Cuộc gọi rác “lách luật”, gắn định danh quấy nhiễu người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thay vì các cuộc gọi không xác định người gọi, chỉ có số điện thoại, các cuộc gọi quảng cáo hiện tại đã gắn mác định danh nhưng với tên gọi rất lạ và vẫn quấy nhiễu người dùng.
Cuộc gọi rác gắn định danh tiếp tục "dội bom" người dùng

Cuộc gọi rác gắn định danh tiếp tục "dội bom" người dùng

Cuộc gọi rác bất ngờ "thay áo”

Chị Thanh Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, “cuộc gọi rác” có dấu hiệu gia tăng dịp cuối năm và còn gây khó chịu hơn trước đây. “Trước đây, cuộc gọi rác thường chỉ hiện số lạ, người dùng muốn nghe thì nghe, không thì tắt máy rồi chặn đặc biệt với các đầu số mới nhưng giờ đây, cuộc gọi rác, vẫn nội dung đòi nợ, mời đầu tư, bảo hiểm… như trước đây lại được “nâng cấp” hơn, gắn thêm định danh. Người dùng nghe xong càng bức xúc”- chị Thanh Hương cho biết.

Lấy ví dụ, chị Thanh Hương cho biết, thuê bao Viettel của chị Hương nhận được cuộc gọi từ đầu số có định danh là “YDK”, kèm theo đó là đầu số Việt Nam: +84965612391. Thấy cuộc gọi không phải từ đất nước xa lạ nào đó nên chị Thanh Hương nghe. Kết quả là cuộc gọi này mời đầu tư chứng khoán. Đáng chú ý, thuê bao của chị Thanh Hương đã đăng ký thành công vào danh sách không nhận quảng cáo.

Cùng bức xúc này, chị Hà Linh (Hoàn Kiếm- Hà Nội) cho hay: “Có ngày tôi nhận được 3-4 cuộc gọi đều có định danh, cuộc thì gắn mác Call Center, cuộc thì gắn mác khác, rất bực bội. Nội dung cuộc gọi lúc thì mời mua bảo hiểm, lúc mời đầu tư chứng khoán quốc tế… Thậm chí, có lúc tôi thẳng thắn trả lời: mình đang thua lỗ chứng khoán, không đầu tư nữa, không cần tư vấn mà bên kia vẫn tiếp tục thuyết phục rằng đầu tư này khác, sẽ sinh lời, xin phép gửi tài liệu và tư vấn qua zalo…”.

Không chỉ tư vấn, mời chào đầu tư, nhiều người dùng điện thoại than thở vẫn tiếp tục nhận được cuộc gọi đòi nợ, báo vi phạm giao thông, dọa cắt thuê bao di động… Những người đã hiểu đây thực chất là cuộc gọi lừa đảo thì thấy bực bội, còn người chưa biết thì lo lắng, làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.

“Cuộc gọi rác” đang “lách luật”!

Khoản 2, Điều 13, Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo.

Theo đó, quy định đầu tiên là các cuộc gọi quảng cáo không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo hoặc Người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít thuê bao trong danh sách không quảng cáo vẫn nhận được cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, cuộc gọi rác.

Cũng theo quy định tại điều này, “chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo”.

Thực hiện quy định này, các cuộc gọi có định danh như trên xuất hiện. Tuy nhiên, quy định pháp luật không nêu rõ tên định danh phải dễ hiểu, dễ đọc, phải thể hiện được 1 phần nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà được hiểu đơn giản là tên viết bằng chữ thay cho số điện thoại đơn thuần nên những tên định danh “giời ơi đất hỡi”, “đánh đố” người dùng như: YDK hay Call Center… ra đời.

Các cuộc gọi này đã được “đặt tên” theo quy định của Nghị định 91 nhưng không mang lại tác dụng ngăn chặn hay chọn lọc để nghe trả lời nào đối với người dùng. Nói cách khác, cuộc gọi rác giờ được “nâng cấp” và tiếp tục lộng hành, gia tăng về tần suất.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), để tiếp nhận phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác, năm 2020, Bộ TT-TT đã triển khai đầu số 5656. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng đài đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh, trong đó: Số lượt phản ánh tin nhắn rác: tiếp nhận 25.476 lượt phản ánh (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021);

Số lượt phản ánh cuộc gọi rác: 177.473 (tăng 34,2%) trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Điều này cho thấy cuộc gọi rác vẫn là “vấn nạn”của xã hội.

Để tiếp tục ngăn chặn cuộc gọi rác, từ đầu tháng 11-2022, Bộ TT-TT tiếp tục triển khai đầu số 156 để tiếp nhận phản ánh từ người dùng. Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai hình thức: Gửi Tin nhắn hoặc Gọi điện tới đầu số 156.

Cụ thể:

– Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 trong đó:

+ Với tin nhắn rác soạn tin: S (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

+ Với cuộc gọi cuộc gọi rác soạn tin: V (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656)

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo soạn tin: LD (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656).

– Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn cước) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan;…) theo hướng dẫn của bộ phận tiếp nhận phản ánh.