“Cú phanh gấp” trái phiếu và rủi ro đè nặng tín dụng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị định 65 và 2 biến cố lớn liên quan đến trái phiếu bất động sản (Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát) khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn về nguồn vốn, nguy cơ rủi ro đối với các ngân hàng đang hiện hữu.

Tín dụng bất động sản kinh doanh chững lại

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2022, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm ngoái và chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, cho vay phục vụ mục đích tự sử dụng tăng hơn 20%; cho vay kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021 và chiếm khoảng 20,72% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, cho vay bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, cho vay bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%.

Như vậy có thể thấy, trong những tháng gần đây, tăng trưởng tín dụng đối với bất động sản kinh doanh đã có sự thụt lùi, đồng nghĩa với nguồn vốn vào lĩnh vực này đang bị siết chặt hơn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản.

Cơ quan này đã có nhiều công văn chỉ đạo tổ chức tín dụng nhằm hạn chế rủi ro trong lĩnh vực này như, hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; ưu tiên đưa vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Tập trung vào vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường và người dân…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về nguồn vốn sau 2 biến cố của các doanh nghiệp lớn

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về nguồn vốn sau 2 biến cố của các doanh nghiệp lớn

Nguy cơ rủi ro lan truyền đến các ngân hàng

Dù vậy, theo nhiều đánh giá, rủi ro đối với tín dụng bất động sản vẫn đang rất lớn do ảnh hưởng lan truyền từ trái phiếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tới đây, các doanh nghiệp có số dư trái phiếu cao có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay tại ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, áp lực thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng và ở mức cao trong thời gian còn lại của năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ đã bị đình trệ trong phần lớn thời gian của năm 2022 đã phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền đáo hạn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu bị thử thách khi liên tiếp có 2 sự kiện bắt giữ lãnh đạo cấp cao của 2 tập đoàn bất động sản lớn - vốn có quy mô phát hành trái phiếu riêng lẻ cao trong ngành.

Điều này đã tăng thêm áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản khi các nhà đầu tư yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn. Ước tính có khoảng 142.000 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn trong 9 tháng đầu năm 2022.

VDSC cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, Nghị định 65 và biến cố ở 2 tập đoàn bất động sản lớn vừa qua là những “cú phanh gấp” về nguồn cung ứng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Trong khi đó, từ đầu năm nay, ngành bất động sản bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh với nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ giảm rõ rệt do cung không gặp cầu, dòng vốn vào bất động sản gặp khó do cả tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng, cùng với chủ trương ngăn chặn đầu cơ bất động sản của Chính phủ gây sức ép giảm giá bán.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang xem xét bổ sung các quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp bất động sản.

Áp lực dòng tiền cao phát sinh trong ngắn hạn trong khi tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa giảm có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp có số dư trái phiếu riêng lẻ cao có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay tại ngân hàng.

Không chỉ vậy, đối với các nhà đầu tư cá nhân, những người nắm giữ trái phiếu không được thanh toán gốc và lãi đúng hạn, có thể gián tiếp gặp khó khăn về dòng tiền. Đây cũng là rủi ro tiềm tàng nếu các cá nhân này có khoản vay tại ngân hàng nhưng thiếu các dòng thu nhập ổn định.

Với bối cảnh như trên, VDSC đánh giá xác suất nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng đang cao hơn, tạo áp lực lên chi phí tín dụng trong các quý tiếp theo.

“Những ngân hàng có mức phân bổ cao tín dụng vào cho vay bất động sản sẽ chịu rủi ro cao hơn các ngân hàng khác, nhưng mức độ rủi ro là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc tín dụng (cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) với ngành bất động sản và sức khỏe tài chính của các đối tác liên quan” – các chuyên gia VDSC nhận định.