Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn:

Cuộc đời vẫn còn có hoa hồng

ANTĐ - Ngôi nhà của tác giả tiểu thuyết "Luật đời và cha con" nằm khuất trong con ngõ kề bên hông chợ Bưởi, cửa chính hướng ra mặt ngõ, nhưng từ lâu, nhà văn cho rào kín lại bằng đủ các loại cây cảnh, rồi trổ ngõ nhỏ, đi lối sau. Tôi thắc mắc về cái sự ngược đời này, ông cười giải thích, rằng cả ngày xe cộ rầm rập qua lại, trong khi ông chỉ muốn yên tĩnh để ngẫm ngợi và viết.

“Gã Tép riu” - cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản

Chẳng nghiện cái gì

Ông hỏi tôi có uống được cà phê không rồi tự tay đun nước, trút cà phê vào một chiếc phin pha nhỏ nhắn, xinh xắn. Vừa pha, ông vừa chuyện trò, rằng cái thức uống này ông chỉ dành mời khách, bạn văn đến chơi chứ ông tuyệt nhiên không hợp với những thứ đó, rượu không, bia không, thuốc lá lại càng không… Câu chuyện của ông khiến tôi hơi ngạc nhiên, tôi phải hỏi lại, rằng chẳng nhẽ, những lúc la đà chuyện trò cùng bạn văn chương, ông cũng có thể nói không với sự mời mọc nhiệt tình của mọi người sao? Ông cười, và hỏi lại, thế chẳng nhẽ, cứ bạn văn gặp nhau thì phải có rượu, bia mới ra chuyện sao. Rồi nhà văn Nguyễn Bắc Sơn kể, cái thời còn mồ ma nhà văn Hòa Vang, Hòa Vang cũng đã từng hỏi ông vậy, và ông tự tin khẳng định, kể cả uống nước lọc ông cũng đủ sức để đấu hót, để say chuyện cả ngày, chứ không cần mượn hơi men. Có lẽ, cái sự chỉn chu của một nhà giáo đã từ lâu ngấm vào máu ông. Suốt cả thời trai trẻ, ông theo nghề giáo, đi bộ đội, rồi có đến 10 năm đảm nhận cương vị Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, rồi đùng một cái, ông chuyển sang chịu trách nhiệm cả một mảng quan trọng của Sở Văn hóa Thông tin là quản lý báo chí xuất bản và bản quyền.

Đó là quãng thời gian bận rộn nhất của cuộc đời ông. Và hơn 10 năm đó như một cuộc đi thực tế dài ngày, đó cũng là khoảng thời gian ông chứng kiến (và chịu) nhiều va đập, để rồi sau này, khi về nghỉ chế độ, có thời gian suy ngẫm lại, từ đó cho ra đời những cuốn tiểu thuyết gây rúng động làng văn một thời như "Luật đời và cha con", sau này được chuyển thể thành 26 tập phim truyền hình, tạo nên "hiện tượng" trên màn ảnh, được khán giả bình chọn là phim truyền hình hay nhất trong năm. Rồi tiếp nối là tiểu thuyết “Lửa đắng” lại là những vấn đề xung quanh cơ chế, thể chế, đang được thảo luận, góp ý đều được nhà văn thể hiện khéo léo và có chừng mực. Nhà văn Ma Văn Kháng từng khen, “chương 1 “Lửa đắng”, là những trang văn đạt đến độ chuẩn, nó gieo điệu nhạc cho cả cuốn. Nó chuẩn bị hành trình dằng dặc cho các nhân vật, sự kiện”. Ông còn dùng từ “bách khoa thư” chỉ vốn sống của tác giả từ quái kiệt chỉ khả năng mổ xẻ, phanh phui mặt trái xã hội, dùng từ “linh diệu” để mô tả những tình tiết nhạy cảm khó nói trong quan hệ sống với vợ và người bạn gái vô cùng thân thiết. 

Còn Trần Đăng Khoa thì viết: “Sức mạnh của tác giả nằm ở khả năng tinh nhạy, nắm bắt những vấn đề thời sự nóng hổi, đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. Người đọc có thể nhận ra, trong đội ngũ nhân vật của ông, bóng dáng số phận của những con người có thật ngoài đời. Cuộc sống và trang sách nhiều khi không còn khoảng cách”.  Có lẽ thế chăng mà tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn thường có sức hấp dẫn riêng, mê hoặc người đọc bởi mạch truyện, bởi tính đời, không màu mỡ riêu cua, không phấn son núp sau những ngôn từ bóng bẩy.

“Gã tép riu” kể chuyện đời

“Gã tép riu” là cuốn tiểu thuyết mới nhất vừa được xuất bản của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang mà chỉ có 3 nhân vật chính có tên, đó là câu chuyện của một người đàn ông và hai người đàn bà. Diệu Thủy, vợ của Xuân Tùng, nhờ những mánh mung rất đàn bà, nhờ sắc đẹp, nước mắt mà đạt được địa vị cao trong xã hội, trong khi bằng cấp, học vấn chẳng có gì. Năng lực thực sự của Thủy  chỉ là một vài mẹo vặt. Xuân Tùng, một nhà báo có năng lực, được mời về làm trưởng phòng báo chí- xuất bản của một sở. Thông minh, có học thức, tính tình cương trực, trên cương vị đó, anh đã nhiều lần lên tiếng, chống lại những thứ phù phiếm, những thứ đi ngược lại với quy luật, mà “đối thủ” trực tiếp của anh lại chính là vợ anh - người phụ nữ mờ mắt vì quyền lực, bất chấp thủ đoạn để đạt được những toan tính cá nhân. Người phụ nữ thứ 2 của đời Tùng là Dự, nguyên là học sinh chuyên văn, trượt đại học, cuộc đời xô đẩy vào nghề mại dâm. Duyên phận như đùa cợt khi Tùng lại đem lòng yêu Dự...

 Nhà văn đã dựng lên một “Gã Tép riu” với chất liệu có thật, được dệt nên từ chính sự kiện diễn ra trong cuộc đời công chức của ông. Ông viết “Gã Tép riu”, chỉ chừng 7 tháng, vì dòng văn cứ tuôn ra đầu ngòi bút, cứ ngồi vào bàn, ông viết như “lên đồng”. Viết thì nhanh, nhưng nghĩ thì lâu. Hình ảnh của hai người phụ nữ ở hai đầu “chiến tuyến” nhiều lúc ám ảnh ông. “Sự kiện thì có thật, nhưng nhân vật thì hư cấu” ông phân bua khi tôi hỏi, sao ông rành rẽ những vấn đề nhạy cảm xã hội như mại dâm. Hóa ra, để có những trang viết rất thật ở “Gã Tép riu”, ông đã phải bỏ nhiều năm nghiên cứu tư liệu về nghề “buôn phấn bán son” này. Ông đọc đủ loại sách, từ những trang tự truyện của “Tâm Si đa” của Eri hay câu chuyện của cô gái mại dâm người Thái Lan, rồi cũng nhờ những mối quan hệ nghề nghiệp, ông được tiếp cận cả mớ tài liệu điều tra xã hội học. 

Những góc khuất của mảng tối này, đã được ông nhìn và phản ánh trong tác phẩm với góc nhìn bao dung hơn, khoa học hơn, thực tế hơn. Cốt truyện của Gã Tép riu đơn giản, nhưng những cuộc đấu trí, những nội tâm giằng xé, những vụ việc, các mối quan hệ vô cùng phức tạp... Cuộc sống trong từng trang sách được Nguyễn Bắc Sơn miêu tả vô cùng nghiệt ngã. Tôi hỏi ông rằng, chẳng nhẽ cuộc đời cứ trái ngang, cứ cay đắng mãi thế sao? Tìm đâu được hoa hồng? Ông bảo, hoa hồng chính là nhân vật Dự ( tên một thứ gạo tẻ thơm ngon)  quà tặng cho những ai sống thật với chính mình, dù có vấp váp, lầm lạc, nhưng biết vươn lên, tìm chỗ đứng dưới tia nắng mặt trời trong trẻo và tinh khôi.

Tin cùng chuyên mục