Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nóng

ANTĐ - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nóng lên sau khi Washington lên tiếng hối thúc Bắc Kinh điều chỉnh việc định giá đồng nhân dân tệ, bảo vệ tài sản trí tuệ và các hình thức ưu đãi doanh nghiệp nhà nước mà Mỹ cho là thiếu công bằng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nóng ảnh 1Nhiều cửa hàng ở Bắc Kinh bày bán công khai hàng giả với các nhãn mác nổi tiếng

Phát biểu ngày 11-12 tại một cuộc họp của Hội đồng xuất khẩu trực thuộc Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B. Obama khẳng định, việc tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trên các lĩnh vực mà Washington tin rằng hoạt động thương mại thiếu cân bằng là một nội dung mấu chốt trong các đối thoại thương mại giữa hai nước. Theo ông chủ Nhà Trắng, đó là các lĩnh vực như tỷ giá hối đoái, bảo vệ tài sản trí tuệ hay cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước. 

Lâu nay, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã trở thành căn bệnh kinh niên làm đau đầu nước Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 9 - 2014, cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc đã bị thâm thủng ở mức cao kỷ lục 35,6 tỷ USD do Mỹ nhập khẩu tới 44,9 tỷ USD từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo cáo buộc của Washington, nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân đối trên là do Bắc Kinh cố tình định giá đồng nhân dân tệ quá thấp so với thực tế. 

Trong bản báo cáo mới đây nhất về kiểm soát tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hiện vẫn đang ở mức thấp hơn “đáng kể” so với giá trị thực. Điều này giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Washington cho rằng nếu như các hoạt động kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc được nới lỏng, đồng nhân dân tệ sẽ nhanh chóng tăng giá và thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ giảm xuống. 

 Một nguyên nhân nữa làm quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng là vấn đề sở hữu trí tuệ. Báo cáo mới nhất của Ủy ban phụ trách các vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ của Mỹ (IPC) cho thấy, mỗi năm nước Mỹ thiệt hại tới 300 tỷ USD do các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ. Trong đó, đối tượng vi phạm từ Trung Quốc chiếm tới 50% - 80%. IPC cho rằng “Chính sách công nghiệp quốc gia ở Trung Quốc đặt ra mục tiêu khuyến khích ăn cắp tài sản trí tuệ và hiện có nhiều người  làm việc cho doanh nghiệp cũng như cơ quan chính phủ liên quan đến việc này”.

Quả thực, Trung Quốc ngày nay được biết đến như là xứ sở của hầu hết các sản phẩm nhái, từ ô tô, quần áo, máy tính, đồ ăn nhanh, phim ảnh cho đến dược phẩm và thậm chí là nhái cả những ngôi làng ở châu Âu. Nếu như Mỹ là quê hương của điện thoại iPhone thì Trung Quốc ngay lập tức cho ra lò những chiếc HiPhone với hình thức giống hệt sản phẩm đình đám đến từ Tập đoàn Apple của Mỹ.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên ngay trước thềm cuộc đối thoại của Ủy ban Thương mại hỗn hợp Mỹ - Trung, dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới tại thành phố Chicago (Mỹ), ông B. Obama đã nhắc lại mục tiêu của Washington là đòi Bắc Kinh tuân thủ nghiêm luật về sở hữu trí tuệ cũng như đưa đồng nhân dân tệ trở về đúng giá trị thực của nó. Ông chủ Nhà Trắng cũng muốn Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế trong các lĩnh vực chủ chốt từ công nghiệp dịch vụ tới nông nghiệp và bảo đảm rằng các công ty nước ngoài nhận được ưu đãi tương đương với các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân bản địa khi hoạt động tại thị trường Trung Quốc. 

Chắc chắn Bắc Kinh sẽ khó chấp nhận đòi hỏi của  Washington. Cuộc chiến thương mại đã trở thành một phần không tách rời của quan hệ Mỹ - Trung.