Cùng chia sẻ lợi ích

ANTĐ - 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là quãng thời gian đủ dài để nhìn lại cả một chặng đường hoạt động của lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh đã từng được đặt nhiều kỳ vọng nhất trong nền kinh tế. Gắn liền với không ít thăng trầm của nền kinh tế, đầu tư nước ngoài đã gặt hái những “mùa quả” đáng kể, song cũng bộc lộ nhiều mặt trái cần phải nhìn thấy để điều chỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện nay Việt Nam mới thu hút được hơn 100 trên tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký chỉ đạt 47,2%. Xuất khẩu của khu vực kinh tế này năm 2001-2010 đóng góp ngân sách 14,2 tỷ USD, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm cho lao động trực tiếp và 3-4 triệu việc làm cho lao động gián tiếp.

Đó là những thành quả không thể phủ nhận. Song, mặt trái của đầu tư trực tiếp nước ngoài khiến dư luận phải giật mình: 80% công nghệ sử dụng trong các dự án không phải là loại hiện đại, tiên tiến mà chỉ ở mức trung bình so với thế giới, còn khoảng 14% sử dụng công nghệ lạc hậu.

Số doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ khiêm tốn chiếm 5-6%. Một thực tế nhức nhối là, trong số hơn 14.000 dự án đã đăng ký, số dự án xin giãn tiến độ, chậm triển khai khá nhiều thậm chí có khoảng 1.000 nhà đầu tư nước ngoài “bỏ của chạy lấy người”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ rõ,  không ít doanh nghiệp lợi dụng sự yếu kém trong quản lý của Việt Nam để nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai vống giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ.

Đáng lo ngại hơn, từ năm 2012 tới nay, ngày càng nhiều phi vụ doanh nghiệp nước ngoài xù nợ, bỏ trốn, chuyển giá trốn thuế. Một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu và uy tín toàn cầu có nhiều thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá tự góp vốn, giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, chuyển nhượng vốn, tạo ra tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, gây thất thu lớn ngân sách Nhà nước.

Nói đi thì phải nói lại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa nhận, những hạn chế, yếu kém bộc lộ quá nhiều trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài có lỗi của công tác quản lý Nhà nước, hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực trong nước. Nhiều địa phương cũng “nhận lỗi” về những khó khăn cho nhà đầu tư một phần từ chính cơ chế và các quy định “kéo” quyền lợi về cho các bộ, ngành. Lãnh đạo TP.HCM chỉ ra một loại bất cập gây khó khăn các nhà đầu tư, thủ tục hành chính cũng như những ưu đãi trong các khu công nghiệp…

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực thay đổi theo hướng tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, còn thay đổi mà khó khăn hơn, quy định phức tạp hơn thì khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cam kết cùng các nhà đầu tư vượt qua thách thức, cùng nhau chia sẻ lợi ích, cùng thành công. Với thông điệp này, chắc chắn những mảng xám trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài sẽ dần được thu hẹp lại, để cùng tạo ra lợi ích nhiều hơn cho quốc gia cũng như cho đối tác doanh nghiệp ngoại quốc đến Việt Nam làm ăn.