Cuộc chiến với những kẻ đi ngược lợi ích nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vũ Quang Thuận là đối tượng có nhiều hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước, đi ngược lại lợi ích nhân dân. Với hồ sơ bệnh án tâm thần, trong thời gian từ 2011 đến 2013, hơn một lần Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng, nhưng rồi phải đình chỉ điều tra, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn…

Không thể để một kẻ như vậy nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, năm 2017, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã mưu trí, ngăn chặn hành vi phạm tội của Thuận và đồng bọn.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Vũ Quang Thuận

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Vũ Quang Thuận

Kẻ cơ hội khoác tấm lá chắn bệnh nhân tâm thần

Ngày 10-7-2021, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm xét xử vụ án tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, tuyên phạt bị cáo Vũ Quang Thuận (SN 1966, trú tại tỉnh Thái Bình) 8 năm tù giam, phạt quản chế 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; xử phạt Nguyễn Văn Điển (SN 1983, trú tại tỉnh Yên Bái) 6 năm 6 tháng tù, phạt quản chế 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; xử phạt Trần Hữu Phúc (SN 1994, trú tại TP.HCM) 6 năm tù, phạt quản chế 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Đó là bản án thích đáng dành cho những kẻ có hành vi lợi dụng mạng xã hội, đăng tải những video clip có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân; phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; bôi xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phía sau bản án ấy là những nỗ lực, kiên trì và mưu trí của các cán bộ an ninh điều tra CATP Hà Nội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Bạch Thành Định (thời điểm năm 2017 là Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó Giám đốc CATP Hà Nội). Trong câu chuyện với ông trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh, Thiếu tướng Bạch Thành Định đã kể cho chúng tôi vì sao vụ án này được coi là một trong những dấu ấn của lực lượng An ninh Công an Thủ đô.

Ngược thời gian trở về thời điểm ngày 29-1-2011, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Quang Thuận về tội tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời Viện KSND tối cao cũng ra quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam với đối tượng. Nhưng đến ngày 25-4-2011, Viện KSND Tối cao có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và liền sau đó, ngày 4-5-2011, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can. Lý do là quá trình điều tra xác định, sau khi phạm tội, Thuận có rối loạn hoang tưởng. Và từ thời điểm ngày 30-5-2013, khi vụ án bị đình chỉ, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không có thêm bất cứ biện pháp tố tụng nào với Thuận.

Công an Thủ đô quyết tâm đánh án

“Quá trình điều tra với nhóm Vũ Quang Thuận gặp không ít khó khăn. Từ năm 2007 - 2011, Thuận chủ yếu viết bài xuyên tạc, bôi nhọ, chống đối Nhà nước… rồi đăng tải trên Internet. Tháng 5-2009, Thuận trốn sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia, cấu kết với các đối tượng tổ chức biểu tình. Thậm chí tháng 4-2010, Thuận tự thiêu trước tòa tháp đôi Petronas của Malaysia khiến cảnh sát nước này bắt tạm giam vì hành vi âm mưu khủng bố. Trong thời gian bị tạm giam, Thuận tiếp tục viết hơn 1.500 tờ tài liệu có nội dung tuyên truyền, kích động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, bị cảnh sát Malaysia trục xuất về nước” - Thiếu tướng Bạch Thành Định nhớ lại.

Quá trình điều tra với nhóm Vũ Quang Thuận gặp không ít khó khăn. Từ năm 2007 - 2011, Thuận chủ yếu viết bài xuyên tạc, bôi nhọ, chống đối Nhà nước… rồi đăng tải trên Internet. Tháng 5-2009 Thuận trốn sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia, cấu kết với các đối tượng tổ chức biểu tình. Thậm chí tháng 4-2010, Thuận tự thiêu trước tòa tháp đôi Petronas của Malaysia khiến cảnh sát nước này bắt tạm giam vì hành vi âm mưu khủng bố. Trong thời gian bị tạm giam, Thuận tiếp tục viết hơn 1.500 tờ tài liệu có nội dung tuyên truyền, kích động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, bị cảnh sát Malaysia trục xuất về nước.

Thiếu tướng Bạch Thành Định - nguyên Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó Giám đốc CATP Hà Nội

Cuối năm 2016, Thuận chuyển hướng trong hoạt động tuyên truyền chống phá. Ngày 1-3-2017, CATP Hà Nội nhận được công văn của Sở Thông tin và Tuyền thông (TT-TT) về việc xác minh, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên Internet. Theo đó qua công tác quản lý thông tin trên Internet, Sở TT-TT phát hiện tài khoản Facebook cá nhân mang tên Nguyễn Văn Điển chia sẻ video clip được phát trực tiếp từ tài khoản Facebook có tên Vũ Quang Thuận. Các video clip này có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của Đảng, Bộ Công an, xúc phạm danh dư và nhân phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Các bài viết nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013 của Chính phủ. Sở TT-TT đề nghị CATP Hà Nội có biện pháp xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật” - trích Công văn của Sở TT-TT.

Theo lời Vũ Quang Thuận thì hắn sẽ còn làm thêm ít nhất 99 chương trình liên quan đến ngành công an và thêm 100 chương trình khác nữa. Nhiều ngày sau đó, Thuận thông qua tài khoản Facebook của Nguyễn Văn Điển tiếp tục livestream thêm một vài chương trình với giọng điệu ngông cuồng gây bức xúc trong nhân dân và các cán bộ lão thành.

Trung tá Nguyễn Văn Thủy - Đội phó Đội 1 Phòng An ninh điều tra chia sẻ, thời điểm ấy, khi tiếp nhận điều tra vụ án từ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, biết các đối tượng tuyên truyền chống Nhà nước thông qua mạng xã hội nhưng rất khó để tìm ra địa điểm các đối tượng đặt máy tính để phát trực tiếp ở đâu. Kiên trì sử dụng các biện pháp nghiệp vụ từ truyền thống đến hiện đại, các trinh sát đã “định vị” được nơi các đối tượng đặt phương tiện kỹ thuật tại một căn nhà 3 tầng biệt lập trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa. “Với những đối tượng này, việc bắt quả tang khi chúng đang thực hiện hành vi phát tán những nội dung xấu, xuyên tạc là hết sức quan trọng. Dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Bạch Thành Định, Cơ quan An ninh điều tra tổ chức cuộc họp triển khai lực lượng bắt giữ đối tượng, chú trọng đặc biệt việc bắt quả tang” - Trung tá Trần Văn Thủy kể.

Gần 100 chiến sỹ bao gồm nhiều lực lượng khác nhau trong đó CBCS Phòng An ninh điều tra là chủ công đã được phân công vào vị trí xung quanh nơi Thuận và Điển đang thực hiện hành vi phát trực tiếp trên mạng xã hội. Khi các đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, lực lượng công an đã kịp thời khống chế Điển, không để hắn kịp báo cho Thuận thu dọn hiện trường. Bị bất ngờ, Thuận đứng im như tượng, nhưng nhanh chóng trở lại bản chất của một kẻ chống phá khi không hợp tác, không ký bất cứ biên bản nào về việc thu giữ tài liệu. Nhưng những chứng cứ mà Cơ quan An ninh điều tra thu được cũng đã đủ để tạm giữ hình sự người đàn ông này. Cũng tại đây, Cơ quan An ninh điều tra còn thu giữ một chiếc máy tính của Trần Hữu Phúc (đồng bọn của Thuận và Điển) bên trong lưu trữ nhiều nội dung chống chính quyền Nhà nước.

Đấu trí với kẻ lật lọng

“Bắt được Thuận và Điển không phải đã là kết thúc. Lật lại hồ sơ, Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, trước đó Viện KSND Tối cao đã có văn bản kết luận Thuận bị tâm thần, phải điều trị vĩnh viễn nên không có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam. Trong cuộc họp, tôi đã mời cả đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để thống nhất quan điểm đối với Thuận. Với những lý lẽ và căn cứ thuyết phục, Viện KSND TP Hà Nội đã phải đồng ý quan điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Vũ Quang Thuận” - Thiếu tướng Bạch Thành Định kể lại.

Ngày 10-3-2017, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Cũng trong ngày này, khi tống đạt quyết định, Vũ Quang Thuận đã không ký vào bất cứ biên bản nào. Đã vậy,Thuận còn yêu sách phải chuyển vụ việc của đối tượng lên Cục An ninh điều tra. Những ngày sau đó Thuận lại đồng ý ký biên bản, rồi lại đổi ý liên tục như chong chóng. Thậm chí có những ngày lấy lời khai, vui thì Thuận ký, buồn thì kiếm chuyện chống đối với những lý do rất tào lao.

Kiên trì, mềm mỏng, lúc nhu, lúc cương, các điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội cuối cùng đã khiến Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển, Trần Hữu Phúc đều phải thừa nhận hành vi sai trái của mình với bản án theo đúng quy định pháp luật.

Đó là bản án thích đáng dành cho những kẻ có hành vi lợi dụng mạng xã hội, đăng tải những video clip có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân; phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; bôi xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phía sau bản án ấy là những nỗ lực, kiên trì và mưu trí của các cán bộ an ninh điều tra CATP Hà Nội.