Cuộc chuyển giao quyền lực Tổng thống đầy khó khăn ở nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong lịch sử Mỹ, cuộc gặp giữa Tổng thống đương nhiệm và Tổng thống đắc cử là nghi thức lâu đời, đại diện cho giai đoạn chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Song đến thời điểm này, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn không thừa nhận kết quả bầu cử và không có kế hoạch mời Tổng thống đắc cử Joe Biden đến Nhà Trắng để thảo luận về giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Tổng thống đắc cử Joe Biden (trái) và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump

Tổng thống đắc cử Joe Biden (trái) và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump

Tiếp tục kiểm phiếu

Theo nhiều nguồn tin từ Chính phủ Mỹ, ông Donald Trump đang lên kế hoạch khôi phục các cuộc vận động quy mô lớn nhằm chống “gian lận bầu cử”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr đã gửi Văn bản cho giới Công tố viên và Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI) đề cập khả năng điều tra nếu có cáo buộc rõ ràng và hợp lý về những hành vi trái quy định gây tác động tiềm tàng đến kết quả bầu cử.

Theo lịch dự kiến, ngày 8-12 sẽ là hạn chót để các bang giải quyết tranh chấp, khiếu nại về kết quả bầu cử, kiểm phiếu lại. Ngày 11-12 là kỳ hạn các bang công nhận kết quả bầu cử. Ðến ngày 14-12, đại cử tri đoàn tại mỗi bang sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Tổng thống giành chiến thắng tại bang đó.

Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump chính thức đệ đơn kiện lên một Tòa án liên bang tại bang Pennsylvania, cáo buộc hệ thống bầu cử qua bưu điện “thiếu mọi tiêu chuẩn cần thiết về minh bạch và có thể kiểm chứng được, vốn được đảm bảo trong trường hợp cử tri đến tận nơi bỏ phiếu”. Trong khi đó, một số Nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Nghị viện tiểu bang Pennsylvania cũng tuyên bố sẽ kêu gọi kiểm phiếu lại, và yêu cầu tạm thời không công nhận các kết quả bầu cử cho đến khi quy trình kiểm tra hoàn tất.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng: “Mọi thứ chưa chấm dứt cho đến hồi kết và việc này chưa kết thúc! Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ ngừng chiến đấu và chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi mọi phiếu bầu hợp pháp được đếm”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một cuộc họp báo ngày 11-11 đã nhấn mạnh rằng cho đến nay vẫn chưa có kết quả bầu cử chính thức và ông Donald Trump vẫn là Tổng thống Mỹ.

Tổng thống đắc cử xem xét hành động pháp lý

Ngày 11-11, phát biểu trước báo giới tại quê nhà Wilmington, bang Delaware, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết đội ngũ của ông đang thúc đẩy thành lập chính quyền mới để nhận chuyển giao quyền lực vào ngày 20-1-2021. Ông Joe Biden khẳng định sẽ không có gì ngăn cản việc chuyển giao quyền lực trong Chính phủ Mỹ.

Ông Joe Biden nói gì?

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng khẳng định không điều gì có thể gây trở ngại cho quá trình chuyển giao quyền lực. Phát biểu tại một sự kiện ở bang Delaware cùng với liên danh tranh cử Kamala Harris, ông Joe Biden cho biết đội ngũ của ông vẫn đang thúc đẩy thành lập chính quyền mới để nhận chuyển giao quyền lực vào ngày 20-1-2021. Theo ông, tiến trình này vẫn đang diễn ra thuận lợi bất chấp việc Tổng thống Donald Trump không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, dù đánh giá điều này đang gây ra sự “lúng túng”. Ông Joe Biden nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyển giao và đang tiến hành một cách thuận lợi… Không điều gì có thể cản trở điều này. Tôi tin rằng việc họ không thừa nhận chúng tôi đã chiến thắng không gây tác động đáng kể đối với kế hoạch cũng như khả năng của chúng tôi trong khoảng thời gian từ nay tới ngày 20-1-2021”.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, bà Emily Murphy - người đứng đầu Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) cho biết xác nhận kết quả chính thức vẫn chưa được tiến hành và các quản trị viên sẽ tiếp tục tuân thủ cũng như thực hiện tất cả yêu cầu theo luật.

Được biết, GSA là cơ quan của Chính phủ liên bang Mỹ chịu trách nhiệm công nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống để quá trình chuyển giao quyền lực có thể bắt đầu. Theo tuyên bố của bà Emily Murphu, GSA có thể trì hoãn tới lúc Tổng thống Donald Trump thừa nhận thua cuộc hoặc thời điểm đại cử tri đoàn họp vào tháng tới.

Trước tuyên bố trên của GSA, một quan chức phụ trách chuyển tiếp của ông Joe Biden cho biết sẽ xem xét hành động pháp lý nếu GSA không công nhận chiến thắng của ông Joe Biden để quá trình chuyển giao quyền lực được bắt đầu. “Hành động pháp lý chắc chắn là một khả năng, nhưng cũng có những lựa chọn khác mà chúng tôi đang xem xét” - quan chức giấu tên cho biết và từ chối nêu cụ thể các lựa chọn này.

Bà Max Stier - Giám đốc Hiệp hội Đối tác vì Dịch vụ công - Tổ chức phi lợi nhuận và phi đảng phái chuyên giám sát Trung tâm Chuyển giao quyền lực Tổng thống nhằm đảm bảo quá trình này diễn ra suôn sẻ và hợp pháp cho biết Tổng thống đắc cử sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước nếu quá trình chuyển giao quyền lực bị chậm trễ.

Đơn cử, hiện nhóm của ông Joe Biden chưa thể tiếp cận khoảng 9,9 triệu USD trong quỹ chuyển đổi của Chính phủ; tiếp cận sớm và làm việc với các cơ quan liên bang; tiếp cận ngân quỹ về lương bổng, tư vấn và đi lại cũng như các thông tin mật; chưa có quyền tiếp cận Bộ Ngoại giao, nơi tạo điều kiện cho các cuộc gọi giữa các nhà lãnh đạo nước ngoài và Tổng thống đắc cử…

Các gương mặt hàng đầu trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden

• Trong lĩnh vực kinh tế, đội ngũ chuyển giao của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính bao gồm những cái tên quen thuộc từ Đảng Dân chủ, từng làm việc dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Họ cũng là những người đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Mỹ nỗ lực hơn trong việc giảm bớt tình trạng bất bình đẳng. Một số gương mặt nổi bật trong nhóm tài chính gồm có bà Mehrsa Baradaran - người từng hối thúc FED đóng vai trò tích cực hơn trong việc thiết lập các tài khoản ngân hàng cho mỗi gia đình để họ có thể tiếp cận hệ thống tài chính. Tiếp đó là chuyên gia Simon Johnson của Viện Công nghệ Massachusetts - người từng nhận định vấn đề cốt lõi của Mỹ chính là tình trạng thiếu đầu tư công vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đồng thời kêu gọi tăng cường đầu tư vào các viện nghiên cứu tại các thành phố có quy mô vừa. Danh sách này cho thấy khả năng Chính phủ mới sẽ sử dụng ngân sách liên bang để thúc đẩy tăng trưởng thông qua các khoản đầu tư có mục đích.

• Trong lĩnh vực thương mại, danh sách chuyển giao gồm có cựu Phó Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng dưới thời ông Barack Obama, lãnh đạo của Liên đoàn Lao động - Hiệp hội Tổ chức công nghiệp Mỹ. Trong khi đó, Trưởng nhóm giám sát ngân hàng và thị trường là ông Gary Gensler (ảnh), người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai (CFTC) từ năm 2009-2014, chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các cải cách quan trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Các nhân vật đáng chú ý khác trong nhóm gồm Giám đốc về chính sách kinh tế tại Trung tâm Vì sự tiến bộ của nước Mỹ Andy Green và Giám đốc chính sách tại Trung tâm Tăng trưởng Cân bằng của Washington, Amanda Fischer.

• Trong lĩnh vực môi trường, người đứng đầu nhóm chuyển giao của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ do ông Patrice Simms, luật sư của tổ chức phi lợi nhuận Earthjustice - tổ chức từng hơn 100 lần đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump - đảm trách. Ông Simms cũng từng làm việc trong cơ quan môi trường của Bộ Tư pháp Mỹ. Trong khi đó, đứng đầu nhóm chuyển giao của Bộ Giao thông là ông Phillip Washington, Giám đốc Cơ quan Giao thông Đô thị hạt Los Angeles. Các vị trí trưởng nhóm chuyển giao của Bộ Nội vụ và Bộ Năng lượng sẽ lần lượt do các cực quan chức từng làm việc trong các lĩnh vực này đảm nhiệm.