Cuộc đua vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong cuộc đua về vaccine Covid-19, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã công bố nhiều thỏa thuận mua các vaccine tiềm năng trên thế giới nhằm chống chọi với đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất trong khu vực. Dưới đây là phác họa về chiến lược phân bổ tài chính và phân phối vaccine Covid-19 tại khu vực hơn 650 triệu dân.

Gần một năm xảy ra đại dịch Covid-19, các quốc gia Đông Nam Á đã đa dạng hóa chiến lược để có được vaccine phòng bệnh

Gần một năm xảy ra đại dịch Covid-19, các quốc gia Đông Nam Á đã đa dạng hóa chiến lược để

có được vaccine phòng bệnh

Việt Nam: Đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine tự chế

Chiến lược của Việt Nam là vừa nghiên cứu phát triển vaccine, vừa làm việc với các nhà cung cấp để triển khai khi vaccine hoàn thành việc bào chế và cấp phép. Theo đó, Việt Nam đang đàm phán với Pfizer và các nhà sản xuất thuốc khác ở Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga về vaccine Covid-19. Trong khi đó, ngày 10-12-2020, Công ty CP Công nghệ sinh học dược của Việt Nam bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu vaccine Covid-19. Nanocovax, sẽ được sản xuất vào năm 2022 nếu các thử nghiệm thành công. Hai nhà sản xuất vaccine khác của Việt Nam cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người vào tháng 2 và tháng 3-2021.

Indonesia: Nhận lô hàng đầu tiên vào tháng 12-2020

Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á nhận được vaccine Covid-19. Đó là 1,2 triệu liều vaccine từ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc vào đầu tháng 12-2020, với 1,8 triệu liều khác sẽ được chuyển đến vào tháng tới. Cơ quan quản lý dược phẩm nước này đang kiểm tra vaccine để cấp phép sử dụng khẩn cấp càng sớm càng tốt, sau đó sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, cảnh sát và binh sĩ.

Về chiến lược, Indonesia cần khoảng 246 triệu liều để tiêm chủng cho 107 triệu người từ 18 đến 59 tuổi. Quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới đã đặt hàng 125,5 triệu liều từ Sinovac của Trung Quốc và 30 triệu liều từ Novavax Inc. của Mỹ, trong khi phát triển 57,6 triệu liều vaccine thương hiệu Merah Putih của riêng mình. Họ đang tìm kiếm 16 triệu liều khác từ cơ chế vaccine toàn cầu GAVI, đồng thời đàm phán với AstraZeneca Plc và Pfizer Inc. để có thể mua 100 triệu liều.

Indonesia cũng đã có kế hoạch tiêm vaccine cho 16 triệu người mỗi tháng và Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính phân bổ lại chi tiêu cho các vấn đề khác hướng tới việc tiêm vaccine miễn phí. Ông cũng tuyên bố tiên phong tiêm chủng để chứng tỏ độ an toàn của vaccine.

Philippines: Rút quy trình phê duyệt vaccine

Philippines muốn có ít nhất 50 triệu liều vaccine vào năm tới để tiêm cho khoảng 1/4 dân số, lịch trình dự kiến diễn ra vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez cho biết, Philippines đang nhắm đến nguồn tài chính mua vaccine 73,2 tỷ peso (1,5 tỷ USD) từ các tổ chức đa phương, ngân hàng, công ty nhà nước và các nguồn song phương.

Về mốc thời gian, quý I-2021, Philippines sẽ có vaccine Sinovac (Trung Quốc), Sputnik V (Nga) và tháng 5-2021, họ có thể nhận được 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca của Mỹ với trị giá 17 triệu USD. Theo chuyên gia vaccine Carlito Galvez, Philippines đã thông báo cho nhà sản xuất Trung Quốc rằng họ cần 25 triệu liều cho năm 2021. Sinovac cam kết sẽ giao hàng trong vòng 60 ngày sau sau khi thỏa thuận được ký kết. Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho cơ quan chức năng rút ngắn quy trình phê duyệt các vaccine đã có chứng nhận từ 6 tháng xuống còn 3 tuần.

Malaysia: Lên kế hoạch tiêm phòng cho 70% dân số

Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết, Malaysia có kế hoạch cung cấp vaccine cho 70% dân số, bao gồm vaccine tự chế Covax dự trù cấp cho 10% dân số, còn lại là từ 10 công ty có vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Trong tháng 12 này, Malaysia sẽ thử nghiệm một loại vaccine Covid-19 giai đoạn 3 đầu tiên theo như thỏa thuận giữa chính phủ với Trung Quốc được ký vào tháng 10 để được ưu tiên tiếp cận vaccine Covid-19 mà Trung Quốc phát triển. Trong khi đó, theo Thủ tướng Muhyiddin, Pfizer sẽ cấp cho Malaysia 1 triệu liều trong quý đầu tiên của năm 2021, 1,7 triệu liều trong quý II-2021, 5,8 triệu trong quý III và 4,3 triệu liều trong 3 tháng cuối năm. Tổng số 6,4 triệu người sẽ được tiêm phòng bằng vaccine này.

Singapore: Tiêm chủng toàn dân vào cuối năm 2021

Ngày 14-12, Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và cho biết dự kiến sẽ bắt đầu tiêm vaccine vào cuối năm nay. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, 68 tuổi, cho biết, ông sẽ là một trong những người sớm nhận được vaccine ở thành phố 5,7 triệu dân, nơi có tỷ lệ tử vong thấp nhất trên toàn cầu do virus SARS-CoV-2.

Quốc đảo Singapore đã dành khoảng 750 triệu USD cho vaccine Covid-19, khai thác các công ty như Arcturus Therapeutics Holdings Inc., Moderna Inc., Pfizer và Sinovac. Là nước có lợi thế là giàu có so với các quốc gia Đông Nam Á khác, Singapore ước tính sẽ có đủ vaccine cho dân số của họ vào quý III-2021 và sẽ có thể tiêm chủng cho toàn bộ công dân vào cuối năm sau.

Như nhiều nước khác, đối tượng được ưu tiên tiêm chủng ở Singapore là những người có nguy cơ cao do tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, người già và người dễ bị tổn thương… Chương trình tiêm chủng hướng đến toàn bộ dân số trưởng thành, nhưng điều này cũng vẫn trên cơ sở tự nguyện.

Thái Lan: Chuyển giao công nghệ để xuất khẩu vaccine

Thái Lan muốn 50% dân số được tiêm chủng vào năm tới. Theo kế hoạch, họ có thể nhận được 26 triệu liều từ chương trình Covax do Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ, 26 triệu liều từ AstraZeneca của Mỹ và 13 triệu liều khác từ các nguồn khác, cung cấp khả năng miễn dịch cho hơn 30 triệu người. Không muốn chỉ dựa vào việc tiêm chủng từ nước ngoài, Thái Lan cũng đang phát triển vaccine của riêng mình. Dự án nghiên cứu vaccine mRNA sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào tháng 4 và giai đoạn 2 vào tháng 6. Các loại vaccine này có thể đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021 sau khi nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp.

Trong đó, Thái Lan đã có một thỏa thuận trước với AstraZeneca để có thể nhận được liều vaccine đầu tiên vào giữa năm 2021. Theo thỏa thuận với AstraZeneca, Siam Bioscience sẽ sản xuất vaccine tại các cơ sở của mình và chuyển giao công nghệ. Thái Lan sẽ cung cấp vaccine Covid-19 với “giá cả hợp lý” cho Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam khi đi vào sản xuất.