Cuộc đấu trí với nhóm giang hồ Báu "cửu"

ANTD.VN - Đỗ Mạnh Báu tức Báu “cửu” (SN 1963) trú tại xóm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (cũ) nổi danh cả một vùng sông nước ngoại thành Hà Nội. Ổ nhóm tội phạm do Báu “cửu” cầm đầu thường dùng thuyền nhỏ gắn máy áp sát các tàu, bè để cưỡng đoạt tiền và tài sản. Với bản chất lươn lẹo của một tên lưu manh, Báu “cửu” tìm mọi cách để trốn tránh cơ quan chức năng. Nhưng nhóm giang hồ đã không thể thoát khỏi “lưới” pháp luật.

 Cuộc đấu trí với nhóm giang hồ Báu "cửu" ảnh 1Đỗ Mạnh Báu bị lực lượng hình sự đặc nhiệm bắt giữ vào năm 2008

Lật lại chuyên án cưỡng đoạt tài sản trên sông Hồng

Thời điểm đó, qua công tác nắm tình hình và quản lý địa bàn, lực lượng hình sự CATP nắm được hoạt động của ổ nhóm đối tượng lưu manh chuyên nghiệp do Đỗ Mạnh Báu cầm đầu, cùng hàng chục đối tượng khác núp bóng Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt để cưỡng đoạt tiền và tài sản của các chủ tàu, bè chở hàng hóa xuôi ngược trên sông Hồng, khu vực Chèm, huyện Từ Liêm (cũ).

Sau hơn 3 tháng kiên trì thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 23-1-2008, kế hoạch triệt phá ổ nhóm tội phạm trên sông Hồng của lực lượng CSHS đã được Giám đốc CATP Hà Nội phê duyệt. Trưa 23-1, 5 mũi trinh sát của Phòng CSHS CATP Hà Nội bí mật ém quân tại những vị trí trọng yếu trên khúc sông Hồng, địa phận Chèm, huyện Từ Liêm. Đúng 12h10, các mũi trinh sát nhận được hiệu lệnh tấn công và bắt quả tang Đỗ Mạnh Báu cùng một số đàn em đều là nhân viên của Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt đang cưỡng đoạt tiền của chủ tàu PT 1341.

Ngay sau đó, các mũi trinh sát đồng loạt tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng trong ổ nhóm tội phạm gồm Nguyễn Văn Thụ, (SN 1972), trú tại thôn Đại Đồng, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, là Giám đốc Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt; Lê Văn Thảo, tức Thảo “Đặng”, (SN 1962), trú tại tổ 14, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; Nguyễn Út Trọng, (SN 1987), trú tại xóm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm; Nguyễn Văn Tuấn, (SN 1986) trú tại xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm; Nguyễn Văn Chung, (SN 1990), trú tại thôn Hồng Ngự, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm và Nguyễn Văn Hin, tức Thìn, trú quán tại On Đông Tức, xã Bo Tum Xakô, huyện On Đông Tức, tỉnh Koskong - Vương quốc Campuchia. 

Khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt ở thôn Đại Đồng, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, các chiến sỹ Phòng CSHS đã phát hiện, thu giữ 1 két bạc, 1 máy vi tính, 1 thuyền gắn máy, 15 thẻ nhân viên Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt, 11 quyển hóa đơn thu tiền các tàu thuyền qua lại trên sông Hồng, địa phận Chèm, huyện Từ Liêm và các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động cưỡng đoạt tài sản của Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt.

Lập công ty cứu nạn, cứu hộ để cưỡng đoạt tài sản

Trước khi có sự ra đời của Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt, năm 2006, Nguyễn Văn Thụ đã thành lập Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Thăng Long, để lợi dụng danh nghĩa thu tiền trái phép của các tàu thuyền qua lại trên sông Hồng, khu vực Chèm. Do nắm bắt được tâm lý các chủ tàu thuyền chở hàng hóa qua lại trên sông Hồng sợ mắc cạn, Thụ mua 2 tàu điều tốc và 4 thuyền nhẹ lắp máy đỗ trên sông Hồng, khu vực chân cầu Thăng Long - Chèm.

Phương thức hoạt động của chúng là khi các tàu thuyền qua lại khu vực này sẽ thu phí dịch vụ đưa, dẫn và kéo tàu qua bãi cạn. Tùy theo mỗi tàu, thuyền, chúng thu từ 50-100 nghìn đồng. Tàu, thuyền nào không nộp tiền “dịch vụ” sẽ bị chúng chửi bới, đe dọa. Mỗi ngày, chúng thu tiền của hàng trăm tàu, thuyền qua lại trên sông.

Ngay trong năm 2006, Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Thăng Long bị Phòng CSGT - CATP Hà Nội phát hiện sai phạm và xử lý hành chính, yêu cầu đình chỉ hoạt động. Để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan công an, tháng 11-2007 Thụ đã xin đổi tên Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Thăng Long thành Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt. Sau đó, một số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp ở tỉnh Hà Tây (cũ) cũng hoạt động với hình thức trên, xuống khu vực Chèm tranh chấp địa bàn làm ăn nên Thụ đã nhờ Báu “cửu”, một “tay anh chị” cộm cán ở khu vực huyện Từ Liêm đứng ra dàn xếp.

Thấy Báu “cửu” dàn xếp ổn thỏa vụ tranh chấp địa bàn làm ăn, Thụ đã mời Báu làm Phó Giám đốc Công ty. Từ lúc này, Báu “cửu” thu nạp thêm đàn em về “làm việc” trong công ty do Thụ làm Giám đốc. Trong số những tên lưu manh chuyên nghiệp do Báu “cửu” thu nạp có Lê Văn Thảo, tức Thảo “đặng”, một đối tượng từng có tiền án giết người, cướp tài sản, bị tòa án xét xử tù chung thân, mới được ân xá cách đó không lâu làm tay chân thân cận. Bình quân hàng tháng, ổ nhóm tội phạm núp bóng Công ty TNHH cứu nạn, cứu hộ Thành Đạt cưỡng đoạt tiền của các tàu, thuyền chở hàng qua lại trên sông Hồng, địa phận Chèm, huyện Từ Liêm trên 200 triệu đồng chia nhau.

Liên tiếp phạm pháp

Với những hành vi đó, nhưng theo hồ sơ còn lưu của CAX Cổ Nhuế bàn giao cho CAP Cổ Nhuế 2 hiện nay, vụ việc sau này đã bị đình chỉ, Báu “cửu” sau khi bị tạm giam 4 tháng đã về lại địa phương. Sau khi được thả, Báu “cửu” đã khôn hơn, không ra mặt trong các phi vụ lấn chiếm đất công, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê. Một người dân trên địa bàn cho biết, Báu “cửu” đã vung tiền đưa các thanh niên con nhà khá giả được chiều chuộng vào “đời” rồi sau đó cho vay nợ. Khi “gà” đã vào tròng, Báu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, bắt họ phải cầm sổ đỏ, rồi từng bước chiếm nhà và thậm chí hất thẳng chủ nhà ra ngoài ngay trong đêm mà họ vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện gì. 

Một ngày đầu năm 2015, với bản chất hung hăng, Báu “cửu” cùng một đàn em đi nghênh ngang trên đường đã gặp tổ công tác 141 và bị yêu cầu kiểm tra hành chính. Trong người Báu lúc đó có mang theo ma túy và đã bị lập biên bản chuyển về cơ quan có thẩm quyền. Gần 1 năm nay, tuy vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy của Báu chưa được xét xử nhưng Báu “cửu” vẫn đang “yên vị” trong Trại tạm giam số 1.