Cũng đành... lép vế

ANTĐ - Dường như đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bàn chuyện cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc ngay trên “sân nhà” là điều không tưởng. Ngoài chuyện hàng hóa của họ tràn vào đường nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, hàng lậu. Một số doanh nghiệp còn tiếp tay “đánh” hàng từ phía Bắc vào tiêu thụ, thu lợi nhuận lớn, đồng thời rất hiếm thấy có cuộc hội thảo, hội nghị nào “mổ xẻ” cách làm ăn khôn khéo cũng như “mưu mẹo” của họ…

Không ít doanh nhân nước ta đã “lặn lội” vào sâu ngóc ngách, hang cùng ngõ hẻm đất nước đông dân nhất thế giới, để nhìn tận mắt, sờ tận tay xem người Trung Quốc làm ăn ra sao. Một giám đốc doanh nghiệp Việt Nam đã “mòn chân” sang Trung Quốc đặt hàng máy xay sinh tố, nồi cơm điện, quạt điện, máy nghe nhạc MP3… mang về nước bán. Ông thực sự “bái phục” cách kinh doanh của người Hoa vì họ chia phân khúc rất rạch ròi theo đặc trưng của từng vùng miền và thế mạnh của từng đơn vị sản xuất. Mỗi đơn vị chỉ làm một chi tiết sản phẩm và sản xuất số lượng rất lớn theo tiêu chí “lấy công làm lãi”. Sau đó, doanh nghiệp chuyên lắp ráp sẽ mua tất cả linh kiện về hoàn thiện thành sản phẩm tung ra thị trường.

Nhờ vậy họ tiết kiệm được chi phí, từ nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, hạn chế tối đa thời gian lưu kho cho đến giảm thiểu chi phí văn phòng, nhân viên nhằm hạ giá thành sản phẩm. Hơn thế, các doanh nghiệp lớn của họ còn hỗ trợ rất mạnh cho người bán lẻ trong việc phân phối hàng hóa. Khách muốn mua số lượng lớn chỉ cần đặt cọc, người bán lẻ sẽ giao hàng trong vòng 1-2 ngày, ngay cả ở Việt Nam.

Họ giữ chữ “Tín” hơn cả chữ “Tiền”. “Độc chiêu” của các nhà sản xuất nước này là “nắm” được túi tiền người tiêu dùng rất chắc nên họ sẵn sàng “chiều chuộng” khách hàng bằng mọi giá, nhất là hàng giá rẻ. Những doanh nghiệp chuyên “đánh” hàng điện tử từ Trung Quốc đều thừa nhận giá rẻ ngoài sức tưởng tượng, nguồn hàng dồi dào, đáp ứng nhanh thị hiếu và dễ dàng mua bán, có sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi. Những mặt hàng thiết bị kỹ thuật số như camera quan sát, chuông cửa báo động… tưởng là hàng Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc nhưng thực chất đều từ các lò sản xuất tại Thâm Quyến.

Hàng ngày nhiều thương nhân Việt Nam đặt hàng trên các trang web, hoặc những mối làm ăn dắt dây, tiền chuyển từ tài khoản rồi chờ nhận hàng về tận nơi bằng tàu hoặc qua đường “cửu vạn”. Sau khi vào Việt Nam hàng được phân phối mọi ngóc ngách, nhất là nông thôn nơi có mức thu nhập thấp.

Nhìn vào thực lực của các doanh nghiệp Việt Nam thì sao? Chi phí đầu vào quá lớn, chiến lược, cung cách làm ăn tùy tiện, chắp vá. Nhiều doanh nghiệp không “thích” liên kết, hợp tác để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tự thân các doanh nghiệp chỉ biết “vùng vẫy” trong các “ao làng” không dám bơi xa bờ. Mặc dù cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã thổi một luồng sinh khí mới cho giới doanh nghiệp. Cho dù một số hàng hóa Việt Nam đã dần khẳng định vị trí và vị thế trên thương trường, song chưa tạo thành một “bức tường” vững chắc ngăn chặn “làn sóng” hàng hóa Trung Quốc đang áp đảo và chiếm thị phần rất lớn.

Biết người, biết ta, sát nách những người làm ăn buôn bán quá sành sỏi, lọc lõi mà không thay đổi tận gốc tư duy và hành động, không có một chiến lược phát triển sản xuất đồng bộ, nhất quán để có một lượng hàng hóa và chất lượng cao, giá cả phải chăng, thì mãi mãi cũng đành chịu thất thế, lép vế.

Tin cùng chuyên mục