Cuộc đua phát triển máy bay tàng hình như một canh bạc lớn

ANTĐ - Hiện nay, ngoài Mỹ đã sở hữu nhiều máy bay tàng hình như F-22, F-35, B-2, rất nhiều nước đang cố gắng phát triển máy bay tàng hình nhằm giành ưu thế trên không trước đối phương.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là trong tương lai gần, máy bay tàng hình có thực sự uy lực và cần thiết như người ta vẫn nghĩ?
Giá thành, bài học từ Australia

Ngay từ năm 2002, Australia quyết định tham gia vào dự án phát triển máy bay F-35 của Mỹ nhằm giành được quyền sớm sở hữu loại máy bay được quảng cáo vô cùng ưu việt này thay thế cho các máy bay F-111 và F/A-18 đang có trong biên chế.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia khi đó là ông Robert Hill, máy bay F-35 sẽ đảm bảo ưu thế không quân trong khu vực của Australia ít nhất đến năm 2030.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2011, Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại Stephen Smith đã từ chối xác nhận kế hoạch trước đó của Australia mua 100 máy bay F-35 với giá 16 tỷ USD. Thay vào đó, ông này cho biết Australia có thể chỉ mua 14 chiếc máy bay loại này với giá 228,6 triệu USD/chiếc.

Quá trình phát triển của máy bay F-35 đã gặp rất nhiều trở ngại khiến giá thành của chiếc máy bay này ngày một đội lên cao, làm nản lòng những quốc gia có nhu cầu.

Quá trình phát triển của máy bay F-35 đã gặp rất nhiều trở ngại khiến giá thành của chiếc máy bay này ngày một đội lên cao, làm nản lòng những quốc gia có nhu cầu.

Việc Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc dù là thị trường truyền thống của Mỹ đều thông báo sẽ xem xét lại kế hoạch mua F-35 khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi cho “sự ưu việt tuyệt đối” của loại máy bay này.
Hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng đều thừa nhận khả năng tàng hình của máy bay F-35 giúp loại máy bay này chiếm nhiều lợi thế so với các máy bay của Nga và Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu. Nhưng vào thời điểm này, không ít người đã đặt ra câu hỏi: Liệu số tiền họ bỏ ra cho tính năng “tàng hình” được quảng cáo có xứng đáng.

Thật sự tàng hình trước radar?

Trong chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất năm 1991, đã có báo cáo cho thấy một số radar hải quân sử dụng ước sóng dài có thể phát hiện và theo dõi các máy bay tàng hình F-117A của Mỹ.
Tuy nhiên, những báo cáo này hầu như không được dư luận chú ý cho đến khi chiếc F-117 đầu tiên của Mỹ bị bắn hạ bởi quân đội Serbia trong chiến tranh Kosovo.
Quân đội Serbia đã dùng radar P-18 1RL131 Spoon Rest D băng sóng VHF và hệ thống tên lửa 40 năm tuổi S-125M Neva (NATO đặt tên là SA-3 Goa) để lập nên kỳ tích này.
Sau đó, rất nhiều nước đã khẳng định họ có trong tay loại radar với khả năng phát hiện máy bay tàng hình. Trong đó phải kể đến hệ thống Kolchuga-M của Ukraina và Tamara của Séc.
Hệ thống Kolchuga-M được thiết kế và sản xuất tại Donetsk là loại radar thụ động đã được công nhận về chất lượng tuyệt hảo trên thế giới với khả năng phát hiện, định vị, nhận dạng hầu hết các loại sóng điện từ bằng hệ thống cảm biến ưu việt.

Đài radar thụ động Kolchuga của Ukraina sản xuất.

Đài radar thụ động Kolchuga của Ukraina sản xuất.


Tuy nhiên, Kolchuga vẫn chưa phải sản phẩm hoàn hảo vì nếu máy bay tàng hình không phát tín hiệu liên lạc, khả năng này của Kolchuga cũng vô hiệu. Dù vậy, radar Kolchuga vẫn được bán rất chạy trên thị trường thế giới với các khách hàng chủ yếu như Turkmenistan, Trung Quốc, Việt Nam...

Một đối thủ xứng tầm khác của Kolchuga là radar Tamara của cộng hòa Séc. Loại radar này có khả năng phát hiện các mục tiêu bay cách xa 450 km và theo dõi cả các loại máy bay, tên lửa tàng hình. Nhà sản xuất Tamara là Tesla đã bán được 23 hệ thống loại này cho các nước thuộc khối Liên Xô cũ và đồng minh.
Một trong những hệ thống Tamara này đã đến được tay người Mỹ qua ngả Oman, qua đó, phục vụ các thử nghiệm của Mỹ để phát triển kỹ thuật tàng hình tiên tiến hơn.

Radar Tamara-M đã bị Trung Quốc sao chép thành biến thể radar YLC-20 nội địa
Radar Tamara-M đã bị Trung Quốc sao chép thành biến thể radar YLC-20 nội địa

Ngoài Tamara, Tesla cũng đã giới thiệu và bán biến thể nâng cấp của loại radar này có tên Tamara-M (sau đó đã bị Trung Quốc sao chép thành radar YLC-20 nội địa), radar Vera-E xuất khẩu cho Estonia, Malaysia và Pakistan (Vera-E cũng đã đến được tay Mỹ qua ngả này). Năm 2004, dưới áp lực của Mỹ, Séc cũng đã hủy bỏ một hợp đồng cung cấp 6 hệ thống Vera-E cho Trung Quốc.

Trinh sát hồng ngoại, vô hiệu hóa tàng hình

Dù các radar trên máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc hiện nay đều chưa được công bố có khả năng ứng phó với máy bay tàng hình nhưng chúng hoàn toàn có thể nhận tín hiệu về vị trí và hướng bay của máy bay tàng hình từ các đài radar mặt đất. Khi đó, bằng các phương tiện trinh sát bổ sung khác, máy bay đối phương có thể hạ gục máy bay tàng hình một cách dễ dàng.
Giả sử những chiếc máy bay tàng hình hiện đại nhất có thể hấp thụ hoàn toàn sóng radar, tuy nhiên với tín hiệu ở băng sóng hồng ngoại phát đi từ động cơ, ma sát thân máy bay với không khí khi bay siêu âm thì khó có thể che giấu được.
Trong môi trường không khí loãng ở độ cao lớn, tín hiệu hồng ngoại của các máy bay tàng hình có thể bị phát hiện ở khoảng cách hàng trăm kilomet. Tín hiệu hồng ngoại này có thể bị phát hiện, theo dõi, nhận dạng bởi các thiết bị trinh sát hồng ngoại từ cự ly đủ xa để tấn công bằng các tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung.

Ví dụ thiết bị IRST (Infrared search and track - Tìm kiếm, theo dõi mục tiêu bằng tín hiệu hồng ngoại) trang bị trên máy bay thế hệ 4,5 MiG-35 được trang bị hệ thống phát hiện mục tiêu bằng quang học (OLS - Optical Locator System) phát triển bởi NIIP.
Thiết bị này có khả năng phát hiện một chiếc MiG-29 từ đằng sau ở khoảng cách 45 km và 15 km khi bay đối đầu. Nếu mục tiêu bay đốt nhiên liệu lần hai, nó có thể bị phát hiện ở khoảng cách 90 km. Trong điều kiện ban ngày trời trong, hệ thống này có thể phát hiện máy bay địch ở khoảng cách 200 km.

OLS-35 trang bị trên máy bay Su-35 thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Hệ thống này có thể phát hiện được máy bay tàng hình F-22 Raptor ở khoảng cách tới 100 km.
Hiện tại, Nga đang hoàn thiện hệ thống OLS-50M mạnh mẽ hơn để trang bị cho các máy bay thế hệ thứ 5 PAK FA của nước này.

Hệ thống trinh sát hồng ngoại OLS trên mũi máy bay Mig-35 có thể phát hiện máy bay địch ở khoảng cách tới 200 km trong điều kiện tối ưu
Hệ thống trinh sát hồng ngoại OLS trên mũi máy bay Mig-35 có thể phát hiện máy bay địch ở khoảng cách tới 200 km trong điều kiện tối ưu

Hiện nay, có vẻ như năng lực xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương mà không bị phát hiện của máy bay tàng hình đang ngày một bị thách thức bởi sự ra đời của các hệ thống phòng không hiện đại. Do đó, việc tự phát triển hay đặt mua máy bay tàng hình với giá cắt cổ của nhiều nước như hiện nay được ví như đổ tiền vào một canh bạc lớn.

An Thái (theo Armada International)