cho American Airlines. 

Nếu được các cơ quan chức năng và Tòa án phá sản Mỹ chấp thuận, hãng hàng không mới hình thành trên cơ sở sáp nhập American Airlines - US Airways sẽ có tổng doanh thu mỗi năm khoảng 39 tỷ USD, vượt qua United Continental với 37 tỷ USD, trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới về cả doanh thu và quy mô hoạt động. Hãng hàng không mới này sẽ có khoảng 94.000 nhân viên, hơn 900 máy bay các loại với hơn 6.700 chuyến bay mỗi ngày tới 336 sân bay tại 56 quốc gia. 

Cuộc “hôn phối” American Airlines - US Airways là vụ sáp nhập mới nhất trong ngành công nghiệp hàng không Mỹ trong thập kỷ qua. Trước đó, Delta Airlines đã sáp nhập với Northwest và Continental sáp nhập với United Continental trong cùng năm 2010; Southwest Airlines cũng đã mua lại AirTran Holdings năm 2011. Sau vụ sáp nhập American Airlines với US Airways, tại thị trường hàng không lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ chỉ còn 4 hãng lớn cạnh tranh với nhau gồm American Airlines, Delta Airlines, United Continental và Southwest Airlines. 

Việc American Airlines sáp nhập với US Airways diễn ra sau khi American Airlines gặp vô vàn khó khăn kể từ cuộc “đại khủng hoảng” của hàng không Mỹ sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 khiến hãng này thua lỗ tới 500 triệu USD/năm suốt từ đó đến nay. Thêm “đòn” khủng hoảng kinh tế và trong khi giá nhiên liệu tăng cao đã buộc American Airlines phải nộp đơn xin phá sản tháng 11-2011 với khoản nợ lên tới gần 30 tỷ USD.

Khó khăn mà American Airlines hay ngành hàng không Mỹ đang phải đối mặt cũng là khó khăn chung của hàng không toàn cầu khi mà giá nhiên liệu tăng cao đã khiến chi phí xăng dầu chiếm tới 1/3 chi phí kinh doanh của các hãng hàng không trong khi lượng hành khách lại sụt giảm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cơn bĩ cực của hàng không toàn cầu đang dần qua đi và sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2016 với khoảng 3,6 tỷ lượt hành khách/năm (năm 2012 khoảng gần 3 tỷ lượt hành khách). Vụ sáp nhập sẽ giúp American Airlines và US Airways chống chọi tốt hơn với thời buổi khó khăn hiện nay để chờ thời cơ trong tương lai.