Cuộc chiến thầm lặng trên sông

ANTĐ - Với chiêu trò chỉ hút trộm cát tại khu vực giáp ranh để dễ bề lẩn trốn, các đối tượng khai thác cát trái phép đã gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), CATP Hà Nội đã phối hợp với công an các quận, huyện bắt giữ nhiều đối tượng, tàu thuyền khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Đuống, sông Hồng…
Cuộc chiến thầm lặng trên sông ảnh 1

Công an Hà Nội bắt quả tang một vụ khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm

Mạnh tay truy quét

22h30 ngày 9-12, tổ công tác Đội 3, Phòng CSMT phối hợp với CAH Gia Lâm và Phòng Cảnh sát đường thủy bất ngờ áp sát, bắt quả tang 4 chiếc tàu đang khai thác khoáng sản (cát đen) trái phép trên sông Đuống, đoạn thuộc địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Chủ những chiếc tàu hút cát trái phép là Nguyễn Văn Hưởng (SN 1975, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm); Trần Văn Hưng (SN 1976, ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); Hoàng Văn Tiên (SN 1967, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và Bùi Huy Mạnh (SN 1974, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). 

Trước đó, ngày 5-12, tại khu vực sông Hồng, thuộc địa phận xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, Đội 3, Phòng CSMT phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy và Sở TN-MT Hà Nội tiến hành kiểm tra, tạm giữ 2 tàu cuốc, 2 tàu vận chuyển đang có hành vi khai thác cát trái phép. Các tàu cuốc bị bắt giữ gồm tàu: HY-0022 của Bùi Văn Tuấn (SN 1971, ở xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên); tàu không số hiệu của An Ngọc Phương (SN 1988, ở huyện Ba Vì, Hà Nội, các tàu vận chuyển gồm: tàu  VP-1102 do Mai Văn Diện (SN 1991, quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng; tàu VP-1407, do Tăng Tiến Quân (SN 1982, quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) làm thuyền trưởng.

Khắc phục mọi khó khăn

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng CSMT cho biết, việc bắt “cát tặc” không giống xử lý tội phạm trên cạn, thiếu cẩn trọng một chút là nguy hiểm đối với cả đối tượng vi phạm lẫn lực lượng xử lý. Để có được kết quả, các trinh sát tham gia đánh án đã phải vượt qua không ít khó khăn về phương tiện, con người và yếu tố bí mật luôn được đặt lên hàng đầu. Những tàu khai thác cát trái phép trên sông thường bố trí người cảnh giới, chỉ cần thoáng thấy bóng công an họ sẽ nhanh chóng thông báo cho nhau rời khỏi hiện trường, rút sang địa bàn khác.

“Do việc hút trộm cát được diễn ra trong chớp nhoáng nên các đối tượng thường sử dụng những cỗ máy có công suất lớn để khai thác có hiệu quả. Phần lớn những con tàu này khi vận hành đều phát ra tiếng động ầm ĩ, náo loạn dòng sông khiến cho người dân sống gần khu vực không thể chịu nổi. Qua công tác nắm tình hình, Phòng CSMT đã chủ động phối hợp với công an các quận, huyện và Phòng Cảnh sát đường thủy lên kế hoạch triển khai, mạnh tay xử lý vấn đề này” - Thượng tá Phùng Quang Hiển nói.

Theo Thượng tá Lê Văn Nghiêm, Đội trưởng Đội CSKT - CAH Gia Lâm, lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ chống “cát tặc” vẫn thiếu phương tiện. Muốn tiếp cận hiện trường, nhiều khi phải thuê tàu, thuyền của người dân để bí mật áp sát, bắt quả tang các đối tượng. Mặc dù khi triển khai đảm bảo được yếu tố bí mật, nhưng cũng có nhiều khó khăn như việc thuê thuyền không phải lúc nào cũng thuận lợi, người dân thường chỉ cho lực lượng chức năng thuê thuyền 1-2 lần sau đó họ từ chối bởi sợ bị trả thù. Từ đầu năm 2015 đến nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ, CAH Gia Lâm đã phát hiện và triệt phá gần 20 vụ khai thác cát trái phép, xử lý nhiều đối tượng và phương tiện, đem lại bình yên cho những tuyến sông. 

Tin cùng chuyên mục