Cửa hàng dịch vụ tại sân bay cần hoạt động minh bạch, cạnh tranh bình đẳng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không nên để tình trạng một số sân bay chỉ cho phép một hoặc một số rất ít các đối tác vào cung cấp dịch vụ cho hành khách như cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ăn uống, taxi…
Khách hàng phản ánh sân bay Phú Bài chỉ cho taxi 1 hãng đón khách

Khách hàng phản ánh sân bay Phú Bài chỉ cho taxi 1 hãng đón khách

VCCI vừa góp ý cho báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Tại bản góp ý này, VCCI nhắc lại phản ánh vụ việc xảy ra tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ cho phép 1 hãng taxi vào đón, trả khách. VCCI cho rằng quy định này chưa minh bạch và chưa tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và hành khách phản ánh tình trạng một số sân bay chỉ cho phép một hoặc một số rất ít các đối tác vào cung cấp dịch vụ cho hành khách như cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ăn uống, taxi.

Điển hình là sự việc gần đây sân bay Phú Bài chỉ cho phép một hãng taxi vào đón trả khách. Theo khuyến nghị của OECD tại báo cáo Competition Policy and International Airport Services, do đặc tính tự nhiên, các dịch vụ phục vụ hành khách tại sân bay rất dễ nảy sinh các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh, các thoả thuận hạn chế cạnh tranh”- VCCI phân tích.

Do đó, cơ quan này đề nghị bổ sung thêm vấn đề bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng khi các sân bay do Nhà nước đầu tư tự mình hoặc hợp tác với đối tác khác khi cung cấp dịch vụ cho hành khách.

Đối với việc quản lý giá dịch vụ hàng không, báo cáo của Bộ GTVT nêu vấn đề, giá dịch vụ hàng không cần được nhà nước điều tiết như thế nào, mức độ điều tiết ra sao để đảm bảo tính quy luật của nền kinh tế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân là vấn đề cần được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật HKDDVN, Luật Giá.

Theo đó, Bộ GTVT nêu quan điểm cần rà soát, sửa đổi danh mục dịch vụ hàng hóa do nhà nước định giá đảm bảo đồng bộ với các quy định của pháp luật về giá và phí, phù hợp với thực tiễn phát sinh;

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung đối với chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa theo hướng Nhà nước quy định mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và không định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Bộ GTVT cho rằng các quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển sẽ được rà soát lại để đáp ứng yêu cầu thực tế và bổ sung thêm các nguyên tắc ở Luật và các quy định dưới luật về đánh giá chất lượng dịch vụ, các chế tài kiểm tra, giám sát đối với các hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến cao, các hãng hàng không được đánh giá có chất lượng dịch vụ kém gây ra các phản ứng tiêu cực cho khách hàng.

Trong khi đó, theo VCCI, hiện nay, Nhà nước vẫn duy trì việc quản lý giá đối với dịch vụ vận tải hàng không theo khung giá đối với các đường bay nội địa. Dự thảo báo cáo đề xuất vẫn tiếp tục quy định mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Đây là sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào thị trường!

“Cách tiếp cận của Luật Giá đang được soạn thảo hiện nay là Nhà nước chỉ định giá đối với các hàng hoá, dịch vụ có tính độc quyền. Đây là cách tiếp cận phù hợp vì trường hợp không có độc quyền thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhà cung cấp nào có mức giá tốt hơn so với chất lượng dịch vụ.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cũng sử dụng cách tiếp cận này trong lĩnh vực hàng không, đó là Nhà nước chỉ định giá đối với các đường bay nội địa mà chỉ có một hãng hàng không khai thác”- VCCI kiến nghị.