Cuba tự tin vào thành công vaccine Covid-19 tự bào chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuba tin tưởng vào thành công của vaccine Covid-19 tự bào chế trong nước sau những gì họ thu được trong các nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn cuối, một nhà khoa học vaccine hàng đầu của Cuba cho biết. “Chúng tôi thấy rằng độ an toàn của vaccine Soberana 2 rất tốt”, Tiến sĩ Vicente Verez, Giám đốc Viện nghiên cứu vaccine Finlay nói với kênh NBC News của Mỹ.
Một người dân Cuba tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Soberana 2 tại Bệnh viện Vedado Policlinic hôm 24-3-2021

Một người dân Cuba tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Soberana 2 tại Bệnh viện Vedado Policlinic hôm 24-3-2021

Cuba đang có 2 vaccine thử nghiệm lâm sàng

Cuba đang có 2 trong số 5 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Soberana 2 (có nghĩa là chủ quyền) và Abdala, được đặt theo tên một cuốn sách của Anh hùng giành độc lập cho Cuba José Martí. Khoảng 44.000 người Cuba đã được tiêm vaccine Soberana 2 trong khuôn khổ nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3. Cùng với đó, 150.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe đang được tiêm Soberana 2 như một phần của “nghiên cứu can thiệp”.

Vaccine Soberana 2 của Cuba không giống như vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna, với công nghệ mới là không đưa virus sống vào cơ thể mà chỉ đưa ra các hướng dẫn cho tế bào nhận diện protein trên bề mặt virus để kích hoạt cơ chế miễn dịch. Giải pháp của Soberana 2 tương tự như vaccine Novavax đang được phát triển ở Mỹ, sử dụng các protein Covid-19 tổng hợp để kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.

“Chúng tôi nhận thấy rằng vaccine rất an toàn, rủi ro tiềm ẩn khi áp dụng cho nhiều người giảm đi và những lợi ích tiềm năng ngày càng tăng. Hiệu quả nhất định đã được chứng minh và đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định mở rộng các nghiên cứu can thiệp”, Tiến sĩ Vicente Verez nói.

Viện nghiên cứu vaccine Finlay của Tiến sĩ Vicente Verez được đặt theo tên của nhà dịch tễ học người Cuba, Tiến sĩ Carlos Finlay, người phát hiện ra bệnh sốt vàng truyền qua muỗi. Viện được thành lập vào năm 1991 theo chỉ đạo của cố lãnh đạo Cuba Fidel Castro, người đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và lĩnh vực dược phẩm của đất nước. Trung tâm nghiên cứu ung thư của họ đã phát triển một loại vaccine đang được thử nghiệm ở Mỹ và các quốc gia khác.

“Ở Cuba, chúng tôi bắt đầu tiêm vaccine muộn hơn một chút so với các loại vaccine còn lại trên thế giới vì chúng tôi chờ đợi để biết thêm một chút về virus cũng như cơ chế mà nó lây nhiễm vào tế bào. Chúng tôi đang thấy hồ sơ an toàn với vaccine Soberana 2 rất tốt”, ông Verez nói.

Với nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch và nhiều thập kỷ cấm vận, Cuba đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Nền kinh tế suy giảm vào năm 2020 nhưng hòn đảo đã cố gắng kiểm soát số ca lây nhiễm và tử vong do Covid-19 bằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và ngăn chặn so với nhiều nước phát triển trên thế giới.

Trong những tuần gần đây, Cuba ghi nhận trung bình khoảng 1.000 trường hợp mỗi ngày, nhưng họ đã giữ được tỷ lệ lây nhiễm rất thấp vào năm ngoái. Kết quả cuối cùng của các thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ mất một thời gian nhưng kế hoạch của Chính phủ Cuba là tiêm phòng cho gần hết cư dân của Thủ đô Havana vào tháng 5 và toàn bộ dân số của đất nước được tiêm chủng trước cuối năm 2021. Tiến sĩ Verez nói rằng mặc dù việc tiêm phòng không phải là bắt buộc, nhưng ông cho rằng “phần lớn dân số muốn tiêm vaccine”.

Nhiều nước “đánh tiếng” đặt hàng

Đối với Cuba, vaccine có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng cũng như thể hiện sức mạnh rằng một quốc gia nhỏ bị Mỹ trừng phạt có thể cạnh tranh trên trường thế giới với các vaccine tiềm năng của chính họ. Cuba có thể đã mua vaccine từ Trung Quốc và Nga, nhưng việc phát triển vaccine của chính mình mang lại cho nước này cơ hội bán vaccine cho các nước “chậm chân” hơn trong đặt hàng vaccine và đem lại nguồn ngoại tệ rất cần thiết. Bởi khi vaccine của Mỹ và Anh được thử nghiệm lâm sàng vào năm ngoái, các nước giàu có ở Bắc Mỹ và châu Âu đã đặt hàng trước với số lượng lớn, khiến các nước nghèo và đang phát triển có khoảng cách lớn về khả năng tiếp cận.

Ông Verez cho biết, một số quốc gia đã tiếp cận các quan chức Cuba với ý định mua hơn 100 triệu liều vaccine hàng năm của nước này. Ông cho biết, hệ thống sản xuất vaccine của Cuba đang được tổ chức lại để sản xuất 100 triệu liều mỗi năm. Iran, quốc gia cấm vaccine của Mỹ và Anh, sẽ tổ chức thử nghiệm giai đoạn 3 của Soberana 2 như một phần của thỏa thuận bao gồm sản xuất hàng triệu liều ở đó. Venezuela sẽ sản xuất vaccine Abdala, chính phủ nước này công bố hôm 8-4. Mexico và Argentina cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến vaccine của Cuba.

“Chúng rất an toàn. Sau khi thử nghiệm hàng nghìn liều, chỉ có một số ít người tình nguyện thấy tác dụng phụ nhẹ và vừa phải”, Tiến sĩ Eduardo Martínez Díaz, Chủ tịch tập đoàn dược phẩm Nhà nước BioCubaFarma cho biết. Ông Díaz nói rằng cả 2 loại vaccine đều đang tạo ra một lượng miễn dịch cao và nếu được xuất khẩu, giá cả sẽ phải chăng. Còn Tiến sĩ Verez thêm rằng, các vaccine của Cuba thích nghi với biến thể mới và có thể phải tăng thêm liều để thúc đẩy miễn dịch.

Nếu các thử nghiệm thành công, đất nước Cuba tương đối nhỏ với 11 triệu dân và phải chịu sự cấm vận của Mỹ hàng chục năm qua sẽ là một trong số rất ít quốc gia có vaccine để chống lại đại dịch Covid-19, đồng thời thu hút sự chú ý của toàn thế giới về tiềm năng vaccine. Trong phép so sánh chung, các quốc gia khác đã phát triển được vaccine là Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều có nền kinh tế và quy mô dân số lớn hơn đáng kể.