Cử tri kỳ vọng gì?

ANTD.VN - Khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, hàng triệu cử tri cả nước đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng mong muốn Quốc hội tập trung thảo luận, “mổ xẻ” những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Ghi nhận sự năng động, hành động vì dân từ Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trong nhiệm kỳ mới, song cử tri và nhân dân cũng kỳ vọng Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn trong việc xây dựng một Chính phủ, chính quyền liêm chính, kiến tạo và hành động quyết liệt hơn.

Những vấn đề nóng bỏng mà cử tri kiến nghị đặt lên bàn nghị sự Quốc hội để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý là gì? Đó là phòng chống tham nhũng, tình trạng bổ nhiệm người nhà, “cả họ làm quan”, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, những công trình hàng nghìn tỷ đồng “dãi nắng dầm mưa”…

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng mang ra xét xử 6 “đại án” tham nhũng nhưng ý kiến của cử tri cho rằng, cuộc chiến trên mặt trận này vẫn còn nhiều hạn chế, gây bức xúc xã hội. Vì thế, tại kỳ họp này, Quốc hội cần đưa ra những quy định chặt chẽ liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Nếu để xảy ra tham nhũng mà người đứng đầu vô can thì nhân dân không thể hài lòng, giảm sút niềm tin. 

Một trong những vấn đề ám ảnh cả xã hội là an toàn thực phẩm. Hình ảnh Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành thành phố Hà Nội tờ mờ sáng đi thị sát chợ đầu mối Long Biên, cánh đồng trồng rau… để lại ấn tượng sâu sắc trong người dân về quyết tâm và hành động quyết liệt của Chính phủ và bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, người dân vẫn bày tỏ mong muốn cần thực thi những giải pháp triệt để, chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa đủ sức răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi vi phạm về an toàn thực phẩm…

Ngoài những nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước như tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng thấp nên tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP có thể vượt ngưỡng Quốc hội cho phép, kỳ họp này sẽ ghi nhận chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tiếp tục được nâng cao hơn.

Không chỉ thay đổi, cải tiến về hình thức, nội dung thảo luận các báo cáo của Chính phủ trên nghị trường cũng như thảo luận tổ, đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ cũng như “tư lệnh” ngành sẽ không rơi vào tình trạng đọc báo cáo, trình bày dàn trải. Trách nhiệm giải trình sẽ rõ ràng, minh bạch hơn. Việc cam kết, thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri sẽ được quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm cụ thể. 

Đặc biệt, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội được cử tri tín nhiệm, giao phó trọng trách trước nhân dân cả nước ngày càng trở nên “nặng gánh” hơn, đặc biệt là trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật cũng như những nghị quyết của Quốc hội. Câu hỏi: cử tri kỳ vọng gì ở các đại biểu Quốc hội không phải lần đầu được đặt ra tại kỳ họp này.