“Cửa rộng” cho xuất khẩu nông sản sang châu Âu

ANTĐ - 28 quốc gia với hơn 500 triệu dân là thị trường lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tìm đường chinh phục, đặc biệt là nông sản đặc sản. Đó là thông tin mà đại diện Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) vừa chia sẻ.

Theo Eurocharm, quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU- Việt Nam đang tiến dần đến bước cuối cùng, hứa hẹn sẽ ký kết trong thời gian tới. Việc này sẽ mang lại ý nghĩa rất tích cực đối với doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh, ở mức 30-40% so với hiện nay, trong đó chủ yếu là nhóm hàng nông sản đặc sản vốn là thế mạnh của nước ta. Bên cạnh đó, khoảng 90 dòng thuế áp dụng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được EU cắt giảm xuống mức thấp nhất, hậu thuẫn cho hàng Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường này. 

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang EU đạt 21,3 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này là 5,3 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu sang EU chủ yếu là các mặt hàng: gạo, tiêu, điều, cà phê…

Đại diện EuroCham dự báo, khi FTA được ký kết, hoạt động giao thương với EU có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm khoảng 15%. Việt Nam cũng sẽ nhập khẩu được từ thị trường này các sản phẩm công nghệ cao có chất lượng, phục vụ sản xuất và tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến Nông – Lâm – Thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho hay, yêu cầu về chất lượng dịch vụ và hàng hóa của người dân châu Âu ngày càng cao. Đặc biệt, khách hàng châu Âu không chỉ quan tâm tới sản phẩm mà còn quan tâm đến cả doanh nghiệp và cách thức làm ra sản phẩm đó. “Thị trường EU cấm nhập khẩu các loại hàng hóa độc hại, mất an ninh. Hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhất là đối với hoa, quả tươi; sản phẩm phải được chứng nhận không có côn trùng, bệnh tật”, ông Dũng nói. 

Trên thực tế, vì thiếu hiểu biết, không tuân thủ đầy đủ các quy định này nên nông sản Việt Nam xuất khẩu vào EU mang lại giá trị thấp. Điển hình như mặt hàng gạo, chưa xuất hiện nhiều tại châu Âu do doanh nghiệp có công nghệ chế biến tốt không nhiều, thương hiệu kém, khó cạnh tranh với gạo từ các nước khác. Tương tự, sản phẩm ca cao Việt Nam được người tiêu dùng EU ưa chuộng vì có hương vị riêng nhưng lại chưa được sơ chế tốt. Trong khi đó, mặt hàng mật ong chất lượng không đồng đều, thậm chí có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khó lấy được lòng tin của người tiêu dùng châu Âu. 

Ông Martin Buckle - Chuyên gia thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan chia sẻ: “Người dân EU sẵn sàng chi trả thêm tiền để được uống cà phê ngon và chất lượng. Hầu hết cà phê tiêu thụ tại EU hiện nay do doanh nghiệp tại thị trường này chế biến, doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu thô nên giá thấp. Cần phải xem xét tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm”. Theo các chuyên gia, đáp ứng được tiêu chuẩn hàng hóa của EU, hàng hóa Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội để thâm nhập vào các thị trường khó tính khác.