Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Báo động tình trạng ngộ độc ở các bếp ăn tập thể trong mùa hè

ANTD.VN - Trong 5 tháng đầu năm nay, dù cả xã hội thực hiện lệnh giãn cách để phòng Covid-19 nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn gia tăng, số ca tử vong cũng tăng vọt tới 17 người so với cùng kỳ 2019.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, vấn đề đảm bảo ATTP còn rất nhiều mối lo.

- Con số tăng tới 17 người tử vong do ngộ độc thực phẩm chỉ trong 5 tháng thực sự rất đáng báo động. Ông có thể thông tin rõ hơn về tình trạng này?

- Từ 1-1 đến ngày 31-5-2020, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.

Số ca tử vong chỉ phản ánh một phần nổi trong lĩnh vực đảm bảo ATTP. Thực tế số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể – với số lượng người mắc lớn - chủ yếu là ngộ độc do vi sinh vật, số người nhập viện rất cao nhưng tỷ lệ tử vong thường rất thấp (trừ những người có bệnh lý nền nặng).

Chúng tôi đã phân tích, hầu hết ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay là ngộ độc do độc tố như rượu chứa cồn công nghiệp, nấm độc.

Điển hình như tháng 4-2020 vừa qua, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi một nhóm công nhân xây dựng ra quán tạp hóa mua rượu trắng về uống. Sau uống rượu, cả 12 người phải nhập viện, 2 người tử vong.

Qua các hội thảo, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần tới Bộ Công Thương về việc phải yêu cầu đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm, tránh tình trạng sử dụng loại cồn này vào pha chế thực phẩm, bia rượu.

Song hiện tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến. Nhiều cơ sở làm ăn phi pháp, bất chấp lương tâm, đã mua cồn công nghiệp (màu trong suốt) về pha với nước để làm thành rượu giá rẻ bán ra thị trường, vô cùng nguy hiểm.

- Vừa qua, Cục ATTP đã kiểm tra, khảo sát bếp ăn tập thể ở một số tỉnh/ thành phố, vậy qua đánh giá, đâu là vấn đề đáng lo ngại nhất?

- Như tôi đã nói, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học vẫn đang là một mối lo lớn trong lĩnh vực đảm bảo ATTP ở nước ta.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hàng trăm người phải nhập viện

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh không cao, vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm trái.

Trong khi đó, do các đối tượng công nhân ở khu công nghiệp, học sinh sinh viên… thu nhập thấp, vẫn chấp nhận lựa chọn những thực phẩm rẻ tiền, những suất ăn giá rẻ và đương nhiên nguy cơ mất an toàn cũng cao hơn. Chưa kể thói quen tiêu dùng thực phẩm tươi sống của nhiều người chậm thay đổi.

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng gia tăng do thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Qua kiểm tra giám sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt.

Cũng phải nói rằng, tình trạng thực phẩm nhập nhập lậu qua biên giới còn rất phức tạp. Trong nước, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên cả nước thì 85% là những cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình.

Qua kiểm tra, không ít cơ sở sản xuất chỉ là một căn phòng nhỏ vừa dùng làm nơi ở vừa làm nơi chế biến. Chưa kể gần 200 làng nghề chế biến thực phẩm truyền thống…

- Có ý kiến cho rằng một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vi phạm về ATTP còn nhức nhối là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Điều này có đúng hay không, thưa ông?

- Trong các giải pháp để đảm bảo ATTP, giải pháp đầu tiên vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về ATTP, hướng dẫn người dân cách sử dụng thực phẩm an toàn.

Giải pháp quan trọng thứ hai mới là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ở địa phương, khi phát hiện vi phạm pháp luật về ATTP, phải xử phạt thật nặng và cùng đó công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo.

Có thể khẳng định, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng lên rất nhiều. Với những hành vi cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Tuy vậy, các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra còn mỏng và yếu, thậm chí có nơi, có lúc còn lơi lỏng xử lý vi phạm.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, nhất là vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm rất nhiều nhưng không dễ xử lý. Đây là vấn đề cần tiếp tục khắc phục và chúng tôi cũng đang có những kiến nghị, đề xuất giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!