Cửa hàng tiện ích: Quy mô nhỏ, tham vọng lớn

ANTĐ - Sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tiện ích tại các thành phố lớn trong thời gian gần đây đang tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt về khách hàng với cả chợ truyền thống và siêu thị tổng hợp. Mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng lượng khách hàng đến cửa hàng tiện ích không hề ít.

Quy mô nhỏ nhưng cửa hàng tiện ích là “đối thủ” đáng gờm trong ngành bán lẻ

“Trăm hoa đua nở”

Ông Vũ Vinh Phú-nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã ví von như vậy về sự phát triển của các cửa hàng tiện ích trong thời gian gần đây. Theo vị chuyên gia thị trường này, dù chưa có thống kê chính thức nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có vài trăm cửa hàng tiện ích của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khảo sát của phóng viên ANTĐ cho thấy, trên đoạn phố ngắn hơn 100m đường Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm), có tới 3 cửa hàng kinh doanh theo kiểu cửa hàng tiện ích là: Shop &Go, Galaxy và J-martket (vừa mới khai trương). Trong khi Shop & Go và Galaxy chủ yếu kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói như: bánh kẹo, đồ ăn nhanh (bánh ngọt, xúc xích, snack), kem, nước giải khát và một số đồ dùng thiết yếu thì J-market lại chuyên doanh về thịt bò được giới thiệu nhập khẩu từ Nhật Bản. 

Chọn một vị trí tương tự, chuỗi cửa hàng L’s Place cũng nằm trong khu dân cư đông đúc ở mặt đường Lý Thường Kiệt và khá đông khách, chỉ cách các cửa hàng tiện ích trên đường Phan Bội Châu chưa đầy 1km. Trong khoảng bán kính này, khách hàng cũng biết đến cửa hàng tiện lợi Hapro food ở mặt phố Nguyễn Khuyến. Mật độ dày đặc của các cửa hàng tiện ích không chỉ chứng tỏ đây là xu hướng của mô hình bán lẻ mới mà còn thể hiện một phần sự “ăn nên làm ra” của chuỗi cửa hàng này trong vài năm gần đây. 

Đối thủ nhỏ đáng gờm

Đúng như tên gọi của nó, cửa hàng tiện ích thực sự tiện lợi với những khách hàng có nhu cầu phát sinh về hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Không cần quy mô lớn, diện tích, nhân viên nhiều, cửa hàng tiện ích thường chỉ từ  20m2 đến 30m2/cửa hàng và 2 nhân viên/ca trực, số lượng hàng cũng chỉ vài trăm loại nên khách hàng chỉ ghé vào vài phút là mua được thứ mình cần. Về mẫu mã, hàng hóa trong cửa hàng tiện ích được bao gói tươm tất, không bụi bặm, giá niêm yết rõ ràng. Xuất xứ hàng vừa có hàng Việt, vừa hàng ngoại của Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Mehico... Một ưu điểm nữa của cửa hàng tiện ích là giá trị sản phẩm cũng không quá cao, thường chỉ dưới 100.000 đồng/sản phẩm thực phẩm đóng gói, hàng tiêu dùng thiết yếu, chỉ một vài sản phẩm nhập khẩu có giá vài trăm nghìn đồng nên phù hợp với lựa chọn phát sinh của khách hàng. Phần lớn cửa hàng phục vụ 24/24h nên đem đến cho khách cảm giác chuyên nghiệp. 

Với những ưu thế trên, các chuyên gia cho rằng cửa hàng tiện ích không chỉ là đối thủ cạnh tranh của các chợ hay cửa hàng tạp hóa truyền thống vì cung cấp thực phẩm thiết yếu, mà còn làm giảm đáng kể lượng khách đến các siêu thị lớn. Hạn chế lớn nhất của cửa hàng tiện ích là giá cả vẫn cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường. Do giá trị sản phẩm không cao nên tổng số tiền khách hàng phải thanh toán không quá lớn, nhưng tính trên tổng hóa đơn hàng hóa thì khách hàng khó tiết kiệm với cửa hàng tiện ích. Trong khi đó, người kinh doanh lại có thể “tích tiểu thành đại”. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, còn một vấn để khác về cửa hàng tiện ích đang cần được quan tâm là việc quản lý chất lượng, xuất xứ, nhãn mác hàng hóa tại đây, vì có những mặt hàng do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem phụ và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Mặt khác, cửa hàng hoạt động 24/24h cũng dễ phát sinh các vấn đề xã hội mà địa phương nơi cửa hàng đặt địa điểm phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động hiệu quả.