Cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội giám sát chặt vụ Trịnh Xuân Thanh

ANTD.VN - Ngày 19-10, thông tin từ đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBHQ) TP Hà Nội cho biết, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ 2- Quốc hội khoá XIV.

Theo đó, về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2- Quốc hội khóa XIV, cử tri Hà Nội tiếp tục đề nghị Quốc hội khóa XIV nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, không làm vội, làm ẩu, để luật được ban hành có tính khả thi cao, áp dụng lâu dài. Bên cạnh đó, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống.

Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp xúc cử tri

huyện Ba Vì trước kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV

Về công tác giám sát, xây dựng chính quyền, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh và việc xử lý sai phạm tại nhà số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội yêu cầu giải trình và giám sát việc các nhà thầu Trung Quốc liên tục được nhận các công trình quan trọng của Việt Nam mặc dù chất lượng không đảm bảo (Cử tri các quận: Cầu Giấy; Nam Từ Liêm; Bắc Từ Liêm)

Về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước, cử tri Hà Nội bày tỏ lo lắng trước tình hình bội chi ngân sách nhà nước, nợ công... tăng cao và đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp để đảm bảo nợ công của đất nước ở mức an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp sử dụng khoản vay Chính phủ lãng phí, không hiệu quả, xác định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm và thông tin cho cử tri được biết.

Về quy hoạch, giao thông, đô thị, cử tri Hà Nội phản ánh về vấn đề quy hoạch các đô thị trong quá trình thực thi không tuân thủ quy hoạch tổng thể, không tuân thủ các quy định của pháp luật… dẫn đến quy hoạch bị phá nát, nhà chung cư đưa vào nội đô quá nhiều, giao thông ùn tắc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này.

Về giáo dục và đào tạo, cử tri Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT khi thay đổi nội dung sách giáo khoa các cấp học cần có thí điểm và lộ trình tránh thay đổi liên tục gây khó khăn trong việc dạy và học của giáo viên, học sinh; khi chuyển đổi thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm cần có thời gian chuẩn bị hợp lý, không nên triển khai đồng loạt trên cả nước.

Đặc biệt, phải nghiên cứu lộ trình thực hiện phương án thi THPT quốc gia nhằm đảm bảo một kỳ thi minh bạch, chất lượng, tiết kiệm và ổn định lâu dài, tránh tình trạng liên tục thay đổi phương án thi gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Về y tế, dân số, cử tri bày tỏ bức xúc trước tình trạng người bệnh phải nằm ghép 2-3 người một giường vẫn phổ biến. Cử tri cũng cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ ngày 1-3-2016 lên 30% là chưa phù hợp với chất lượng các dịch vụ y tế hiện nay. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Về nông nghiệp nông thôn, cử tri tiếp tục phản ánh hiện nay tình trạng thuốc trừ sâu giả, phân bón giả vẫn còn tiếp diễn phức tạp và tinh vi làm ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất nông nghiệp. Cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn trong phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mặt khác, hiện nay có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về nông nghiệp không được ứng dụng vào thực tế. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tập trung đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tế.