Cuộc hội ngộ trên mảnh đất lịch sử

ANTĐ - Chuyến đi về nguồn của 105 CBCS làm công tác thi đua khen thưởng CATP Hà Nội tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên vào đúng dịp kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã thực sự là một cuộc hội ngộ nhiều ý nghĩa.

Phần lớn các thành viên trong đoàn đều lần đầu tiên đến với mảnh đất lịch sử, có những đồng chí còn rất trẻ nhưng cũng có những đồng chí đã gần đến tuổi nghỉ hưu. Thành viên trẻ nhất đoàn, Nguyễn Thị Kiều Trang, sinh năm 1992, cán bộ Trại tạm giam số 1 Hà Nội dù là người Sơn La, nhưng cũng là lần đầu tiên chị đến Điện Biên. Tận mắt chứng kiến nơi các thế hệ cha anh đi trước đã từng chiến đấu, được đến các địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, những địa danh chấn động địa cầu như: đồi A1, hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng..., Trang xúc động chia sẻ với chúng tôi: Lịch sử học qua sách vở suốt những năm đi học không thể bằng 1 phút em được chứng kiến những hình ảnh ở những địa danh này. Đến những nơi đây em càng thấu hiểu thêm về lòng yêu nước của thế hệ cha anh, điều mà những người trẻ như chúng em hôm nay đang cần phải bồi đắp. 

Trung sỹ Dương Tuấn Dũng, cán bộ đội Chính trị - Hậu cần CAQ Hà Đông chia sẻ với chúng tôi: Em sinh năm 1992, khi đến nghĩa trang liệt sỹ đồi Độc Lập thắp một nén nhang cho những người đã nằm xuống lại thấy mình phải có trách nhiệm hơn với đất nước. Hơn 2.000 tấm bia mộ trong nghĩa trang này nhưng chỉ có 100 ngôi có tên, không ai biết tên tuổi họ, có khi họ ngã xuống chỉ ở lứa tuổi của em ngày hôm nay. Tuổi trẻ của họ đã cống hiến cho đất nước, cho mùa xuân yên bình của dân tộc, còn chúng em hôm nay, vẫn chưa làm được gì nhiều cho Tổ quốc mình mà ở đâu đó, vẫn còn có một bộ phận thanh niên ích kỷ, gian khổ dành cho người khác. 

Chuyến đi ý nghĩa này không chỉ là dịp để  những CBCS của thế hệ hôm nay cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của cả dân tộc. Mục đích lớn khác của chuyến đi là đền ơn đáp nghĩa tri ân lớn với những nơi mình đến.

Trong chuyến đi này, đoàn công tác cũng đã đến với các cháu học sinh của trường tiểu học nội trú mang tên liệt sĩ Hoàng Văn Nô và những gia đình cán bộ Công an tỉnh Điện Biên còn gặp khó khăn. Trường tiểu học Hoàng Văn Nô xã Tà Lèng, TP Điện Biên nằm cách trung tâm thành phố không xa, được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ban đầu đây là trường Tiểu học xã Tà Lèng, nhưng trong xã có cao điểm 44 nơi chứng kiến sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Nô trong trận đấu khai màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nên trường đã mang tên người anh hùng. Khó khăn nhất của thầy cô giáo ở đây là học sinh không được đến trường vì hoàn cảnh quá khó khăn. Nhiều em rất thích đi học chỉ vì bữa cơm đỡ kham khổ hơn nhà, nhưng vì không có người kiếm ra tiền nên nhiều bạn bố mẹ không cho đi học. Ven những con đường vào di tích Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, chúng tôi gặp những đoàn trẻ con, người nhỏ thó, miệng vanh vách như những hướng dẫn viên du lịch chính hiệu. Không phải ngày nghỉ mà đội quân ở đây lên tới vài chục em, trong khi ở trường tiểu học Hoàng Văn Nô, chúng tôi chứng kiến lớp 5A chỉ vỏn vẹn có 6 học sinh, đủ biết, vì sao khó vận động gia đình cho các em đến trường. 

Tạm biệt những cung đường Tây Bắc, tạm biệt những địa danh đã đi vào lịch sử, các CBCS làm công tác thi đua khen thưởng của CATP Hà Nội lại trở về với nhịp sống hàng ngày, nhưng ấn tượng sâu đậm về một chuyến đi đầy ý nghĩa chắc chắn sẽ còn mãi.