Cử tri hỏi - Bộ Công an trả lời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -

Kiến nghị về giải pháp khắc phục những bất cập, khó khăn trong việc học tập trực tuyến

Cử tri tỉnh Đồng Nai hỏi: Trong thời gian qua lợi dụng tình hình học sinh học tập trực tuyến qua mạng, các đối tượng xấu đã có nhiều hành vi quấy rối, tấn công mạng gây mất an toàn cho học sinh và lo lắng của phụ huynh. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an có các giải pháp để khắc phục những vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình học tập trực tuyến.

Bộ Công an trả lời:

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nhất là tập trung xử lý các hành vi quấy rối, tấn công mạng gây mất an toàn hoạt động tổ chức dạy học trực tuyến.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng Bộ Công an đã phát hiện trên 1.700 trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tin tặc tấn công và thay đổi giao diện; phát hiện, xử lý trên 280 trang thông tin điện tử tồn tại lỗ hổng bảo mật; hàng chục hệ thống thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng, cài cắm mã độc.

Qua đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh dữ liệu, thông tin cá nhân trên các ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động giao tiếp, hội thảo, hội họp, đào tạo, dạy học trực tuyến qua mạng Internet. Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe đối với các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, hiện nay đang chờ Chính phủ xem xét ban hành.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình học tập trực tuyến.

Đồng thời, tăng cường phòng ngừa, kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trọng tâm là: Triển khai các kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia; kiểm tra, đánh giá và khắc phục tình trạng mất an ninh hệ thống mạng, an toàn hệ thống thông tin; thiết lập cơ chế xác minh, truy vết đối tượng qua các nền tảng dịch vụ ứng dụng dạy học trực tuyến; thông báo gửi các cơ quan, tổ chức để cảnh báo về hoạt động tấn công mạng, nguy cơ mất an ninh hệ thống mạng, khắc phục những vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình dạy học trực tuyến qua mạng Internet trong thời gian tới.

Cần chế tài đủ mạnh để trấn áp tội phạm chống người công vụ

Cần chế tài đủ mạnh để trấn áp tội phạm chống người công vụ

Kiến nghị các chế tài mạnh hơn nữa để xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Cử tri tỉnh Yên Bái hỏi: Thời gian gần đây, hiện tượng một số đối tượng vi phạm có hành vi chống đối người thi hành công vụ xảy ra khá phổ biến, có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có các chế tài nghiêm khắc hơn nữa để xử lý tình trạng trên.

Bộ Công an trả lời:

Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp; đối tượng chống người thi hành công vụ gồm nhiều thành phần, các đối tượng này chủ động, lôi kéo nhiều người tham gia, xảy ra ở nhiều địa phương trong toàn quốc.

Trong khi đó, các quy định về xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ còn thiếu, khung hình phạt đối với hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các quy định khác về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, phòng, chống các hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng còn chưa đầy đủ, khó áp dụng trong thực tiễn dẫn tới nhiều vụ việc người thi hành công vụ đã bị tổn hại sức khỏe hoặc bị truy cứu trách nhiệm khi thiếu sót trong chấp hành nhiệm vụ, trực tiếp đối đầu với tội phạm nguy hiểm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng, chống tội phạm chống người thi hành công vụ, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các công việc trọng tâm sau:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 39/CT-TTg ngày 24-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ; Kế hoạch số 371/KH-BCA ngày 29-11-2017 của Bộ Công an về thực hiện Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật, làm rõ những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai áp dụng để tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tăng chế tài xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ, hướng dẫn để áp dụng thống nhất, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; quy định đầy đủ và chi tiết về xử lý hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ, quy định rõ hơn về thẩm quyền, cách thức, thủ tục sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác của lực lượng chức năng.

- Tham mưu, đề nghị Chính phủ tiếp tục trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại cho các lực lượng thi hành công vụ, nhất là đối với các lực lượng trực tiếp trấn áp tội phạm; từng bước luật hóa để có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi chống người thi hành công vụ.

- Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở nhằm chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, thiếu sót trong quá trình thi hành công vụ của người được giao thực thi công vụ; tăng cường bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức của người thi hành công vụ, thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi chống người thi hành công vụ.

- Đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện chống đối, kích động, lôi kéo nhân dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật nói chung và chống người thi hành công vụ nói riêng.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật tới người dân, để nhân dân hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng Công an nhân dân; qua đó có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ, ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng thi hành công vụ, góp phần giữ gìn đảm bảo an ninh, trật tự, tránh bị các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng kích động, chống đối với lực lượng thi hành công vụ.

Một ổ nhóm chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc bị lực lượng công an triệt phá

Một ổ nhóm chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc bị lực lượng công an triệt phá

Phối hợp kiểm tra, xử lý hoạt động vay nặng lãi, biến tướng “vay qua app”

Cử tri tỉnh Lâm Đồng hỏi: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.

Bộ Công an trả lời:

Trước tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Trong một năm qua, lực lượng Công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan; điển hình: tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 03 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với 05 bị can về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử, trọng tâm là: Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến.

Tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến, “vay qua app” trên các thiết bị điện tử. Đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P Lending)...

Kiến nghị, thắc mắc của cử tri được giải đáp, trả lời thông qua Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an tại địa chỉ: http://www.mps.gov.vn/hoi-dap.html