Cuộc gặp Nhật - Trung - Hàn: "Thực đơn khó nhằn"

ANTD.VN - Ngoại trưởng ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có cuộc gặp được trông đợi tại Thủ đô Tokyo của Nhật với một chương trình nghị sự dày đặc các vấn đề nóng bỏng, khó khăn.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong Hội nghị ASEAN ở Myanmar

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc ăn tối ngày 23-8 để chuẩn bị cho cuộc gặp chính thức ngày hôm nay, 24-8 tại Tokyo với những “thực đơn” được dự báo là rất “khó nhằn”. Cuộc gặp này lẽ ra  không diễn ra song đã được quyết định vào phút chót trong bối cảnh có hàng loạt căng thẳng song phương và đa phương tại Đông Bắc Á.

Thông cáo Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Nhật Bản chỉ nói chung chung rằng, ba Ngoại trưởng sẽ trao đổi “các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm”, song vấn đề hiện đang được cả ba cường quốc khu vực này quan tâm bậc nhất hiện nay là việc CHDCND Triều Tiên liên tục có những động thái được cho là gây căng thẳng ở Đông Bắc Á, đó là thử tên lửa đạn đạo dưới danh nghĩa phóng vệ tinh và thử vũ khí hạt nhân.

Chỉ tính từ đầu năm tới nay, Hội đồng bảo an LHQ đã 6 lần ra tuyên bố lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo và tầm trung của Triều Tiên, bởi những vụ việc gây căng thẳng này vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của cơ quan quyền lực này của LHQ. Trong đó, Triều Tiên đã gây xôn xao dư luận khi lần đầu tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ngày 9-7 vừa qua và ngay sau đó là liên tiếp 3 vụ thử tên lửa khác.

Những vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên diễn ra sau vụ thử bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) gây chấn động cả thế giới hồi đầu tháng 1 năm 2016 này. Là quốc gia trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc rất muốn gây sức ép thật mạnh để Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn được xem như là “ngòi nổ” nguy hiểm có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Đông Bắc Á, ngược lại Trung Quốc lại luôn tìm cách giảm thiểu áp lực cũng như sự trừng phạt quốc tế với Triều Tiên.

Mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã dẫn tới quyết định của Seoul về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc lại phản đối quyết liệt với lý do điều này sẽ đảo lộn cán cân quân sự, gây mất an ninh ở Đông Bắc Á.

Khó khăn không kém là tranh chấp cùng căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.

Có thông tin cuộc gặp giữa ba Ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc - cuộc gặp ba bên chính thức cấp Ngoại trưởng đầu tiên trong 5 năm qua đã suýt đổ vỡ vào phút chót do ông Vương Nghị định hoãn chuyến đi tới Tokyo mà nguyên nhân là do vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ông Vương Nghị, người từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ 2004-2007, cuối cùng cũng đã đến Tokyo trong chuyến công du Nhật Bản đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền.

Khó khăn ban đầu này đã cho thấy cuộc gặp ba Ngoại trưởng Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ba bên có thể diễn ra vào cuối năm nay, khó có thể tìm được tiếng nói chung trong hàng loạt vấn đề căng thẳng.