Cuộc đối đầu không an toàn giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông

ANTD.VN - Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang hoành hành, máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc đã có nhiều cuộc đối đầu “không an toàn” với đối thủ Mỹ ở Biển Đông.

Cuộc đối đầu không an toàn giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông ảnh 1Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Mỹ đang bị tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc bám theo hồi tháng 5-2015

Hành vi leo thang và nguy hiểm

Theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Nam Á Reed Werner, kể từ giữa tháng 3 đến nay, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ tiến vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông. Ông Werner còn cho biết một tàu hộ tống Trung Quốc trong nhóm tàu sân bay Trung Quốc đã có sự di chuyển “không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu khu trục Mỹ USS Mustin ở Biển Đông hồi tháng 4. 

Không phải đến bây giờ, những vụ đối đầu như vậy mới xảy ra. Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, tàu thuyền, máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc liên tục có những lần đụng độ tại vùng biển này. Tháng 4-2001, một máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc đã va vào một máy bay do thám EP-3E của Mỹ tại Biển Đông, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và chiếc J-8 rơi xuống biển. Máy bay Mỹ cũng bị hỏng nặng và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Lầu Năm Góc khẳng định chiếc EP-3E bay trong vùng trời quốc tế.

Tháng 3-2009, lại xảy ra vụ 5 tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu hải quân, áp sát tàu nghiên cứu USNS Impeccable của hải quân Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Tháng 12-2013, tàu đổ bộ của Trung Quốc đã chạy chắn ngang mũi tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ rồi dừng lại, khiến tàu Mỹ buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm.  Chiếc USS Cowpens lúc đó đang thực hiện hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

Tháng 8-2014, máy bay tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã bay nhào lộn xung quanh một chiếc máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Chiếc J-11 này có lúc bay cách chiếc P-8 Poseidon chỉ khoảng 9 m. Tháng 5-2015, tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc đã bám theo tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Hải quân Mỹ khi tàu này đang tuần tra gần quần đảo Trường Sa.

Đại dịch Covid-19 bùng phát cùng với việc các nước phải tập trung đối phó là cơ hội để Trung Quốc tiếp tục “có hành vi leo thang và nguy hiểm”. Theo trang mạng Business insider, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng các đối thủ của Mỹ đang cố gắng lợi dùng tình hình hiện nay trên toàn cầu, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẵn sàng đáp ứng các thách thức này và bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Tuyên bố này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.

Mục tiêu đẩy ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực

Tháng 4-2014, tại Hội nghị Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 diễn ra ở Thanh Đảo (Trung Quốc), 21 nước thành viên đã nhất trí về Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES). Đây là văn bản hướng dẫn các biện pháp thông tin liên lạc cần thiết cho tàu hải quân và máy bay khi gặp nhau không báo trước ở những vùng biển cụ thể. 

Là nước tham gia ký kết nhưng Trung Quốc sẵn sàng có hành động đối đầu nguy hiểm với không quân và hải quân Mỹ trên Biển Đông bởi mục tiêu của Bắc Kinh là từng bước đẩy ảnh hưởng của Washington khỏi khu vực. Sau khi thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11-2013, Trung Quốc đang âm mưu tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Máy bay của bất cứ nước nào tiến vào khu vực này phải tuân thủ theo luật của Trung Quốc, nếu không sẽ đối mặt với “những biện pháp bảo vệ khẩn cấp”.

Để sẵn sàng cho các cuộc đối đầu trên không và trên biển, tháng 3 vừa rồi, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận mô phỏng những cuộc đối đầu trực tiếp với máy bay và chiến hạm nước ngoài ở Biển Đông. Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận bao gồm diễn tập tìm kiếm máy bay nước ngoài chưa được xác định với sự hỗ trợ của tàu nổi; đuổi máy bay nước ngoài ra khỏi cái gọi là không phận Trung Quốc, thậm chí “bắn chúng bằng tên lửa để ngăn chặn chúng tấn công tàu chiến Trung Quốc”.

Để khuếch trương sức mạnh, báo chí Trung Quốc như tờ Thời báo Hoàn cầu thậm chí còn đăng bài chê bai sức mạnh quân sự của Mỹ trong bối cảnh 4 tàu sân bay của nước này tê liệt vì Covid-19. Tờ này khẳng định diễn biến trước mắt “không thể che giấu tình trạng yếu kém của hải quân Mỹ”. Còn chuyên gia quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh thì bình luận rằng, việc Mỹ gia tăng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông đã mang lại thêm nhiều cơ hội cho quân đội Trung Quốc huấn luyện tác chiến. 

 Đúng là dịch Covid-19 đã khiến một số nhóm tác chiến tàu sân bay tấn công của Mỹ phải cập cảng, song nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman vẫn đang hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower vẫn đang hiện diện ở biển Ả Rập. Nếu cần, Mỹ có thể điều nhóm tàu sân bay USS Dwight Eisenhower đến biển Đông trong chưa đầy 7 ngày.

Về các tàu đang hoạt động ở biển Đông, tờ The Washington Examiner nhấn mạnh việc tàu tấn công đổ bộ USS America vẫn đang triển khai phối hợp với máy bay chiến đấu F-35B theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông chứng tỏ sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn không hề suy giảm so với trước đây.

31 tàu ngầm tấn công đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ cũng sẵn sàng chờ lệnh điều động. Hiện 4 tàu ngầm đang hiện diện thường trực ở căn cứ quân sự đảo Guam và khi có lệnh sẽ chỉ mất hai ngày là đến Biển Đông.

Tờ The Washington Examiner khẳng định nếu được lệnh, các tàu ngầm Mỹ hoàn toàn có thể dùng ngư lôi Mark-48 thế hệ mới bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Đây quả là những diễn biến gây mất an ninh, an toàn trên Biển Đông - dù mới là giả định.